Kẹo nhãn Lang Chánh, gói trọn tình quê
Chẳng thiếu thốn như tết xưa, hiện nay trên thị trường có vô vàn những món bánh kẹo thơm ngon đến từ nhiều thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước. Song, kẹo nhãn Lang Chánh vẫn chẳng thể thiếu trong dịp tết của nhiều gia đình.
Nếu là người dân Lang Chánh, ngày tết không có những viên kẹo nhãn giòn thơm trên bàn để đãi khách là một sự thiếu sót đáng trách. Mỗi dịp tết đến, tôi lại nhớ về những ngày thơ ấu, trong cái lạnh của tiết trời đông bỗng thấy ấm sực mùi mỡ lợn rán, cả gia đình quây quần bên bếp lửa người nặn bột, người rán kẹo. Những viên kẹo nhãn vàng ruộm cứ xoay đều trong chảo mỡ theo nhịp đảo của bà khiến những đứa trẻ như tôi chỉ được đứng cạnh ngó nghiêng với ánh mắt thèm thuồng, chỉ chờ bà rán xong một mẻ kẹo, rồi cho mỗi đứa nhón vài viên mà không kịp chờ tới khâu chao đường.
Ngày ấy, để làm được một mẻ kẹo nhãn cũng kỳ công lắm, ngay từ bước chọn gạo đầu tiên cũng phải là những hạt gạo nếp nương tròn bóng, những quả trứng gà ta được bà để dành trong chạn bếp và cuối cùng là mỡ phần - thứ gia vị không thể thiếu để làm nên mùi vị thơm ngon của món kẹo nhãn.
Gạo sau khi được nhặt kỹ, đem vo sạch, để thật ráo mới xay mịn. Bột sau khi xay phải dùng rây để lọc lại, sờ vào mát tay, không bị vón cục mới đạt yêu cầu. Công đoạn nhào bột là quan trọng nhất, quyết định độ giòn, ngon của kẹo nhãn. Bột được đổ vào chậu to, đập trứng gà vào đánh nhuyễn cho đến khi trứng hòa quyện đều với bột thành một khối vàng đều, mịn thì mới đạt yêu cầu.
Sau đó, bột sẽ được chia thành từng khối, lăn thành những miếng hình trụ nhỏ, cắt thành viên rồi cho vào rổ lắc đều để tạo thành hình tròn như hạt nhãn. Kẹo nhãn được rán trong chảo ngập mỡ, lửa thật nhỏ để mỡ nóng dần, khi đảo phải thật nhẹ và đều tay để viên kẹo không bị dính và nở đều. Những viên bột nhỏ xíu, sau khi được chiên đủ độ sẽ nở phồng thành những viên nhãn tròn xoe.
Kẹo nhãn được vớt ra cho ráo mỡ rồi đem đi chao đường. Đây là công đoạn quyết định độ ngon, giòn của kẹo nhãn nên đòi hỏi phải có kỹ thuật cao. Nếu quá lửa thì kẹo sẽ bị cứng và đường sẽ bị đóng thành cục, nếu thiếu lửa thì màu đường sẽ bị đục, ít bám dính vào kẹo. Kẹo nhãn sau khi khoác thêm một lớp đường sẽ thêm giòn và ngọt hơn.
Cũng như nhiều làng quê khác ở xứ Thanh, nghề làm kẹo nhãn ở Lang Chánh đã có từ lâu. Để kẹo nhãn được nhiều người biết đến, thực sự trở thành hàng hóa, giúp người dân có thêm thu nhập, chính quyền địa phương và những người sản xuất, kinh doanh đã tìm ra nhiều giải pháp để nâng cao vị thế của sản phẩm. Hiệu quả hơn cả đó là việc chủ động liên kết, thành lập HTX.
HTX kẹo nhãn Lang Chánh được thành lập vào tháng 7/2021 đến nay gồm 12 thành viên. Từ khi được thành lập và đi vào hoạt động, với sự tâm huyết, trách nhiệm của những người làm nghề, hoạt động của HTX kẹo nhãn Lang Chánh trở nên thường xuyên và hiệu quả hơn. Cho đến nay sản phẩm kẹo nhãn được đưa ra thị trường đã có nhiều thay đổi từ chất lượng sản phẩm đến bao bì, nhãn mác.
Hiện nay, bình quân một hộ mỗi năm làm và bán ra thị trường từ 3 - 4 tấn kẹo nhãn. Sau khi trừ chi phí, thu nhập bình quân khoảng 60 - 80 triệu đồng/hộ. Điều đáng mừng là tháng 3/2022 kẹo nhãn Lang Chánh đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Bài và ảnh: Ngân Kim
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Phở, nem Việt Nam ’sánh đôi' cùng đồ ăn Nga, Italy tại Liên hoan Ẩm thực Quốc tế
-
2024-11-21 09:10:00
Ấn tượng về thực phẩm và đồ uống Việt Nam tại Hội chợ Quốc tế PLMA 2024
-
2024-01-04 10:47:00
Mỹ vị dân gian từ vùng biển Nga Sơn
Đặc sản chè lam Phủ Quảng
Những món ăn lạ miệng “hút” giới trẻ
Món ngon thế giới sẽ hội tụ tại Liên hoan Ẩm thực Quốc tế lần thứ 11
Lịch sử của mỳ ăn liền - món ăn được ưa thích trên toàn thế giới
Nếp hạt cau Pù Luông
Từ bánh đa làng đến sản phẩm OCOP
Báo Australia gọi bò cuốn lá lốt là một món ăn “ngon nhất hành tinh”
Ẩm thực xứ Thanh - kết tình muôn phương
Nidelven Blå là loại phomai ngon nhất thế giới trong năm 2023