Kĩ năng đọc thông tin - Biến thông tin thành sức mạnh
Sức mạnh của báo chí đến từ sức nặng và giá trị của thông tin. Do vậy, kỹ năng tìm đọc, xử lý và biểu đạt thông tin được coi là thước đo cho nghiệp vụ và trình độ của người làm báo. Trau dồi điều đó bằng cách nào? Hy vọng những tri thức được lượm lặt từ cuốn “Kĩ năng đọc thông tin - Biến thông tin thành sức mạnh” sẽ là những hành trang cần thiết cho mỗi phóng viên, nhà báo. Sách do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành, được tác giả Lê Thùy Dương dịch từ tài liệu Viện nghiên cứu tổng hợp các vấn đề của cuộc sống hiện đại.
Với quan điểm thú vị và trực quan, tác giả đã cho rằng: Đọc mà không tư duy cũng giống như ăn mà không biết mùi vị. Đúng là “học nhi bất tư tắc võng” (Học mà không suy nghĩ ắt sẽ quên) - Luận ngữ. Rõ ràng nếu muốn thu hoạch điều gì đó từ việc đọc thì phải biết tư duy trong khi đọc.
Có bao giờ phóng viên tự hỏi: khi đối mặt với lượng lớn thông tin, vấn đề đầu tiên nên hỏi là gì? Câu trả lời nằm trong 3 khía cạnh: Cái gì (luận điểm); Tại sao (luận cứ) và Làm thế nào (luận chứng).
Tiếp nữa, có đúng là, cùng đối mặt với thông tin như nhau nhưng một số người lại có cách tìm hiểu và kiến giải độc đáo; một số khác thì không. Trực quan hơn, cũng một vấn đề mà người phóng viên A đi thực tế lại nhìn nhận ở tầng này, người B lại tìm hiểu ở tầng sâu hơn. Bản chất ở đây theo lý giải của nhóm tác giả đó là do kỹ năng đọc hiểu, xử lý thông tin và cấp độ tư duy. Có nghĩa là, có những trường hợp phóng viên có người chưa từng tiếp xúc với kiến thức chuyên ngành của một lĩnh vực nào đó nhưng lại có thể nắm bắt nguyên lý cơ bản và phương thức hoạt động của nó trong thời gian ngắn. Bí quyết ở đây chính là “đặt thông tin lên hệ tọa độ để tư duy”. Các câu hỏi cần tiếp tục đặt ra là: còn khả năng nào khác nữa không? Hay là: đặt ra các vấn đề liên ngành mà nội dung thông tin đang hướng đến.
Bạn tin không, nếu cần phải kể đến kỹ năng phóng to và thu nhỏ thông tin. Bởi điều đó sẽ mang lại những nhận thức khác nhau.
Một kỹ năng khác được sách đề cập đến hiện đang áp dụng phổ biến ở Công ty Tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey đó là: cây logic. Cây logic nghĩa là liệt kê các vấn đề con của vấn đề lớn theo cấp bậc, bắt đầu từ tầng cao nhất và mở rộng dần xuống dưới. Cụ thể, khi tư duy về một đề tài nào đó, hãy lấy một thông tin để làm thân cây, sau đó xem xét các yếu tố liên quan vẽ thành nhánh, cành và lá. Cứ như vậy cây thông tin rộng lớn sẽ hiện ra và lúc này chính tư duy của bạn sẽ quyết định đâu là vấn đề mấu chốt cần phải giải quyết, làm nên sức nặng thông tin của vấn đề mình đang quan tâm.
Sách cũng đưa ra rất nhiều lời khuyên cho việc đọc tài liệu thống kê, biểu đồ, sách chuyên ngành và một số kỹ năng đọc nhanh và đọc sâu. Và cách thông minh nhất mà mọi người có thể áp dụng đó là: “Bỏ ra 80% năng lượng của bản thân vào 20% tinh hoa của cuốn sách”.
Câu hỏi được đặt ra là: làm sao để biến thông tin thu thập được trở thành sức mạnh cạnh tranh? Trước hết đối với tài liệu hãy nhớ một điều: hãy mang theo mục đích của mình khi đến với tài liệu, khi tìm được đáp án đó mới là cốt lõi.
Có một thực tế hiện nay, khi đọc thông tin, báo cáo, số liệu rất nhiều phóng viên chỉ chăm chăm “note” lại số liệu... Khoan, bạn hãy làm khác đi, trước khi đọc tài liệu, bạn phải có câu hỏi, sau khi trả lời, tìm thấy tài liệu để trả lời cũng đồng nghĩa với việc bạn đã hoàn thành bước đầu tiên.
Tiếp nhận thông tin, biến thông tin thành kiến thức và hành động của mình, đó mới là sức mạnh. “Hành động để chuyển hóa kiến thức là một sự đổi mới trong trải nghiệm về thể chất và tinh thần”. Lúc này, tự bạn phải tìm đến cánh cổng để mở ra vùng tri thức mới nơi ấy có kiến thức bạn vừa tích lũy và cả trải nghiệm bản thân, tất nhiên có cả sự mơ hồ, bất định khó tránh khỏi. Không sao cả, dẫu sao thì chính bạn cũng đặt chân đến một vùng đất mới. Cứ như vậy thực hành nhiều lần, chắc bạn không tin nổi đâu, bạn đang trưởng thành rất nhanh mà chính mình cũng không ý thức hết.
Đúng là xử lý thông tin là một môn khoa học. Xử lý thông tin trong não bộ và sử dụng nó tạo nên hàm lượng giá trị trong các tác phẩm của mình luôn là một hành trình đáng giá với những ai làm nghề báo. Những gợi ý nhỏ của cuốn sách kỹ năng mang lại hy vọng khiến những người làm nghề thêm ý thức rằng: thước đo độ nông sâu hàm lượng thông tin thể hiện đẳng cấp của người làm nghề. Song không một ai trở nên siêu việt, vĩ đại mà không phải bước qua những ngày ngây ngô, dại khờ. Vậy nên, trước mỗi cuốn sách thế này, ai rồi cũng trở nên bình đẳng, như đứng trước vạch xuất phát thôi. Theo thời gian, chính sự kiên nhẫn, kỷ luật và thực hành đúng mới gọi tên ai là người thành thạo nhất kỹ năng nghề. Chúc các nhà báo cách mạng sẽ hẹn gặp nhau ở “vạch đích” ấy, biết tạo nên những thông tin giá trị để làm hữu ích cho đời, cho người.
Nguyễn Hường
- 2024-09-17 16:20:00
Khung dệt mùa thu
- 2024-09-17 14:13:00
Kể chuyện bằng dữ liệu, tại sao không?
- 2024-06-18 15:23:00
Vì sao vợ chồng gọi nhau là “Nhà” ?
Thực hư thông tin ca sỹ robot tổ chức buổi hòa nhạc gây sốc tại Mỹ
Điểm sáng phát triển văn hóa đọc
Việt Nam có MV Youtube đầu tiên đạt 1 tỉ lượt xem
Lần đầu tiên tổ chức triển lãm về nghệ thuật thiết kế quảng cáo Việt Nam
“Sống đến bình minh” - Ký ức cuộc đời nhà báo Trần Mai Hạnh
“Càn” trong “ăn bậy nói càn” nghĩa là gì?
Độ nhiễu - Sai lầm trong phán đoán
Móng nhà hay móng ngựa
Giải Diên Hồng lần thứ ba được trao vào tháng 1 năm 2025