(vhds.baothanhhoa.vn) - Dân tộc Dao có tiếng nói, chữ viết riêng, nhưng đang bị mai một. Để bảo tồn và phát triển tri thức bản địa của dân tộc, các cấp, ngành, đặc biệt là các địa phương có người Dao sinh sống đã có những giải pháp đưa chữ Nôm Dao hồi sinh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gìn giữ chữ Nôm Dao

Dân tộc Dao có tiếng nói, chữ viết riêng, nhưng đang bị mai một. Để bảo tồn và phát triển tri thức bản địa của dân tộc, các cấp, ngành, đặc biệt là các địa phương có người Dao sinh sống đã có những giải pháp đưa chữ Nôm Dao hồi sinh.

Gìn giữ chữ Nôm Dao

Học viên lớp học chữ Nôm Dao tại huyện Mường Lát

Dân tộc Dao ở Thanh Hóa có khoảng 6.000 người, sinh sống chủ yếu ở huyện Mường Lát, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy. Dân tộc Dao có nền văn hóa rất phong phú và đậm đà bản sắc, phản ánh nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó phải kể đến chứ viết. Chữ viết được xây dựng từ hệ thống ký tự chữ Hán dùng để phiên âm tiếng nói của người Dao.

Người Dao trước kia dùng chữ Nôm trong học tập, ghi chép các bài hát dân ca, gia phả, bài cúng, bài thuốc, câu đối, dạy con trẻ về lễ nghĩa, học nghề, di chúc, văn tự. Chữ Nôm Dao còn được dùng phổ biến trong lễ cấp sắc, tết nhảy, cầu mùa, làm nhà...

Hiện nay giới trẻ đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và giới trẻ dân tộc Dao nói riêng được học tiếng phổ thông, học ngoại ngữ, nhưng không học, không nói tiếng dân tộc mình, nên chữ Nôm Dao đang bị mai một và có nguy cơ thất truyền. Trước thực trạng này, tỉnh Thanh Hóa đã giao nhiệm vụ cho Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh phối hợp với các nghệ nhân dân tộc Dao sưu tầm, biên soạn giáo trình bộ tài liệu hướng dẫn dạy và học chữ Nôm Dao. Đồng thời, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị với các sở, ban, ngành liên quan để đóng góp hoàn thiện bộ chữ và chương trình dạy chữ Nôm Dao. Năm 2015 UBND tỉnh có quyết định phê chuẩn Bộ chữ Nôm Dao Thanh Hóa.

Việc dạy chữ Nôm Dao được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương có người Dao sinh sống quan tâm. Đặc biệt, là sự tâm huyết của hội viên Hội Dân tộc và Nhân học tỉnh, nên việc dạy chữ Nôm Dao khởi sắc rõ nét.

Thời gian qua bằng sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền, việc bảo tồn và phát huy chữ viết Nôm Dao ở huyện Ngọc Lặc đã đạt những kết quả rất đáng ghi nhận. Từ năm 2015, huyện Ngọc Lặc đã có chủ trương huy động những người hiểu biết chữ Dao, người có uy tín mở lớp dạy chữ. Hiện huyện Ngọc Lặc đã mở được 9 lớp học chữ Nôm Dao, với 360 học viên.

Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: Những năm qua với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị phong trào học chữ Nôm Dao trong cộng đồng người Dao ở Ngọc Lặc đã có bước phát triển mạnh mẽ. Việc mở lớp, không chỉ để mọi người hiểu về ngôn ngữ, chữ viết và văn hóa người Dao, mà còn giúp mọi người gìn giữ nếp sống, phong tục, tập quán đẹp của dân tộc mình. Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện để người Dao bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Cùng với Ngọc Lặc, các huyện Cẩm Thủy, Mường Lát đã và đang nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và phát huy chữ viết của dân tộc Dao. Theo thống kê của Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh, từ năm 2017 đến nay Hội đã phối hợp với các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Mường Lát mở 27 lớp học chữ Nôm Dao với gần 1.000 học viên tham gia học tập. Từ những lớp học này, chữ Nôm Dao ở Thanh Hóa đang từng ngày được hồi sinh trong cộng đồng người Dao. Từ đó, những tri thức, bản sắc giá trị văn hóa của cha ông sẽ được bảo tồn và ngày càng phát huy.

Gìn giữ chữ Nôm Dao

Nghệ nhân Phùng Thanh Khang, xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy) - người có nhiều cống hiến gìn giữ và phát huy chữ Nôm Dao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nhờ có chữ viết mà người Dao còn lưu giữ được nhiều thông tin về nguồn gốc tổ tiên, dòng họ, gia đình, tôn giáo, tín ngưỡng, tập quán tộc người, lễ tết...

Chữ Nôm Dao thực sự là một di sản văn hóa quý báu gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao. Vì vậy, chính quyền, các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ thỏa đáng để việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn sách cổ, dạy chữ của người Dao đạt hiệu quả cao, làm cơ sở cho việc lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống người Dao trên địa bàn Thanh Hóa.

Xuân Anh


Xuân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]