“Hoa thị” trong “Dấu hoa thị”,... là gì ?
...theo suy luận, câu trả lời sẽ là: “Hoa thị” là cách đặt tên theo hình dáng của bông hoa thị. Bởi cách gọi “hoa thị” cũng như hoa sen/họa tiết hoa sen; hoa cúc/họa tiết hoa cúc; hoa chanh/họa tiết hoa chanh,... là dựa trên chính hình dáng của các loài hoa này vậy.
“Hoa thị”, hay “dấu hoa thị”, là chỉ dấu sao [*] (Anh: asterisk; Hán: tinh hình, tinh hiệu, hay tinh hiệu phù hiệu).
Tất cả các cuốn từ điển chúng tôi có trong tay chỉ ghi nhận hoa thị/dấu hoa thị, mà không thấy ghi nhận sao/dấu sao, cho dù trong thực tế, cách gọi dấu sao thông dụng hơn dấu hoa thị.
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Vietlex) và nhiều cuốn từ điển khác đều chỉ giảng: “hoa thị • d. hình giống như bông hoa nhiều cánh [*], dùng để đánh dấu hoặc trang trí”, mà không cho biết nghĩa gốc của “hoa thị” là gì?
Vậy, “hoa thị” trong dấu hoa thị, hoạt tiết hoa thị, hình hoa thị,... là gì?
1- “Hoa thị” là bông hoa của cây thị?
Hầu hết mọi người đều không biết, không nhớ hoa thị trông như thế nào, cho dù trong làng xóm, thậm chí là ngay nhà mình có trồng thị (lí do chúng tôi sẽ nói ở đoạn sau). Tuy nhiên, theo suy luận, câu trả lời sẽ là: “Hoa thị” là cách đặt tên theo hình dáng của bông hoa thị. Bởi cách gọi “hoa thị” cũng như hoa sen/họa tiết hoa sen; hoa cúc/họa tiết hoa cúc; hoa chanh/họa tiết hoa chanh,... là dựa trên chính hình dáng của các loài hoa này vậy. Tuy nhiên, khi làm phép so sánh trực quan, thì vấn đề lại không hề đơn giản, bởi vì:
Bông hoa thị không giống dấu hoa thị,...
Hoa của cây thị bé li ti, khi nở thì 4 cánh chỉ xòe ra một nửa, rồi cuộn phần đầu cánh hoa xuống phía dưới, trông giống như vỏ quả chuối khi bóc ra. Trong khi dấu hoa thị, (đặc biệt là họa tiết hoa thị, hình hoa thị), thì cánh hoa có hình thoi (hai đầu cánh hoa thon nhọn, ở giữa phình ra), phẳng như hoa ép, gần giống như hình lá trúc.
Hoa của cây thị không tạo được liên tưởng so sánh
Về mặt tạo hình, hoa thị bé nhỏ và không có hình khối rõ ràng. Sắc hoa thị màu vàng nhàn nhạt, ẩn hiện trong vòm lá xanh, và nở tít trên cao (rất khó quan sát). Khi rụng xuống đất, 4 cánh hoa thị vẫn dính lại với nhau thành hình vòng tròn (có thể dùng dây xâu lại được), và nhanh chóng héo tàn. Đây chính là lí do khiến nhiều người nếu không quan sát với chủ ý thu nhận hình ảnh đặc tả, sẽ không biết hoa thị hình gì, trông như thế nào. Trong khi tất cả những sự vật hiện tượng được dân gian đem ra so sánh, ví von, bao giờ cũng điển hình và rất dễ nhận diện, liên tưởng.
Hai lí do ở trên đây khiến cho “hoa thị” trong “dấu hoa thị” không thể là hoa của cây thị.
2- Hoa thị là... vỏ quả thị!
Câu trả lời này có thể gây “sốc” với nhiều người. Tuy nhiên, đây lại là một thực tế khó bác bỏ.
Cây thị thơm của Việt Nam gắn với truyện cổ tích Tấm Cám và câu “thần chú” nổi tiếng “Thị ơi thị rơi bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”. Phong tục một số nơi chỉ dùng thị để cúng, hoặc bày cho thơm. Nhiều nơi thu hoạch thị để ăn như mọi loại hoa quả khác. Cách ăn là nắn cho quả thị chín nẫu ra, sau đó cắn, hoặc dùng dao khoét một lỗ nhỏ rồi mút lấy phần thịt bên trong. Với những quả thị to, tròn, chín vàng đều, người ta dùng dao khía vỏ ra thành 4, 6 hoặc 8 cánh, sau đó bóc nhẹ để tách phần vỏ ra khỏi thịt quả, rồi dán lên cột nhà, phên vách, cánh tủ... Thịt vỏ quả thị còn bám một lớp mỏng ở phần trong của vỏ trở thành chất keo rất dính, giúp “bông hoa thị” dính đét vào cột nhà. Vỏ thị hình bông hoa khô dần, chuyển sang mầu vàng sẫm rồi nâu vàng rất đẹp. Bởi vậy, “hoa thị” là hình ảnh quen thuộc, dễ quan sát, và đã nhìn thấy một lần là nhớ ngay.
