(vhds.baothanhhoa.vn) - Hoằng Hóa nổi tiếng với nhiều điểm đến "hút khách" như biển Hải Tiến, Flamingo Hải Tiến, Cồn Mã Nhón... Trong đó, không thể không nhắc đến những ngôi chùa cổ linh thiêng, với lối kiến trúc cổ xưa, độc đáo, đã và đang trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách.

Khám phá những ngôi chùa cổ tại Hoằng Hóa

Hoằng Hóa nổi tiếng với nhiều điểm đến “hút khách” như biển Hải Tiến, Flamingo Hải Tiến, Cồn Mã Nhón... Trong đó, không thể không nhắc đến những ngôi chùa cổ linh thiêng, với lối kiến trúc cổ xưa, độc đáo, đã và đang trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách.

Khám phá những ngôi chùa cổ tại Hoằng Hóa

Một góc chùa Bụt (xã Hoằng Trường).

Chùa Bụt, nơi lưu giữ bộ xương Cá Ông

Chùa Bụt, một điểm dừng chân tham quan khi du khách đến với biển Hải Tiến (xã Hoằng Trường). Theo người dân địa phương, chùa có từ cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Qua thời gian, chùa bị chiến tranh tàn phá, xuống cấp, hư hỏng nặng. Chùa được xây dựng lại theo ý nguyện của người dân nơi đây và chính thức mở cửa đón khách từ năm 2021. Chùa nằm ở vị trí cửa biển, sát ngay bãi đá Hòn Bò, một trong những bãi đá tự nhiên đẹp của biển Hải Tiến.

Điểm nhấn của chùa là bộ xương cá voi, được ngư dân địa phương tôn kính gọi là Cá Ông, vị thần linh thiêng bảo hộ cho thuyền ra khơi. Sự hiện diện của bộ xương Cá Ông thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa cộng đồng ngư dân với biển cả và tín ngưỡng thờ cúng.

Khách tham quan chùa đông nhất là vào mùa cao điểm du lịch Hải Tiến, từ tháng 4 đến tháng 9. Vào các dịp lễ, tết, chùa trang trí nhiều tiểu cảnh đẹp, bắt mắt. Trung bình mỗi năm, chùa đón khoảng 100.000 khách. Chị Nguyễn Thị Huệ, một du khách đến từ tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Chùa có kiến trúc, phong cảnh đẹp. Tôi và những người bạn đã có nhiều bức hình đẹp tại đây. Tôi cho rằng, đây là một điểm tham quan lý tưởng cho du khách”.

Chùa Hồi Long được xây dựng từ gần 400 khối gỗ

Thêm một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Hoằng Hóa, nằm cách biển Hải Tiến 2km là chùa Hồi Long (xã Hoằng Thanh). Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất của xứ Thanh, được xây dựng từ thế kỷ XI. Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của thời gian và lịch sử, ngôi chùa đã bị phá hủy hoàn toàn. Ngôi chùa mới được phục dựng với sự công đức của Nhân dân địa phương, những người con xa quê,... trên khắp mọi miền đất nước. Chùa được xây dựng trên nền cũ, thuộc thế “tọa sơn, hướng thủy”, lưng tựa vào núi Linh Trường, mặt hướng về nơi gặp gỡ của hai dòng sông là sông Mã và sông Cung.

Chùa được làm chủ yếu bằng gỗ, ước tính khoảng 400 khối, gồm các loại đinh hương, lim, sến, táu, chò chỉ,... đã được các nghệ nhân sáng tạo, làm nên một kiệt tác về ngôi Đại hùng bảo điện. Ngay phía trước cửa chùa, khi du khách bước chân vào tham quan sẽ được nhìn thấy toàn bộ lịch sử Đức Phật Thích ca thông qua các bức phù điêu, chạm khắc tinh xảo. Bên cạnh khu tâm linh, còn khu từ thiện, khu dưỡng lão... Bên cạnh đó, chùa còn là “mái nhà chung” của những mảnh đời bất hạnh. Những năm qua, trụ trì chùa đã cưu mang, chăm sóc, giúp đỡ hàng trăm trẻ mồ côi, cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài huyện.

Chùa Bụt, chùa Hồi Long đã được xếp vào danh sách những điểm dừng chân trong chuyến du lịch khám phá biển Hải Tiến, bên cạnh các điểm đến như làng nghề nước mắm Khúc Phụ, Flamingo Hải Tiến, chợ hải sản...

Chùa Hoàng - chốn thờ tự linh thiêng

Nói đến các ngôi chùa cổ ở Hoằng Hóa, không thể không kể đến chùa Hoàng. Chùa Hoàng tại làng Khang Ninh (xã Hoằng Đức), đây là ngôi làng cổ được hình thành và có con người định cư từ thời đại các vua Hùng dựng nước với tên gọi Kẻ Phùng. Chùa được xây dựng trong khuôn viên rộng, thoáng với thế đất tụ linh, tụ phúc, mang đặc điểm của một chốn thờ tự linh thiêng hiếm nơi nào có được. Chùa có kiến trúc hình chữ Nhị, quy mô bề thế. Chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ, có giá trị như: Bia đá, chân đá, chân tảng cột, bàn đá, bát hương đá, gạch bát...

Khám phá những ngôi chùa cổ tại Hoằng Hóa

Chùa Hoàng (xã Hoằng Đức) được bao bọc bởi vẻ đẹp vùng quê yên ả, thanh bình.

Chùa Hoàng còn là nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa, Đức Thánh Trần - tín ngưỡng có cội nguồn lâu đời và độc đáo trong tiềm thức của người dân Việt. Sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp linh thiêng của chùa Hoàng, du khách có thể khám phá “nét quê” của những ngôi làng cổ có lịch sử hàng trăm tuổi tại đây. Đó là làng Cự Đà với cây đa, giếng nước, mái đình,... một trong những ngôi làng cổ đẹp của xứ Thanh. Đây cũng là nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Hoằng Hóa. Đình làng Cự Đà đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh...

Tiếp tục hành trình khám phá, từ chùa Hoàng du khách dễ dàng di chuyển đến những di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng khác tại Hoằng Hóa như Bảng Môn Đình, đền thờ Nguyễn Quỳnh, đền thờ Bùi Khắc Nhất (Hoằng Lộc); di tích lịch sử cách mạng Cồn Mã Nhón (Hoằng Đạo); di tích lịch sử cách mạng Cồn Ba Cây (Hoằng Thắng)... Hoặc di chuyển đến với Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), đền Độc Cước (TP Sầm Sơn),... để có thêm nhiều trải nghiệm thú vị khi đến xứ Thanh.

Bài và ảnh: PHAN THỊ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]