“Han gỉ” và “han rỉ”
Trong một chương trình trò chơi tìm hiểu về tiếng Việt trên truyền hình, ban giám khảo yêu cầu xác định trong hai từ “han rỉ” và “han gỉ” thì từ nào là đúng chính tả. Người chơi đưa ra câu trả lời là “han rỉ”, nhưng không được chương trình chấp nhận. Như vậy, theo ban giám khảo thì phải viết là “han gỉ” mới đúng chính tả.
Tuy nhiên, đây là một câu hỏi sai, vì viết “han gỉ” hay “han rỉ” đều đúng.
Han gỉ là từ ghép đẳng lập, trong đó han có nghĩa là trạng thái bị gỉ/rỉ; mà rỉ/gỉ cũng có nghĩa là chất han rỉ do kim loại tác dụng với không khí ẩm tạo thành (danh từ), hoặc chỉ sự biến thành gỉ/rỉ (động từ). Han gỉ chỉ vật gì đó ở trạng thái bị gỉ (nói khái quát).
Hai cách viết gỉ và rỉ được hàng chục cuốn từ điển chúng tôi có trong tay ghi nhận. Ví dụ:
- Từ điển bách khoa Việt Nam (Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam - NXB Từ điển Bách khoa - 2005), mục “rỉ” giảng: “rỉ • [hóa học] (thường viết: gỉ) x. Gỉ”; mục “gỉ” giảng: “gỉ • [hóa học] (còn viết: rỉ), sản phẩm của sự oxi hóa tạo thành màng hay lớp trên bề mặt chế phẩm kim loại hoặc hợp kim dưới tác dụng của khí quyển hay môi trường chứa oxi hoặc khi đốt nóng trong không khí. G là oxit kim loại. G làm giảm chất lượng bề mặt và làm hao mòn kim loại. Có thể làm sạch G bằng phương pháp cơ học và hóa học”.
- Từ điển chính tả tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) mục “rỉ” ghi chú là thường viết “gỉ” (nguyên văn “thv. gỉ: gỉ đồng, sắt gỉ,...”).
- Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên), mục “rỉ” giảng là: “dt. Gỉ: rỉ sắt”.
- Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức): “rỉ • Nói về sắt bị ẩm ướt mà hư nát ra <>Sắt rỉ”.
- Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức: “rỉ • bt. Sét, chất sắt bị ẩm-ướt, bị oxy-hóa: Han-rỉ, sắt rỉ”.
Quan sát kim loại bị gỉ/rỉ, chúng ta thấy chất bẩn mầu nâu đỏ hay ố vàng thường rỉ ra, sùi ra từ phía trong và đọng lại những mạt sắt bị ô xy hóa, đôi khi nó loang thành từng đám, hoặc chảy rỉ thành từng dòng và khô đi. Bởi thế, viết là gỉ (trong gỉ mũi, gỉ mắt), hay rỉ (trong rỉ nước , rỉ máu) đều có cái lý của nó.
Cách phát âm của phương ngữ Bắc bộ không phân biệt gỉ hay rỉ; trong khi đa số người Thanh Hóa hoặc Trung bộ thì phát âm là rỉ. Bởi thế, trong thực tế, ngoài han gỉ/rỉ còn có hoen gỉ/rỉ (hoen ở đây chỉ sự ướt, bẩn loang ra, như hoen ố; nước mắt hoen mi,...).
Khi “rỉ” được cả cộng đồng và từ điển thừa nhận là một cách viết khác của “gỉ” thì điều đó có nghĩa “han gỉ” hay “han rỉ”, “gỉ sét” hay “rỉ sét”, “hoen gỉ” hay “hoen rỉ”, đều được chấp nhận.
Như vậy, han gỉ và han rỉ được xem là một trong những trường hợp “lưỡng khả” trong chính tả.
Hoàng Trinh Sơn (CTV)
{name} - {time}
-
2025-04-02 08:41:00
Lối đi nào cho những bộ phim tiếp theo về Trịnh Công Sơn?
-
2025-04-02 08:14:00
Gìn giữ nét truyền thống qua các trò chơi dân gian
-
2025-03-31 09:13:00
Bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc
Tranh của họa sỹ Việt được bán với giá hơn 2 triệu USD, dẫn đầu phiên đấu giá ở Hong Kong
Lễ hội Văn hóa tại Osaka: Tái hiện lễ Giỗ Tổ và xếp hình bản đồ Việt Nam
Vĩnh biệt Cha Ralph của "Tiếng chim hót trong bụi mận gai”
Gạch nối quá khứ và hiện tại trên Bà Nà Hills
Tạo sức hút du lịch từ các lễ hội truyền thống
“Không có sông quá dài” - Cẩm nang cho người khởi nghiệp
Về một số từ láy manh mún, mỏng mẻo, mỏng manh
Kỷ niệm 30 năm thành lập Bức Tường: Trần Lập xuất hiện trong mọi khoảnh khắc
Người trẻ và văn hóa tẩy chay