(vhds.baothanhhoa.vn) - Miền núi xứ Thanh địa hình chia cắt, hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ khiến cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Những năm qua, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ thiết thực. Trong đó, đào tạo, dạy nghề được đặc biệt quan tâm, bởi nghề là “sinh kế” bền vững giúp người dân vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.

Khi người dân có nghề

Miền núi xứ Thanh địa hình chia cắt, hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ khiến cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Những năm qua, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ thiết thực. Trong đó, đào tạo, dạy nghề được đặc biệt quan tâm, bởi nghề là “sinh kế” bền vững giúp người dân vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.

Khi người dân có nghềBùi Văn Hải (bên phải) tư vấn thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi cho người dân.

Bản Mạ - khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân những năm gần đây đang trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn với du khách trong và ngoài tỉnh. Về bản Mạ, gặp lại cô gái Thái Hà Thị Tuyến - chủ homestay Tính Tuyến, tôi không khỏi bất ngờ trước sự “thoát nghèo” của đôi vợ chồng trẻ.

Bản Mạ 100% là dân tộc Thái. Nơi đây, trước năm 2016 khi chưa có du lịch cộng đồng rất nhiều khó khăn, người dân loay hoay tìm sinh kế. Để mưu sinh, đôi vợ chồng Lữ Văn Tính - Hà Thị Tuyến phải để con lại bản cho bố mẹ để bôn ba làm thuê, mỗi năm chỉ về nhà được đôi lần, dẫu vậy tiền dành dụm cũng chẳng được là bao. “Trong một lần về quê, biết bản Mạ được huyện Thường Xuân lựa chọn để xây dựng du lịch cộng đồng, vợ chồng em đã quyết định… ở lại quê hương. Nhưng thú thật lúc đó cũng chưa biết, chưa hiểu du lịch cộng đồng là gì, tiền lại không có nên cũng lo lắm” - Hà Thị Tuyến nhớ lại.

Ngày ấy, từ căn nhà sàn của gia đình, vợ chồng em mới “tập tành” làm du lịch. Tuy nhiên, làm du lịch tưởng dễ mà khó, hay nói đúng hơn, không có nghề làm gì cũng khó. Bởi không có kiến thức, không có kinh nghiệm nên những ngày đầu mọi thứ rất bỡ ngỡ, không biết phải bắt đầu từ đâu. Cũng may, em cùng chồng được huyện và xã tạo điều kiện cho thường xuyên đi tham quan các mô hình du lịch cộng đồng trong và ngoài tỉnh; rồi liên tục được dạy nghề, tham gia các lớp tập huấn, truyền dạy kỹ năng… qua đó làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và cách làm du lịch. Với gia đình em, làm du lịch cộng đồng đã thực sự trở thành nghề dịch vụ cho sinh kế bền vững, ổn định - Hà Thị Tuyến phấn khởi chia sẻ.

Từ ngôi nhà sàn “cha truyền con nối”, đến nay Homestay Tính Tuyến đã có 5 nhà sàn có thể phục vụ cùng lúc nhiều đoàn khách. Trung bình mỗi tháng, trừ chi phí thu nhập ổn định hơn 10 triệu đồng.

Bùi Văn Hải - 30 tuổi, người Mường, thôn Thạch Yến, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) cũng là một bạn trẻ khát vọng làm kinh tế để thoát nghèo. Gặp Bùi Văn Hải ở thời điểm hiện tại, ít ai nghĩ rằng chỉ mới dăm năm trước, gia đình Hải vẫn là một trong những hộ nghèo khó khăn trong thôn.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Bùi Văn Hải đứng trước sự lựa chọn nghề nghiệp. “Khi ấy vẫn nghĩ, gia đình làm nông nghiệp thì mình cũng sẽ làm nông nghiệp. Vì thế đã quyết định nộp hồ sơ vào học nghề thú y tại trường Trung cấp Nghề Miền núi (Thanh Hóa). Khi đó, ngoài trồng trọt thì người dân trong thôn còn chăn nuôi (lợn, gà) song hiệu quả kinh tế thấp, lại thường xuyên bị dịch bệnh. Chọn học nghề thú y, trước là để áp dụng thực tế cho việc chăn nuôi trong gia đình, sau hy vọng có thể chia sẻ được những kiến thức mình học với bà con” - Bùi Văn Hải nhớ lại lý do chọn nghề.