Những cánh của bông hoa cắt từ vỏ quả thị có hình thoi, hai đầu cánh thon nhọn, ở giữa phình ra, được liên kết với nhau ở phần cuống quả. Khi so sánh, liên tưởng với dấu hoa thị, đặc biệt là hình hoa thị, họa tiết hoa thị, thì chúng ta thấy “hoa thị” này hoàn toàn trùng khớp về mặt tạo hình.
3- Cắt vỏ quả thị thành nhiều cánh để làm gì?
Nhiều người sẽ nghĩ ngay đến câu trả lời là “để trang trí cho đẹp”. Điều này không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng.
Thị là một từ Việt gốc Hán có tự hình là . Tuy nhiên, trong tiếng Hán, thị hay thị tử lại chỉ cây hồng, quả hồng, chứ không phải là quả thị vỏ vàng mùi thơm (phân bố nhiều ở Việt Nam, Thái Lan; Trung Quốc không có). Còn cây hồng/quả hồng (cùng họ Thị) trong tiếng Việt, là cách gọi dựa theo màu sắc của quả.
Cây thị rất nhiều dược tính. Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (GS Đỗ Tất Lợi), và kinh nghiệm dân gian, lá thị, quả thị, vỏ thị, rễ thị,... đều là những vị thuốc quý. Trong đó, vỏ của quả thị phơi khô dùng để giải độc, chữa đau bụng do ngộ độc thức ăn và chữa bệnh giời leo.
Mỗi năm, thị chỉ cho quả một lần vào mùa thu, nên người ta phải phơi khô vỏ và cất đi, khi cần thì đem dùng. Tuy nhiên, việc cất giữ vỏ thị với lượng không nhiều, lại không thường xuyên dùng, khiến cho khi cần đến lại tìm không ra. Bởi vậy, dân gian đã nghĩ ra một cách bảo quản, lưu giữ rất hay, là cắt vỏ quả thị thành nhiều múi, bóc ra rồi dán lên cây cột để vỏ thị khô dần. Đây cũng là phương pháp sơ chế, gọi là “can âm”, tức phơi khô vị thuốc trong bóng râm, để giữ được tinh dầu nhiều hơn trong vỏ thị. Đặc biệt là khi cần dùng là có ngay, không phải mất công đi tìm, lại cũng là một cách trang trí cho đẹp.
Theo kinh nghiệm dân gian, chữa bệnh giời leo (herpes - một loại bệnh ngoài da), thì lấy vỏ quả thị đã phơi khô, đốt thành than, hòa với phụ gia là dầu vừng hoặc mỡ lợn, bôi lên những vết phồng rộp.
Trường hợp đau bụng la trời do ngộ độc thức ăn (đồ ăn nguội, hoặc bị thạch sùng nhấm vào), thì dùng vỏ quả thị bóc trên cột nhà, rang vàng, sắc lấy nước uống.
4- Dấu ấn còn lưu
Có thể nói, mục đích ban đầu của việc cắt vỏ quả thị thành bông hoa nhiều cánh là để làm thuốc. Tuy nhiên, lâu dần về sau, ở nhiều nơi, việc làm này có khi không còn với mục đích chính là cất trữ để làm thuốc nữa, mà là để chơi, để trang trí.
Ngày nay, nhiều loại thuốc trị bệnh bằng Tây dược hiệu nghiệm hơn; nhà gỗ được thay thế bằng nhà xây; tranh ảnh trang trí có nhiều loại bắt mắt hơn. Các loại hoa quả cũng ngày càng phong phú, thơm ngon hơn, nên quả thị cũng không còn là loại quả được ưa dùng. Bởi vậy, hình ảnh vỏ quả thị cắt thành hình bông hoa dán lên cột nhà, cánh cửa, phên vách,... hầu như không còn. Tuy nhiên, “hoa thị” với nghĩa là bông hoa cắt ra từ vỏ quả thị độc đáo, hãy còn được lưu giữ qua ngôn ngữ và các đồ án hoa văn trang trí sinh động trong hội họa, kiến trúc, đó là: dấu hoa thị, họa tiết hoa thị, hình hoa thị, v.v...
Tuấn Công
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2023-12-01 14:10:00
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 1-12-2023
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 30-11-2023
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 29-11-2023
Lý giải thành công của Á vương Lê Hữu Đạt tại Mister Global 2023
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 28-11-2023
Như Xuân nâng cao chất lượng đài truyền thanh, truyền hình, góp phần tuyên truyền giảm nghèo bền vững
Nhà văn Paul Lynch đoạt giải Booker với cuốn tiểu thuyết “Prophet Song”
“Vin” trong câu “Bé không vin cả gãy cành” có nghĩa là gì?
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 27-11-2023
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 26-11-2023