(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi có 2 đứa con, cách nhau 3 tuổi vì thế trùng năm chuyển cấp. Sắp tới, một bạn thi vào THPT, bạn kia thì thi vào đại học. Là bố mẹ, chúng tôi đặt mình trong tình huống sốt sình sịch, ngay từ đầu hè đã hỏi han kinh nghiệm của những phụ huynh khác trong việc tìm học thầy cô nào, thi trường nào?

Thi thử - lo thật

Tôi có 2 đứa con, cách nhau 3 tuổi vì thế trùng năm chuyển cấp. Sắp tới, một bạn thi vào THPT, bạn kia thì thi vào đại học. Là bố mẹ, chúng tôi đặt mình trong tình huống sốt sình sịch, ngay từ đầu hè đã hỏi han kinh nghiệm của những phụ huynh khác trong việc tìm học thầy cô nào, thi trường nào?

Thi thử - lo thật

Để giải tỏa cơn lo, các phụ huynh thường nói với nhau phải cố mà cho con thi thử xem nó đạt đến trình độ nào còn biết đường tính toán phù hợp, tránh đánh giá quá cao mà “xôi hỏng bỏng không”.

Thi thử là tên thường gọi của các đợt rà soát, kiểm tra kiến thức, khảo sát các môn thi cho học sinh. Vì thế mà những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh, các trường đều đồng loạt tổ chức thi thử cho học sinh cuối cấp (lớp 9, lớp 12) để tập dượt cho các kỳ thi vào lớp 10, tốt nghiệp THPT.

Cần nói thêm rằng, trong Luật Giáo dục chỉ có khái niệm thi tốt nghiệp và tuyển sinh, không có khái niệm “thi thử”; cũng không có khái niệm thi học kỳ mà là kiểm tra học kỳ một, kiểm tra học kỳ hai. Lạm dụng chữ “thi” khiến phụ huynh lo lắng, trẻ nhỏ cuống cuồng chạy đua với những lớp học thêm.

Bố mẹ lo đã đành, con trẻ cũng không khỏi băn khoăn. "Mẹ ơi, còn 2 tháng rưỡi nữa thi vào THPT mà có đứa lớp con đăng ký đến năm, bảy lần thi thử. Ở trường là 3 lần, cộng với thi khảo sát của trường nọ, trường kia... Rồi còn chưa kể kiểm tra giữa và cuối học kỳ 2. Mẹ nhớ đăng ký cho con nhé!".

Nhiều phụ huynh đã phải kêu ca: “Tốn tiền phết đấy!”. Nhưng nếu tốn tiền mà con trẻ có thêm kinh nghiệm, vững vàng về mặt tâm lý, biết mình thiếu và yếu nội dung chương trình học từng môn để bổ sung, thì phụ huynh sẵn sàng chi không tiếc tay.

Thực ra, điều quan trọng nhất vẫn là kiến thức. Khi kiến thức đã được ôn luyện và củng cố vững vàng, chắc chắn học sinh bước vào phòng thi sẽ có tâm lý nhẹ nhàng, thoải mái. Tuy nhiên, việc có quá nhiều trường tổ chức thi, thậm chí có trường tổ chức vài lần phần nào khiến học sinh mất nhiều thời gian, thêm sự mệt mỏi, căng thẳng...

Hiện nay với sự phát triển của internet, các em học sinh có nhiều điều kiện để tiếp cận các trang giáo dục trực tuyến, các tài liệu thi và cả các phòng thi hoàn toàn miễn phí, không giới hạn số lần tham gia. Vì thế, cho con tham gia quá nhiều lần thi thử, có thể giúp con cọ sát nhưng lại là áp lực, là sự quá tải với con trẻ. Đó là còn chưa kể đề thi khó thì dễ làm trẻ nản chí; nhẹ hơn với đề thi thật thì lại gây tâm lý chủ quan. Thay vì đó, việc tỉnh táo, tránh chạy theo trào lưu của phụ huynh cũng là một cách để giúp con trẻ có thêm tự tin, thêm thời gian ôn luyện, tâm lý thoải mái trước khi bước vào kỳ thi quan trọng.

Thi thử mà nỗi lo thật là vậy!

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]