(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo quy định, trường học phải cung cấp đủ nước cho học sinh, tối thiểu mỗi học sinh cần 0,3 lít về mùa đông và 0,5 lít về mùa hè. Phần lớn các trường về cơ bản đều đáp ứng được. Theo đó, nước uống trong trường học luôn là vấn đề được các nhà trường quan tâm trên cả 2 phương diện chất và lượng.

Trường học và câu chuyện nước uống cho học sinh

Theo quy định, trường học phải cung cấp đủ nước cho học sinh, tối thiểu mỗi học sinh cần 0,3 lít về mùa đông và 0,5 lít về mùa hè. Phần lớn các trường về cơ bản đều đáp ứng được. Theo đó, nước uống trong trường học luôn là vấn đề được các nhà trường quan tâm trên cả 2 phương diện chất và lượng.

Trường học và câu chuyện nước uống cho học sinhHệ thống máy lọc nước đưa vào từng lớp học ở Trường TH Thị trấn Hậu Lộc.

Lựa chọn nhà cung cấp

Nhiều năm nay, các trường học ở huyện Cẩm Thủy đều sử dụng nước đóng bình, được cung cấp bởi một số cơ sở sản xuất nước trên địa bàn hoặc ở địa phương khác. Đơn cử như tại Trường Tiểu học (TH) Cẩm Tú sử dụng nước đóng bình của một cơ sở sản xuất ngay tại xã Cẩm Tú còn Trường THCS Cẩm Phong lại sử dụng nước đóng bình của một công ty có địa điểm ở huyện Yên Định.

Sở dĩ, hai trường có 2 đơn vị cung cấp nước khác nhau vì mỗi trường đều có sự lựa chọn, không bắt buộc. Theo thầy giáo Nguyễn Thế Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Phong, mặc dù có một số nhà cung ứng mời chào nhưng để lựa chọn thì chỉ một. Ông cho biết: “Nhà trường dựa trên các tiêu chí như tư cách pháp nhân..., nói tóm lại là nhà cung ứng phải chứng minh được các hồ sơ, giấy tờ liên quan thì chúng tôi sẽ ký hợp đồng".

Cũng như nhiều trường khác trên địa bàn huyện Hậu Lộc, hơn 10 năm qua, Trường THCS Thuần Lộc đều sử dụng nước đóng bình. Cô giáo Lường Thị Ngân, hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Mới đây, tại cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhà trường xin ý kiến, nên tiếp tục sử dụng nước bình hay thay sang máy lọc nước thì đều đi đến thống nhất dùng nước bình và vẫn là nhà cung cấp cũ chứ không thay mới. Vì thực tế, hơn 10 năm nay, từ giáo viên đến học sinh, việc sử dụng nước bình của cơ sở này chưa xảy ra vấn đề gì. Nước uống chưa bao giờ thiếu, cứ hết nước lại có xe chở đến...”.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Hậu Lộc, có một số trường đã lắp đặt hệ thống lọc nước tinh khiết công nghệ RO, diệt khuẩn bằng tia cực tím đèn UV. Đặc biệt, hệ thống nước đi đến từng lớp học và có hai chế độ là nước mát cho mùa hè và ấm cho mùa đông. Ngay trong đầu năm học mới 2022-2023 này, Trường TH Thị trấn Hậu Lộc đã lắp đặt hệ thống lọc nước tinh khiết công nghệ RO do Công ty CP Nước sạch Đại Dương Thanh Hóa cung cấp. Theo chia sẻ của cô giáo Lê Thị Thu Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A3, việc lắp đặt hệ thống máy lọc nước rất thuận tiện cho cả cô và trò. Chị nói: “Có nhiều hữu ích, nước đến tận lớp, không phải mang vác bình như trước đây. Sử dụng máy lọc nước thì giáo viên, học sinh có thể dùng cả nước mát hoặc ấm”.

Hiện nay, các trường học trên địa bàn tỉnh, phần lớn sử dụng song song hai hình thức hoặc nước bình hoặc máy lọc nước RO. Như trên đã nói, sử dụng ở hình thức nào đều do sự lựa chọn từ phía các nhà trường. Nhưng cũng có một số địa phương, do không có điều kiện nên sử dụng nước giếng khoan thông qua máy lọc nước RO, ví dụ như ở huyện Thường Xuân khi địa phương này đang hạn chế về hệ thống nhà máy nước sạch, vì vậy các nhà trường đành có cách lựa chọn riêng, tức tự cung tự cấp nước uống cho học sinh và không thu tiền dịch vụ. Hoặc một cách lựa chọn đặc biệt hơn, như ở Trường TH Thành Yên (Thạch Thành) và Trường TH&THCS Thành Sơn (Bá Thước), 2 xã đặc biệt khó khăn thì đến giếng khoan cũng không có mà phải lấy nước từ trên đồi, xử lý qua máy lọc để có nước uống cho học sinh nhưng nước cũng không đủ uống, thậm chí phải vào nhà người dân xin nước...

Chất lượng nước và câu chuyện quản lý

Đối với các nhà trường tham gia ký hợp đồng với các cơ sở hay công ty cung cấp nước uống cho học sinh không có sự chỉ đạo của UBND huyện hay phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) mà trên tinh thần tự các trường lựa chọn nhà cung ứng. Ông Hoàng Viết Tuân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hậu Lộc cho hay: “Khẳng định chất lượng nhà cung ứng thì phòng giáo dục không phải là cơ quan chuyên môn để thẩm định vấn đề này. Quan điểm của huyện không chỉ đạo cho các nhà trường phải dùng nước của đơn vị nào mà giao quyền tự chủ cho trường và phối hợp với hội phụ huynh để lựa chọn nhà cung cấp nước”. Bà Lê Thị Hạnh, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Thủy, thì cho rằng: “Hiệu trưởng các đơn vị chủ động lựa chọn các nhà cung ứng đủ điều kiện và ký hợp đồng, báo cáo về phòng GD&ĐT qua bộ phận tài chính về hợp đồng nước uống cũng như phí dịch vụ theo hướng dẫn thu chi của huyện. Đồng thời, các nhà cung ứng sẽ có bản cam kết với ngành giáo dục về chất lượng sản phẩm nước uống nhằm tăng tính trách nhiệm trước pháp luật, đảm bảo chất lượng cũng như số lượng nước uống cho học sinh”.

Nước là một thành phần thiết yếu cho hoạt động bình thường của cơ thể. Đằng sau sự lựa chọn nhà cung cấp, thì chất lượng nước uống luôn được đặt lên hàng đầu. Thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh, đến nay, chưa có một cơ sở hay công ty cung cấp nước uống cho học sinh có dấu hiệu vi phạm về chất lượng nước. Nếu có thì vi phạm chủ yếu vẫn là sai quy định về nhãn mác. Ông Lê Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: “Ngộ độc về nước uống là chưa có. Chúng tôi khuyến cáo các địa phương, trường học, nên lấy nước ở các cơ sở được cơ quan thẩm quyền cấp phép, khi hết nước không được tận dụng bình để lấy nguồn nước khác đưa vào, tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập... Vệ sinh bình, vỏ, quá trình di chuyển sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nước”.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]