(vhds.baothanhhoa.vn) - Tục ngữ Việt Nam có câu “Mạ năn no lăn no lóc, lúa năn còn ăn bằng gì”.

Hiểu đúng câu tục ngữ "Mạ năn no lăn no lóc..."

Tục ngữ Việt Nam có câu “Mạ năn no lăn no lóc, lúa năn còn ăn bằng gì”.

Hiểu đúng câu tục ngữ Mạ năn no lăn no lóc...

-Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Nhóm Vũ Dung) giảng: “Mạ năn no lăn no lóc, lúa năn con (sic) ăn bằng gì. (năn: lá mạ, lúa cuộn tròn như dọc hành). Một kinh nghiệm làm ruộng: thấy mạ có năn lẫn vào thì biết là lúa vụ ấy hạt mẩy có năng suất cao, nếu lúa có năn thì thu hoạch kém”.

- Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương): “Mạ năn[*] no lăn no lóc; lúa năn còn ăn bằng gì. Mạ năn thì (mùa màng vẫn bội thu nên vẫn còn) được ăn uống no nê; lúa bị năn thì (mùa màng sẽ mất trắng nên) chẳng còn biết lấy gì để ăn mà sống qua ngày”.

Chữ “năn” được Nguyễn Đức Dương chú thích là “Thứ bệnh do một giống nấm gây ra và làm cho lá mạ/lá lúa bị cuộn lại như lá hành”.

- 1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm, tác giả Lê Gia đưa ra dị bản: “Mạ nâng, no lăn no lóc, lúa nâng, lấy cóc gì ăn” và giảng giải: “Nâng”: Do chữ “nùng” là sự tốt đẹp, sum suê của lúa và cây cỏ hoa lá. “Đàn bà nâng” là người đàn bà quá béo tốt, mạnh khỏe nên không sinh đẻ, “Heo nâng” là heo nái quá mập mạp nên không sinh đẻ. Nghĩa câu: “Mạ nâng” là cây mạ tươi tốt sum suê nên khi cấy trở lại ruộng thì có đủ sức sinh đẻ cây con làm thành bụi lúa tốt, có nhiều bông nhiều hạt, dân chúng sẽ ăn no và vì no quá mà ngã lăn ngã lóc. “Lúa nâng” là cây lúa tốt đẹp sum suê quá thì chất bổ do rễ hút lên chỉ nuôi hết cho cây lá, không có thể làm cho cây lúa sinh đẻ cây con, bụi lúa thưa thớt, ít bông ít hạt thì dân chúng lấy gì mà ăn”.

Lê Gia không đồng ý với cách giải thích của Nhóm Vũ Dung, vì cho rằng: “Khi lá mạ hoặc lá lúa bị cuộn tròn lại như lá rọc hành thì là bị bịnh, bị sâu rồi, đều hỏng rồi và không quang hợp với mặt trời nên kém tăng trưởng thì làm sao có năng suất cao. Tại sao “mạ năn” thì tốt mà “lúa năn” lại xấu? Có lẽ đây là do nghe tiếng được tiếng mất rồi ghi ra vậy thôi”.

Thực ra, “Mạ năn no lăn no lóc, lúa năn còn ăn bằng gì” (không phải “con ăn bằng gì” như bản của nhóm Vũ Dung), mới là bản đúng. Lê Gia do không hiểu “mạ năn”, “lúa năn” là gì, nên sửa thành “mạ nâng”, “lúa nâng”. Tuy nhiên, nhóm Vũ Dung và Nguyễn Đức Dương cũng mới chỉ dừng ớ mức độ diễn giải nội dung câu tục ngữ, chứ chưa giải thích chính xác và cụ thể tại sao lại như vậy.

“Mạ năn”, “lúa năn” do một loại côn trùng có tên là “sâu năn” gây ra. “Năn” (hay năng) ở đây là một loại cỏ thuộc chi cỏ Năng (Eleocharis) họ cói (Cyperaceae), có lá tròn như lá hành, sinh trưởng rất mạnh ở chân đất lúa sâu trũng, chua phèn ngập nước. Người ta thu hái củ giống năn ngọt để chế biến nhiều món ăn.

