Giữ gìn giá trị văn hóa, lịch sử qua các sắc phong
Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ số lượng lớn sắc phong của các triều vua thời phong kiến. Đây được xem là nguồn di sản văn hóa đặc sắc, là niềm tự hào của cả cộng đồng, dòng họ cần được gìn giữ, lưu truyền cho đến tận mai sau.
Các sắc phong trưng bày tại đình làng Phượng Mao được chụp lại từ bản gốc kèm theo bản dịch nghĩa và được in ra, đóng khung treo tại đình làng.
Đình làng Phượng Mao, xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) là một trong những nơi hiện còn lưu giữ số lượng lớn sắc phong cổ. Theo sử liệu còn lưu, đây là nơi thờ hai vị Thành hoàng làng là Linh Thông tôn thần và Linh Quang tôn thần. Về sự tích của hai vị thần, đến nay còn lại 23 đạo sắc phong của triều Nguyễn dưới thời các vua Cảnh Thống, Cảnh Hưng, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, Duy Tân và Đồng Khánh. Nội dung các đạo sắc phong cho biết hai vị này là người có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh; sau lại phò vua Nhân Tông, lập công lớn trong dẹp quân Đồ Bàn. Được triều đình ban thưởng và cho phép lập đồn điền, khai khẩn đất hoang, chiêu dân lập ấp, hai ông bèn xin đến vùng đất Phượng Mao khai hoang lập làng, chiêu dụ dân ly tán tứ phương hình thành nên một vùng quê trù phú, giàu mạnh.
Sách “Thanh Hóa chư thần lục” ghi tóm tắt về lịch sử của 2 vị thần như sau: “Thời vua Lê Nhân Tông có quân Đồ Bàn vào thành làm loạn. Thần có công dẹp loạn, sau đó đón vua Thánh Tông nối ngôi, dân chúng vì thế được yên ổn, bèn phong làm Sùng Quốc Công. Sau khi mất thường hiển linh, vua lệnh cho dân các xã lập đền phụng tự”.
Để tưởng nhớ hai vị tướng quân đã có công đánh giặc giữ nước, có công khai thôn lập ấp, người dân trong làng đã lập nghè để thờ phụng. Trải qua biến thiên thời gian cùng bom đạn chiến tranh khiến nghè thờ bị phá hủy, người dân rước các vị tôn thần về thờ phụng tại đình làng. Năm 1991 đình làng Phượng Mao được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Năm 1998, Nhân dân trong làng và con cháu gần xa đã đóng góp công sức, tiền của xây dựng lại ngôi đình bằng các vật liệu kiên cố, vững chắc. Đình có kiến trúc chữ “Đinh”, tiền đường 5 gian dài 12m, rộng 4,8m, hậu cung rộng 5m, chiều dọc 3m.
Trưởng thôn Phượng Mao Hàn Hải Vịnh cho biết: “Trước đây ở đình làng Phượng Mao có đến 36 đạo sắc phong của các triều vua, đến nay còn lưu giữ 23 đạo sắc phong. Nội dung các sắc phong chủ yếu ngợi ca công lao của hai vị Thành hoàng làng, đồng thời hướng dẫn người dân việc phụng thờ. Ngoài ra, đình làng Phượng Mao hiện còn lưu giữ 3 câu đối, 2 bức hoành phi, có nội dung chủ yếu ca ngợi công lao hai vị tôn thần, ca ngợi cảnh đẹp non sông đất nước. Nhằm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử, tất cả các sắc phong đã được cất giữ, bảo quản cẩn thận và chụp lại hình ảnh, in ra và dịch lại, đóng khung treo tại đình làng để thuận tiện cho người dân tìm hiểu, nghiên cứu, đồng thời tránh làm hư hại đến các bản sắc phong cổ”.
Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa thống kê chính xác số lượng sắc phong ở các địa phương, dòng họ. Song về cơ bản nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh còn sở hữu đầy đủ cả hai loại sắc phong gồm: sắc phong chức tước (được nhà vua ban cho các công thần, quý tộc hoặc người có công để phong chức tước) và sắc phong thần (được nhà vua ban ra để phong tặng, xếp hạng, công nhận các vị thần linh, thành hoàng... được thờ tự tại các ngôi đình, đền, miếu). Qua đó phản chiếu một cách sinh động, toàn diện bức tranh văn hóa - lịch sử qua các triều đại phong kiến.
Cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh, hiện Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, bảo quản 138 sắc phong có niên đại thời Lê và thời Nguyễn (trong đó thời Nguyễn có tới 98 sắc phong), được sưu tầm từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Trong những năm qua, những sắc phong này đã được bảo tàng bảo quản trong tủ chuyên về quản lý tài liệu, đồng thời triển khai nhiều biện pháp khoa học nhằm tránh được ẩm mốc, hư hỏng. Cùng với đó, các sắc phong còn được tiến hành lưu giữ thông qua hệ thống sổ sách, phần mềm quản lý nhằm giữ gìn một cách tốt nhất.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Trịnh Đình Dương cho biết: “Thời gian qua, việc bảo quản, lưu giữ các sắc phong đã, đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Phần lớn sắc phong đều tồn tại hàng trăm năm, nên rất dễ ẩm mốc, mục nát. Chính vì vậy, đối với những sắc phong còn tương đối nguyên vẹn nếu không được bảo quản khoa học rất dễ bị hư hỏng, đặc biệt là sắc phong ở một số di tích lịch sử, đình làng... xuống cấp. Tại Bảo tàng tỉnh, việc bảo quản, trưng bày phát huy giá trị các sắc phong được đặc biệt chú trọng. Tất cả các sắc phong được bảo quản trong tủ kính bảo ôn có nhiệt độ từ 25 - 30 độ C, độ ẩm 45 - 50%. Với các sắc phong có dấu hiệu mục, rách sẽ tiến hành các khâu xử lý ẩm mốc, bồi dán, bọc giấy chuyên dùng để bảo vệ”.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, sắc phong được xem như một loại văn bản pháp quy chính thống của Nhà nước phong kiến, là di sản văn hóa độc đáo, có ý nghĩa quan trọng về khoa học, lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và nghệ thuật. Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng ấy, nhiều địa phương, đơn vị, dòng họ trên địa bàn tỉnh đã, đang cố gắng gìn giữ, bảo quản sắc phong “đặc biệt” cẩn thận. Đây được xem là cơ sở quan trọng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử mà cha ông để lại cho hậu thế.
Bài và ảnh: Hoài Anh
- 2024-10-11 07:25:00
Bếp ấm của mẹ
- 2024-10-10 15:21:00
Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức triển lãm Tem quy mô quốc tế
- 2024-08-07 10:09:00
Thừa Thiên-Huế: Gần 100 tỷ đồng tiếp tục tu bổ, tôn tạo lăng vua Tự Đức
Bàn về văn minh: Con đường đến với thế giới văn minh
Khúc tráng ca hào hùng tái hiện những ký ức về một “thời hoa lửa”
Phong trào UNESCO: Tạo kỷ nguyên mới cho công nghiệp văn hóa
Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường tỉnh Thanh Hóa
Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới
Từ “bóng” đến “gió”
Điểm về nguồn ý nghĩa trong dịp hè
Mạng lưới UNESCO: Góp phần định hình tương lai của công nghiệp văn hóa
Du lịch cộng đồng Bản Ngàm