(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong lịch sử, lễ hội Phủ Trịnh là lễ hội cung đình và phần chính là tế lễ. Chính vì vậy mà cho tới những năm gần đây, lễ hội Phủ Trịnh diễn ra trên khu đất của Phủ Từ xưa (nay chỉ còn lại dãy nhà ngang làm nơi thờ tự), chỉ có nghi lễ tế, còn phần hội vắng bóng. Ngay cả những trò chơi, trò diễn dân gian không được trình diễn, trong khi các lễ hội khác cũng tôn vinh những người có công với dân với nước, khi mất được dân gian tri ân, chiêm bái lại có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian được trình diễn trong phần hội lễ.

Khai thác, phát huy giá trị lễ hội Phủ Trịnh và các làng cổ phục vụ phát triển du lịch

Trong lịch sử, lễ hội Phủ Trịnh là lễ hội cung đình và phần chính là tế lễ. Chính vì vậy mà cho tới những năm gần đây, lễ hội Phủ Trịnh diễn ra trên khu đất của Phủ Từ xưa (nay chỉ còn lại dãy nhà ngang làm nơi thờ tự), chỉ có nghi lễ tế, còn phần hội vắng bóng. Ngay cả những trò chơi, trò diễn dân gian không được trình diễn, trong khi các lễ hội khác cũng tôn vinh những người có công với dân với nước, khi mất được dân gian tri ân, chiêm bái lại có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian được trình diễn trong phần hội lễ.

Khai thác, phát huy giá trị lễ hội Phủ Trịnh và các làng cổ phục vụ phát triển du lịchLễ hội Phủ Trịnh năm 2023.

Theo “Lê triều hội điển" thời Lê - Trịnh, sách này cho biết: “Trước đó một ngày làm lễ tế cáo. Đến ngày, từ lúc sáng sớm, quan chấp sự và văn võ bá quan đều mặc áo thụng lam, đội mũ ô sa vào đứng chầu trước ở hai bên sân. Chúa ngự đến, văn võ bá quan đều đứng theo thứ tự ban. Các quan chấp sự ai vào việc ấy".

Về việc giỗ "Thế tổ Minh Khang Thái Vương ngày 18 tháng hai (âm lịch). Ngày làm lễ dự cáo: 30 mâm cỗ chín (mỗi mâm 20 bát, chuẩn cho 1 quan 2 tiền quí). Ngày chính kỵ: 30 mâm cỗ chín (mỗi mâm 30 bát, chuẩn cho 10 quan rưỡi), 8 mâm nem (mỗi mâm 300 gói chuẩn cho 10 quan rưỡi), 8 mâm bánh dày (mỗi mâm 300 chiếc, chuẩn cho 6 quan). Các thứ trên đều do Lễ phiên kê khai đưa đến Binh phiên chiếu bổ cho các viên quản binh (Lễ phiên viết ra rồi phái người đưa đến để làm). Cỗ rồng 2 mâm (mỗi mâm 80 bát, chuẩn cho 6 quan). Bánh ngon 9 mâm (mỗi mâm 6 bát, chuẩn cho 6 quan). Bánh dày ngon 9 mâm (mỗi mâm 50 chiếc, chuẩn cho 6 mạch). Nem thịt lợn 9 mâm (mỗi mâm 50 gói, chuẩn cho 1 quan 8). Cỗ con 9 mâm (mỗi mâm 6 bát, chuẩn cho 6 mạch). Các thứ trên do Lễ phiên đưa sang cho Lại phiên để truyền cho nội trù làm. Cỗ thêm cho hậu lễ gồm: xôi mâm lục lăng 2 mâm (mỗi mâm 200 bát gạo nếp), 1 con lợn lớn (chuẩn cho 3 quan). Xôi mâm nhỏ 1 mâm (30 bát gạo nếp),1 mâm bánh chưng (50 đôi, chuẩn cho 3 quan 6). Các thứ trên đều đưa cho nội trù làm. 1 con trâu (chuẩn cho 7 quan 3). 5 con bò (chuẩn cho 4 quan 2) giao cho hai thôn trong Kinh biết cách làm là Triền Cầu và Yên Xá giết, thui... Còn cơm, trà, rượu, trầu cau, khăn lau, đèn hương, dầu, giao cho đội Thập phụng chiếu lệ lĩnh về làm. Theo lệ thì Nội điện phải dâng nem và bánh dày mỗi thứ một mâm”.

“Lê triều hội điển” là sách ghi chép điển lễ thời Lê - Trịnh, cho thấy lệ xưa quy định việc giỗ kỵ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm được triều đình tổ chức 2 ngày: Lễ cáo vào ngày 17 tháng 2 và Lễ chính kỵ vào ngày 18 tháng 2. Chỉ có phần lễ, không có phần hội. Nên việc nghiên cứu, phục dựng và phát huy giá trị lễ hội Nghè Vẹt - Phủ Trịnh là rất cần thiết gắn với việc giới thiệu, quảng bá vùng đất, con người Vĩnh Lộc, xứ Thanh tới du khách gần xa.

Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy lễ hội Nghè Vẹt - Phủ Trịnh và các làng cổ nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội càng có ý nghĩa khi di tích và lễ hội Phủ Trịnh gắn với Thành Nhà Hồ đã được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa thế giới. Bởi vậy cần có sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự đóng góp về trí tuệ, công sức và sự đồng lòng của mỗi người dân, cộng đồng, các tổ chức xã hội nói chung và huyện Vĩnh Lộc nói riêng, phải toàn tâm, toàn trí bảo vệ cảnh quan, môi trường, bảo tồn các di sản vật thể và phi vật thể, phát huy các lợi thế của làng cổ gắn với XDNTM, xây dựng môi trường lành mạnh, văn minh, thân thiện, tạo nguồn lực phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch.

Nhằm khai thác, phát huy giá trị lễ hội Phủ Trịnh gắn với các làng cổ trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc nói chung và các làng cổ vùng Bồng Báo, Phủ Trịnh nói riêng phục vụ phát triển du lịch, cần tập trung khảo sát, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản làng cổ trở thành nguồn lực phát triển kinh tế du lịch. Sớm xây dựng và hoàn thành quy hoạch không gian, cảnh quan, di tích, các công trình văn hóa, khu dân cư, hệ thống dịch vụ... khu di tích Phủ Trịnh. Xác định khoanh vùng bản đồ tài nguyên văn hóa - du lịch nhân văn, góp phần làm cơ sở hoạch định chiến lược phát triển du lịch của từng khu vực và cả vùng di sản. Cần xây dựng các tiêu chí để xác định mô hình làng cổ và các tiêu chí di sản vật thể và phi vật thể của các làng gắn với khu di tích Phủ Trịnh. Duy trì nếp sống, phương thức sản xuất, đời sống, sinh hoạt thường ngày, nhất là vào các dịp lễ tết, hội làng, chạp họ... Thông qua đó vừa đáp ứng nhu cầu cuộc sống của Nhân dân trong làng xã, vừa phục vụ khách du lịch, với phương châm “phát huy di sản để làm ra tài sản”; và đó cũng là giải pháp xóa nghèo và làm giàu bền vững thông qua hoạt động du lịch ở các làng cổ gắn với lễ hội và khu di tích Phủ Trịnh.

Bên cạnh đó, cần khai thác lợi thế sẵn có của tiềm năng di sản làng cổ để phát triển kinh tế du lịch. Vĩnh Lộc với nhiều làng cổ là làng quê của các di tích lịch sử và văn hóa mang đậm dấu ấn của các triều đại Trần - Hồ, Lê Sơ - Lê Trung hưng và các thời Chúa Trịnh. Chính vì vậy, từ thế núi, hình sông, làng mạc, ruộng đồng cho đến các công trình kiến trúc như đền thờ, chùa miếu, nhà cửa... đều là những di sản vật thể ẩn tàng trong mỗi làng cổ là tiềm năng và lợi thế lớn để phát triển du lịch tâm linh, sinh thái và nhân văn. Cùng với di sản vật thể, các loại hình dân ca, dân vũ đặc sắc và phong phú gắn với nhiều lễ hội độc đáo tổ chức vào mùa xuân, mùa thu hàng năm. Nhiều lễ hội tiêu biểu như hội làng Bồng, Báo, hội chùa Báo Ân, Nghè Vẹt... trở thành điểm du lịch quan trọng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Cùng với lễ hội, hát thờ thần, hát đối đáp, ca công ở các đình làng, sinh hoạt câu lạc bộ, trong các dịp lễ hội có sức hấp dẫn mọi người dân và khách du lịch khám phá, thưởng thức những cái hay, lạ và hấp dẫn của mỗi loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc ở mỗi làng. Di sản văn hóa làng cổ khu di tích Phủ Trịnh đang ẩn sau những lũy tre làng, phải đánh thức và coi đó là nguồn lực để phát triển văn hóa, du lịch, thu hút đông đảo du khách gần xa đến với di sản đặc sắc này. Góp phần quảng bá những nét đặc sắc, riêng có của các làng cổ nơi đây với du khách trong và ngoài nước, vừa tăng nguồn thu cho người dân ở mỗi ngôi nhà cổ và làng cổ, cũng là nguồn thu đáng kể cho ngân sách của địa phương để tiếp tục đầu tư trở lại, tạo đà cho di sản làng cổ bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc vốn có và chọn lọc thêm những giá trị mới ngày càng phong phú, lành mạnh, hấp dẫn.

Nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mọi người dân trong xã hội hiện đại ngày càng tăng. Các cấp chính quyền và ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần có cơ chế, chính sách để kêu gọi các nhà đầu tư (tổ chức và cá nhân) trong nước, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn, kinh phí để tổ chức cho các nghệ nhân dân gian, các làng cổ, câu lạc bộ khôi phục và tổ chức các hoạt động bấy lâu đã bị quên lãng. Làng cổ trên đất Vĩnh Lộc nói chung và khu di tích Phủ Trịnh trải qua thời gian, được các thế hệ người dân nơi đây dựng xây và sáng tạo nên nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị. Những di sản vật thể như: giếng làng, giếng xóm, các công trình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, đền thờ, miếu thờ mang dấu ấn các giá trị về kiến trúc nghệ thuật, có mối liên hệ mật thiết với sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Hệ thống các ngôi nhà cổ và nhà thờ họ đã và đang được người dân sinh sống ở đây giữ gìn, bảo vệ. Đặc biệt cần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đó là hệ thống thần thoại, truyền thuyết, chuyện cổ: phản chiếu lịch sử phát triển của làng gắn chặt với các nhân vật, di tích trong vùng. Hệ thống thần linh và các nghi lễ, lễ hội truyền thống ở các làng cổ khu di tích Phủ Trịnh là các vị thần được tôn vinh, thờ phụng gồm: thiên thần (Uyên linh tôn thần) và nhân thần (Hoàng Đình Ái, Trịnh Gia...) tôn kính, tri ân và cầu mong các vị thần chở che, giúp đỡ. Các nghi lễ và lễ hội truyền thống thuộc các làng cổ Bồng, Báo, Đa Bút, hội chùa Báo Ân,... hàm chứa nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật và mang đậm dấu ấn lịch sử qua nhiều thời đại. Đầu tư, khôi phục nghề đóng thuyền và tổ chức những con đò dọc lên ngược, về xuôi diễn xướng hò sông Mã qua các làng cổ. Phong tục văn hóa và các sinh hoạt tín ngưỡng trong gia đình và dòng họ... phản ánh đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn kính người trên, nếp sống tương thân tương ái, đoàn kết trong cộng đồng và mỗi người dân. Ẩm thực và các món ăn dân dã có nguồn gốc thực vật như rau, đậu, lạc... cùng với thịt, cá, tương cà; uống nước nụ vối, nước chè xanh, uống rượu; bánh kẹo làm từ mật mía: chè lam, kẹo lạc, các loại bánh gạo: bánh tráng, bánh răng bừa, bánh nếp...

Ngoài ra cần gắn lễ hội Phủ Trịnh với việc kết nối các giá trị văn hóa phi vật thể ở các làng cổ; xây dựng các tuyến, điểm du lịch trên đất Vĩnh Lộc và tỉnh Thanh Hóa trở thành hệ thống nhằm liên kết với các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái... thành các tour khép kín, thu hút du khách tham quan nghỉ dưỡng trong nhiều ngày. Đầu tư và nâng cấp hạ tầng du lịch; hoàn thiện hệ thống giao thông nội bộ và liên làng phong quang, sạch đẹp nhưng không ảnh hưởng, phá vỡ không gian và cảnh quan của làng, xã cổ truyền như nó hằng vốn có. Chú ý đường làng, ngõ xóm phải giữ được thảm thực vật, cây xanh làm bờ rào, chống bê tông, tường xây hóa; xây dựng hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn giao thông nội bộ trong làng bằng chất liệu thân thiện với môi trường. Cũng cần xây dựng trạm biến áp riêng ở các làng cổ khu di tích Phủ Trịnh. Đánh giá lại chất lượng nguồn nước ngầm và lập dự án cung cấp nước sạch, xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Đầu tư xây dựng công trình thiết yếu phục vụ du lịch tại các làng cổ như: trung tâm thông tin du lịch; nhà vệ sinh đạt chuẩn; quy hoạch và xây dựng bãi đỗ xe, cơ sở dịch vụ phục vụ du khách và bà con thăm làng cổ...

Đối với di sản văn hóa vật thể, tiếp tục khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ công nhận các di tích thành phần trong quần thể di tích của một số làng cổ. Xem xét và đề nghị xếp hạng một số công trình kiến trúc dân dụng như nhà cổ, cây di sản, các giếng cổ trong không gian di tích và lễ hội Phủ Trịnh. Về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, cần xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng một số lễ hội như: lễ hội làng Bồng, Báo, lễ hội rước nước chùa Báo Ân... từ lễ hội dân gian cổ truyền của một làng thành lễ hội của một vùng và liên vùng. Duy trì nghề nông nghiệp cổ truyền, khôi phục nghề thủ công truyền thống, khôi phục tục kết chạ trong các làng cổ. Về di sản sinh thái - nhân văn, cần bảo tồn cảnh quan, môi trường, sinh thái và các đặc sản quý như sâm Báo, ổi Đa Bút, khoai làng Bồng, các sản phẩm OCOP. Trồng mới các loài cây có nguồn gốc địa phương phù hợp với cảnh quan và môi trường làng cổ, phục dựng lại những ngôi đình, cây đa, giếng làng, rặng tre, chợ làng trải qua thời gian đã xuống cấp hoặc không còn nữa, để những ngôi làng cổ truyền khu vực Thành Nhà Hồ đã từng tồn tại trong lịch sử được tái hiện lại một cách chân thực, lưu giữ được những dấu nét xưa.

Hoàng Minh Tường (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]