Từ điển bách khoa nông nghiệp (1991) cho biết: “Sâu năn (Pachydilosis oryzae Wood-Mason; tên khác: sâu ống hành, muỗi gió) sâu trưởng thành hơi giống con muỗi gió (...) Sâu năn mới nở đục vào ngọn mạ hay lúa non, làm cho mạ hay lúa biến thành “ống hành” màu trắng ngà, phía trên màu xanh. Sau khi sâu lột nhộng hoá muỗi chui ra, “ống hành” héo dần, ngọn thân khô đi hay rũ xuống. Sâu phát sinh nhiều khi trời mưa liên tục, độ ẩm cao. (...) Biện pháp phòng trừ: chọn giống lúa chống chịu; xử lý lúa chét và cỏ dại trong ruộng để diệt mầm mống sâu. Nhổ các dảnh mạ “ống hành” loại bỏ trước khi cấy, tập trung đốt. Nhổ các “ống hành” trong ruộng lúa, bón thêm phân ở ruộng bị hại nặng, bẫy đèn diệt muỗi năn, tháo cạn nước vài ngày, sau đó lại cho nước vào ruộng...” (HTC nhấn mạnh).

Ngân hàng kiến thức trồng lúa (vaas.org.vn) cũng cho biết: “Những năm mưa nhiều sâu năn phát sinh phát triển mạnh; miền núi bị sâu năn phá hại nặng hơn đồng bằng; ruộng lúa đủ nước bị phá hại nặng hơn ruộng hạn”.

Cách đây khoảng 10 năm, chúng tôi (bút danh HTC) từng chứng kiến những ruộng lúa (ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) bị mất trắng do sâu năn phá hại. Ruộng lúa bị sâu năn, lúa vẫn đẻ nhánh, nhưng cây lúa lùn, có màu xanh thẫm, lá lúa cuộn tròn, không làm đòng được.

Tục ngữ Mạ năn no lăn no lóc, lúa năn còn ăn bằng gì, là kinh nghiệm phòng trừ sâu bệnh của nông dân. Mưa nhiều, ruộng đủ nước, độ ẩm cao thuận lợi cho cây lúa phát triển (Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa) nhưng cũng là điều kiện tốt để sâu năn phát sinh gây hại. Nếu phát hiện sâu năn gây hại ngay từ thời kỳ mạ, thì người ta sẽ nhổ bỏ sớm cây mạ năn đi, hoặc kịp thời thay mạ khác. Với điều kiện thời tiết thuận lợi (mưa nhiều) của năm đó, lúa sẽ cho năng suất cao (“no lăn no lóc”). Ngược lại, nếu sâu năn đồng loạt gây hại khi lúa ở thời kỳ đẻ nhánh, thì coi như mất trắng (“còn ăn bằng gì”). Vì ấu trùng sâu năn di chuyển lên phần giữa của bẹ và thân lúa, rồi âm thầm xâm nhập vào đỉnh sinh trưởng để gây hại, nên khi phát hiện ra thì đã muộn. Các nhánh lúa mới đẻ dù không bị sâu năn gây hại, cũng không thể trổ bông, vì đó là những nhánh “vô hiệu”. Lúc này, muốn gieo cấy lại, thì cũng không còn thời vụ nữa.

Như vậy, ban đầu người ta mượn tên cỏ năn để đặt cho một loại sâu hại khiến lúa có hình dạng giống như cỏ năn. Nhưng do cỏ năn không phổ biến, nên về sau, để dễ hình dung hơn, người ta lại lấy tên cây hành và hình lá hành, để định danh và mô tả về lúa năn, mạ năn, sâu năn. Còn “mạ nâng”, “lúa nâng” mà Lê Gia đề xuất là những khái niệm không hề có trong thực tế. Với Nguyễn Đức Dương, ông cũng đã sai khi cho rằng, “năn” là “thứ bệnh do một giống nấm gây ra”, trong khi thực tế lại là do ấu trùng của muỗi hành (sâu năn) gây hại.

Hoàng Tuấn Công (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]