(vhds.baothanhhoa.vn) - Công nhận mới hay công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) đã và đang đặt ra nhiều vấn đề khó đối với các địa phương. Trong đó, khó nhất vẫn là nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học và trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa. Để giải “bài toán" khó này, nhiều địa phương xoay xở tìm giải pháp để đích cuối cùng là tạo điều kiện đảm bảo cho nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Khó chồng khó

Trường chuẩn “chạy” theo tiêu chí nông thôn mới

Công nhận mới hay công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) đã và đang đặt ra nhiều vấn đề khó đối với các địa phương. Trong đó, khó nhất vẫn là nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học và trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa. Để giải “bài toán" khó này, nhiều địa phương xoay xở tìm giải pháp để đích cuối cùng là tạo điều kiện đảm bảo cho nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Trường chuẩn “chạy” theo tiêu chí nông thôn mớiTiết học Toán của cô và trò lớp 4A Trường Tiểu học Quang Lộc.

Khó cho xã, thuận cho trường...

Theo kế hoạch được giao, cuối năm 2021, Trường THCS Thạch Cẩm (Thạch Thành) sẽ đạt trường CQG mức độ 1. Tuy nhiên, kế hoạch có sự thay đổi, theo đó, công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) và đạt CQG đối với nhà trường sẽ vào cuối năm 2022 này. Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THCS Thạch Cẩm: “So với kế hoạch ban đầu, trường chậm chuẩn 1 năm. Có sự thay đổi vì nhà trường chưa đáp ứng được tiêu chuẩn 3 về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học theo quy định tại Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT về KĐCL, công nhận đạt CQG với trường THCS, THPT”.

Cũng trong năm 2022, theo lộ trình, xã Thạch Cẩm sẽ về đích nông thôn mới (NTM). Riêng đối với tiêu chí số 5 về trường học, theo quy định phải đạt 70% trường đạt CQG. Tuy nhiên, đến lúc này Thạch Cẩm mới có 2/4 trường được công nhận. Do đó, cần thiết phải xây dựng thêm 1 trường chuẩn để đáp ứng tiêu chí. Và để xây dựng Trường THCS Thạch Cẩm thành trường CQG mức độ 1, dự kiến phải cần khoảng 15 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 80% còn xã đối ứng 20%. Đến thời điểm này, tại Trường THCS Thạch Cẩm đã hoàn thành khu phòng học bộ môn với 3 tầng 12 phòng và khu hiệu bộ. Các công trình còn lại như sân vườn, nhà xe... đang trong quá trình xây dựng.

Khó khăn cũng đặt ra đối với các trường nâng chuẩn (mức độ 2). Trường Tiểu học Quang Lộc (Hậu Lộc), theo kế hoạch, cuối năm 2022 sẽ đạt KĐCLGD và đạt CQG mức độ 2. (Trước đó vào năm 2012, trường đạt chuẩn mức độ 1 - PV). Đối chiếu các tiêu chí quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT về kiểm định chất lượng, công nhận đạt CQG với trường tiểu học thì tiêu chuẩn 3 về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học vẫn khó nhất khi ngôi trường này thiếu hệ thống phòng chức năng và một số phòng phục vụ học tập. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước của nhà trường cũng chưa đảm bảo. “Địa phương là một xã vùng màu, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên việc huy động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường cũng còn nhiều hạn chế”, cô giáo Tạ Thị Ánh, Hiệu trường nhà trường cho hay.

Theo kế hoạch, xã Quang Lộc về đích xã NTM nâng cao trong năm 2022. Theo yêu cầu của tiêu chí giáo dục, địa phương phải đầu tư đạt 100% trường học các cấp đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và có ít nhất 1 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2. Đây là điều kiện khó cho xã nhưng cũng là gỡ khó cho Trường Tiểu học Quang Lộc để đạt chuẩn mức độ 2 theo đúng kế hoạch huyện giao. Hiện xã Quang Lộc đã có kế hoạch đầu tư, xây mới 8 phòng học và các phòng chức năng cho nhà trường.

Năm 2022, mục tiêu đặt ra đối với ngành giáo dục và đào tạo là công nhận đạt KĐCLGD và đạt CQG đối với 368 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông của 27 huyện, thị xã, thành phố. Thực tế, xây dựng trường CQG gắn với xây dựng NTM thì việc công nhận trường chuẩn sẽ thuận lợi hơn bởi chính NTM sẽ làm thay đổi diện mạo những mái trường. Hơn nữa, nếu không hoàn thành các tiêu chí nói chung, tiêu chí giáo dục nói riêng thì không thể về đích NTM. Do vậy, địa phương phải nỗ lực để đạt tiêu chí, dù điều kiện gặp không ít khó khăn.

Câu chuyện nguồn lực...

Nói khó khăn vì phần lớn các địa phương đều gặp nhiều trở ngại trong thực hiện tiêu chí giáo dục, một trong những tiêu chí then chốt trong xây dựng NTM. Đối với cấp huyện, nếu có nguồn hỗ trợ thì sẽ giảm khó khăn cho xã. Riêng đối với cấp xã, nguồn lực chủ yếu dựa vào việc đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, còn phải phụ thuộc vào các yếu tố như quỹ đất và giá đất. Trong khi đó, xây dựng trường chuẩn cần có nguồn kinh phí tương đối lớn.

Tại xã Quang Lộc, để thực hiện tiêu chí giáo dục trong xây dựng xã NTM nâng cao thì tổng kinh phí đầu tư cho Trường Tiểu học Quang Lộc đạt chuẩn mức độ 2 với 8 phòng học mới, cùng một số hạng mục của 3 cấp trường là 9 tỷ đồng. Trong đó huyện hỗ trợ 20% tổng giá trị công trình và như vậy xã còn phải lo hơn 7 tỷ đồng. Ông Bùi Hải Hưng, Chủ tịch UBND xã Quang Lộc, cho biết: “Xã đầu tư xây dựng từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 và 2023. Hiện xã đã bố trí cho công trình giáo dục này được 4 tỷ, từ nguồn đấu giá đất của năm 2021 và nguồn của năm 2022 mới đấu giá. Còn lại, xã đang chờ kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2022 - 2023. Tới đây, huyện sẽ đầu tư hạ tầng khu dân cư tập trung của xã, sau khi hoàn thành đầu tư thì tổ chức đấu giá đất... Dự kiến cuối tháng 5, chúng tôi sẽ khởi công xây dựng công trình giáo dục này”.

Nhiều việc phải làm, nhiều tiêu chí phải thực hiện nhưng với tiêu chí giáo dục luôn được ưu tiên hàng đầu như chia sẻ của ông Lê Đức Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh (Thọ Xuân), khi theo lộ trình xã sẽ về đích xã NTM nâng cao trong năm nay và đang tập trung nguồn lực xây dựng chuẩn mức độ 2 đối với Trường Mầm non Xuân Quang. Ông nói: “Riêng chi đầu tư xây dựng trường CQG mức độ 2 ở địa phương dự kiến trên 2 tỷ đồng. Tiêu chí nào cũng phải quan tâm đầu tư, nhưng về tiêu chí giáo dục phải được ưu tiên hàng đầu để tạo môi trường tốt nhất cho con em học tập. Cùng với tiêu chí giáo dục, nhiều tiêu chí khác cũng đặt ra bài toán khó đối với địa phương nhưng không làm không được. Biết là khó nhưng phải cố gắng quyết tâm để về đích đúng lộ trình”.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]