(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Việc tồn tại nhiều dự án “treo”, dự án chậm tiến độ đã và đang gây ra nhiều hệ lụy. Vấn đề quan trọng là phải có biện pháp xử lý dứt điểm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, thúc đẩy KT-XH phát triển...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hàng loạt công trình tiền tỷ bỏ hoang: Đợi đến bao giờ? (Kỳ cuối) - Giải pháp nào để hạn chế tình trạng chậm tiến độ?

(VH&ĐS) Việc tồn tại nhiều dự án “treo”, dự án chậm tiến độ đã và đang gây ra nhiều hệ lụy. Vấn đề quan trọng là phải có biện pháp xử lý dứt điểm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, thúc đẩy KT-XH phát triển...

Đâu là nguyên nhân?

Thực tế hiện nay, không riêng gì các công trình giao thông mà nhiều công trình, dự án thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế… trên địa bàn tỉnh cũng chung tình cảnh chưa hẹn được ngày hoàn thiện do chậm tiến độ. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một số dự án chậm tiến độ chẳng hạn ngoài việc các văn bản hướng dẫn, ban hành chậm, nhiều thay đổi, nội dung khó triển khai trong thực tiễn (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư) còn có nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, nguồn vốn đầu tư giảm, dẫn đến nhiều dự án chậm triển khai hoặc kéo dài thời gian thực hiện.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, nhà đầu tư chỉ phải chứng minh từ 15% đến 20% vốn tự có trong tổng mức đầu tư thực hiện dự án, phần còn lại có thể huy động vốn vay ngân hàng hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong khi theo quy định của pháp luật hiện hành, việc thẩm tra năng lực tài chính và điều kiện thực hiện dự án căn cứ vào hồ sơ, tài liệu do nhà đầu tư cung cấp. Mặt khác, không ít địa phương vẫn còn tâm lý dự án của cấp nào thì cấp đó phải có trách nhiệm quản lý mà vô tình sao lãng trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương đối với các dự án...

Ông Mai Tuấn Tường -Phó Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Yên Định cho rằng: Các dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều nhà thầu thi công các dự án có năng lực tài chính yếu kém, năng lực quản lý thi công, điều hành của các nhà thầu còn hạn chế, chưa sâu sát chỉ đạo và bám sát hiện trường. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân khách quan như: các dự án xây dựng công trình giao thông đi qua địa hình phức tạp, qua khu dân cư đô thị nên thường khâu GPMB bị chậm trễ; nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong thời gian qua không đáp ứng được cho các gói thầu, dự án đang triển khai. Điều đáng nói, năng lực thực tế của một số nhà đầu tư yếu, nhưng lại đầu tư theo phong trào, đầu tư dàn trải nhiều dự án, nên khi có biến động của thị trường, lãi suất sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn hoặc thay đổi chiến lược, mục tiêu đầu tư.

Nhiều dự án bỏ hoang gây lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Còn theo ông Đồng Minh Quang - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hậu Lộc thì: “Có những nhà đầu tư khó khăn thật sự, nhưng cũng có trường hợp doanh nghiệp chưa làm thật, không chịu triển khai đầu tư mà cố tình “giữ đất” để chuyển nhượng dự án kiếm lợi nhuận. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục đầu tư theo quy định tại các văn bản pháp luật còn kéo dài, số lượng thủ tục còn nhiều, thực hiện tại nhiều cơ quan khác nhau nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ và cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp”.

...Đi tìm lời giải?

Để khắc phục tình trạng một số dự án chậm tiến độ, hoặc sử dụng sai mục đích, gây lãng phí tài nguyên đất, Thanh Hóa đang tập trung đẩy mạnh việc rà soát các dự án, xử lý dứt điểm dự án của các chủ đầu tư không có khả năng tài chính, kiên quyết thu hồi những dự án chậm tiến độ, không thể khắc phục vi phạm. Ngoài ra, tỉnh cũng đã đưa ra một số tiêu chí trong việc giao đất để các đơn vị, chủ đầu tư thực hiện các dự án phát triển kinh tế. Theo đó, khi triển khai thực hiện các dự án, các đơn vị, chủ đầu tư phải thông qua đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án theo quy định của pháp luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh thất thu ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tiếp tục được quan tâm nhằm thực hiện nhanh, gọn, hiệu quả, đúng quy định. Động thái này của tỉnh nhằm làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư, loại bỏ dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính và đầu tư dàn trải ở nhiều lĩnh vực, dẫn đến không đủ tiềm lực triển khai.

Mặt khác, việc thu hồi dự án chậm triển khai còn tạo cơ hội và điều kiện cho những nhà đầu tư khác sau thời gian khó khăn do tác động của suy giảm kinh tế có khả năng tìm được dự án, địa điểm tốt để đầu tư, kinh doanh. Cùng với những động thái tích cực của tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương cũng cần phải chủ động phối hợp với các ngành cấp tỉnh, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án tiếp tục triển khai; nếu các chủ đầu tư cố tình chây ỳ hoặc không đủ năng lực tài chính để triển khai, phải đề nghị tỉnh thu hồi lại, không để tình trạng lãng phí tài nguyên đất kéo dài.

Theo ông Lưu Trọng Quang - Phó Giám đốc Sở TN&MT: “Để khắc phục tình trạng quy hoạch treo, khâu quan trọng là thẩm định các dự án, tăng cường công tác thẩm định về năng lực tài chính để kiểm tra xác định được năng lực của nhà đầu tư trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đây là biện pháp hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất vừa đảm bảo được môi trường đầu tư. Mặt khác, cần thực hiện biện pháp ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư đối với các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để có “ràng buộc doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn”.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]