Sau khi có nghề, Bùi Văn Hải quay về quê hương. Cùng với việc trồng cây ăn quả, xây gia trại chăn nuôi lợn sinh sản, gà thịt, Hải mở cửa hàng tư vấn, bán thuốc thú y. Từ những kiến thức nghề được đào tạo bài bản tại trường, Bùi Văn Hải còn mạnh dạn mở đại lý thức ăn chăn nuôi. “Ban đầu chỉ làm nhỏ lẻ, qua thời gian thì mở rộng hơn. Đến nay, sản phẩm thức ăn chăn nuôi tôi phân phối đã đến với người dân ở 7 huyện miền núi trong tỉnh. Trồng trọt, chăn nuôi quy mô gia trại, bán thuốc thú ý, thức ăn chăn nuôi mang lại cho gia đình tôi thu nhập gần 300 triệu/năm. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng, nghèo không đáng sợ, đáng sợ nhất là mỗi người không dám nghĩ, dám làm để thoát nghèo. Tuy nhiên, để thoát nghèo bền vững, mỗi người cần phải có một nghề nhất định. Bởi khi mình có nghề cũng có nghĩa sẽ “tự tin” với công việc mình làm. Bên cạnh việc Nhà nước quan tâm đào tạo, dạy nghề cho người dân nói chung thì rất cần chính quyền địa phương hỗ trợ quỹ đất, tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là các bạn trẻ xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế ngay tại quê hương”. Bùi Văn Hải chia sẻ và đề xuất.

Quan điểm của Bùi Văn Hải cũng tương đồng với anh Hà Quốc Thành - 50 tuổi, dân tộc Thái ở thôn Chiềng, xã Nam Động (Quan Hóa). Khi tôi đến cũng là thời điểm gia đình anh mới xuất đi lứa gà hơn 4.000 con, thu lãi gần 40 triệu đồng.

Sau nhiều trăn trở, cuối năm 2020 anh Hà Quốc Thành mạnh dạn vay vốn đầu tư 140 triệu để xây dựng trang trại nuôi gà lai chọi. Thời gian đầu việc chăn nuôi gặp không ít khó khăn, thậm chí cả thất bại. Tuy nhiên không nản lòng, anh Thành vẫn kiên trì với công việc của mình. Đến nay, trung bình mỗi năm trang trại của gia đình anh nuôi 3 lứa gà thịt, mỗi lứa từ 3.000 - 5.000 con, sau khi trừ mọi chi phí còn lãi khoảng 120 triệu đồng/năm. Anh Hà Quốc Thành chia sẻ về lý do đầu tư trang trại nuôi gà: “Những năm trước tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, lại được xã, huyện cho đi tham quan các mô hình chăn nuôi áp dụng khoa học đã thành công trên địa bàn tỉnh nên bản thân quyết tâm thoát nghèo. Vì thế cuối năm 2020 gia đình tôi quyết định liên kết với doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Ngọc Lặc để đầu tư trang trại nuôi gà.

Bà Hà Thị Nga - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Hóa cho biết: “Quan Hóa là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc, trình độ dân trí chưa đồng đều, kinh tế nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) chiếm tỷ trọng cao. Vì thế, thời gian qua phòng đã tham mưu trong việc định hướng, lựa chọn đào tạo, dạy nghề, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghề cho người dân trên cơ sở những thế mạnh của mỗi xã. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn có những xã trong quá trình khảo sát, đánh giá nghề chưa sát, dẫn đến việc đấu mối mở lớp đào tạo, dạy nghề cho người dân chưa thực sự hiệu quả, người dân chưa mặn mà tham gia hoặc tham gia học xong lại chưa áp dụng nhiều vào thực tế”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]