(vhds.baothanhhoa.vn) - Cách đây không lâu, Son - Bá - Mười, ba thôn (bản) của người Thái, thuộc khu Cao Sơn, xã Lũng Cao (Bá Thước) gắn liền với đặc sản “3 không”, không điện, không đường, không chợ; tỷ lệ đói nghèo lên đến 90%. Có lẽ vì thế mà từ thành phố lên đến tận điểm cao nhất của thôn Bá chỉ chừng 120 km, nhưng cảm giác như tít tắp, như ở một nơi chỉ có vách núi, những con lợn rừng, gà rừng... và ánh mắt cô sơn nữ vời vợi xa xa cả đời chưa một lần bước chân ra khỏi bản.

Lạc bước ở Son - Bá – Mười

Cách đây không lâu, Son - Bá - Mười, ba thôn (bản) của người Thái, thuộc khu Cao Sơn, xã Lũng Cao (Bá Thước) gắn liền với đặc sản “3 không”, không điện, không đường, không chợ; tỷ lệ đói nghèo lên đến 90%. Có lẽ vì thế mà từ thành phố lên đến tận điểm cao nhất của thôn Bá chỉ chừng 120 km, nhưng cảm giác như tít tắp, như ở một nơi chỉ có vách núi, những con lợn rừng, gà rừng... và ánh mắt cô sơn nữ vời vợi xa xa cả đời chưa một lần bước chân ra khỏi bản.

Lạc bước ở Son - Bá – MườiChị Ngân Thị Hà giới thiệu về những vườn cam trĩu quả ở bản Son.

Đây còn là nơi duy nhất ở xứ Thanh có khí hậu ôn đới. Mùa hè cũng phải đắp chăn bông, mùa đông dăm ba cái chăn cũng chẳng thể đủ ấm.

***

Ngồi sau chiếc xe máy Dream của một anh dân tộc Thái, tôi nghe rõ tiếng gió vi vút qua tai. Xuyên giữa một bên là núi non trùng điệp, hiểm trở của dãy Pòng Mứu, Pòng Pa Kha, Pòng Pa Có, Phà Hé... và một bên là dãy Pù Luông thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông hoang sơ. Âm thanh giọng nói người đàn ông chở tôi không tròn tiếng, nhưng đầy hứng khởi. “Đừng lo lắng quá, cô sẽ thấy thích bản của tôi. Tối nay, làm vài chén rượu, hát vài bài karaoke cô nhé”; - Chứ không phải là nhảy sạp hả anh? “Uống vào chân quýnh quáng không nhảy được đâu cô”.

Ở ngay đầu dốc, trưởng thôn Son, anh Ngân Văn Đức dáng người lẻo khoẻo nhưng nhanh miệng đón chúng tôi. Câu đầu tiên anh hỏi: Cô có mang áo ấm không, trên này lạnh lắm đấy.

Không chờ anh nói, tôi đã cảm nhận được cái lạnh lan qua mặt, buốt thấu sâu trong lớp áo choàng. Nhìn sang giàn su su của gia đình, những giọt nước vẫn còn đọng trên từng chiếc lá. Ngay bên cổng, những cây đào cành khẳng khiu, sần sùi, bông to, hồng rực rỡ thách thức cái lạnh giá, điểm phấn tô son cho màu xám của đá núi, màu nâu của đất, và cái bàng bạc giăng giăng sương mù.

Lạc bước ở Son - Bá – MườiĐào đã nở ở bản Son.

Ở đây, hiện tại đang là mùa khô. Ban ngày trời nắng nhiều, nhưng chỉ cần tắt nắng, cái lạnh tỏa lan, sương giăng và độ ẩm lại cao. Trung bình từ tháng 11 đến tháng 4 nhiệt độ ở vào khoảng từ 18 đến 25 độ. Nhưng số ngày nhiệt độ dưới 10 độ cũng không phải là ít.

Trưởng bản Ngân Văn Đức vừa nói vừa xoa bàn tay giữ ấm: Trước đây, bà con coi điều kiện thời tiết là trở ngại để phát triển. Nhưng, giờ không ai ở trong bản Son của chúng tôi không cảm ơn “đặc sản” thời tiết. Nếu không khác biệt với dưới xuôi, nếu không quanh năm mát mẻ thì ai tìm đường lên Cao Sơn này?

Ngẫm ra mới thấy, đúng thật, ngay cả tôi, lần đầu tiên đặt chân lên đây cũng vì tò mò muốn biết Cao Sơn lạnh thế nào, có buốt thấu kẽ răng như nghe ai đó nói. Cũng vì khí hậu lạnh mà các loại rau quả rất dễ trồng. Nhìn những lá rau cải to, xanh và không một vết thủng vì sâu, côn trùng, nếu ở dưới xuôi chắc chắn người ta sẽ phải hồ nghi, phán đoán rằng có thuốc kích thích, thuốc trừ sâu. Quả cam ở đây lấy giống bên Cao Phong (Hòa Bình) nhưng to mọng hơn và ngọt lừ.

“Các anh chị lên đây nhìn đường độ dốc 18 - 25%, cua tay áo ba tầng thì sợ hãi chứ chúng tôi quen rồi, miễn đừng say thì đi đơn giản thôi mà”. Chả là, mới từ năm 2020 đến nay, tuyến đường lên Cao Sơn đã được Nhà nước đầu tư, cách đây chừng 1 tháng, nhiều đoạn đường lên Cao Sơn đã được mở vòng cua... Đường đi lại dễ dàng, rau, trái có chỗ để mà bán. Khách du lịch không ngần ngại lên với bà con”, trưởng thôn kiêm bí thư chi bộ thôn Mười, Ngân Mạnh Hùng nói.

Mở đường là mở ra biết bao cơ hội cho người dân Cao Sơn. Những ngôi nhà cũ kỹ, xập xệ nay đã có xe chở nguyên vật liệu lên để bà con dựng lại nhà, xây khu vệ sinh; những đồi ngô, mướp đắng, su su chạy dài tít tắp, cam trĩu quả hoặc được xe lên tận nơi thu mua, hoặc phiên chợ phố Đoàn bà con lại cùng nhau chở xuống bán.

Vội vàng trang điểm, chị Ngân Thị Hà bước ra trong bộ váy Thái, tóc vấn cao, chút son phấn khiến chị khác hoàn toàn. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam vào cuối chiều, cái nắng còn sót lại, sắc cam đã vàng càng rực vàng, gương mặt chị Hà thêm ửng hồng hơn. Chị Hà cho biết: Mấy năm nay, nhờ có cây cam mà đời sống bà con khác hẳn, bản làng nhộn nhịp khách vào ra. Chả là từ tháng 12 dương lịch đến nay thì xe nọ nối xe kia thu mua cam. Cuối tuần khách du lịch lên đây nhiều để thăm vườn cam, ngắm những cành đào Cao Sơn và leo lên đỉnh mõm cá heo ngồi bên cây cô đơn cheo leo giữa đất và trời.

Để đến được Son - Bá - Mười, trước đây hay bây giờ cũng chỉ có 2 lối, hoặc là vượt “cổng trời” để từ Hòa Bình sang; hoặc là đi từ trung tâm xã lên. Lên du lịch Son - Bá - Mười ngoài các món ăn truyền thống: xôi nếp nương, ngọn su su, thịt gà đồi, vịt Cổ Lũng, canh mướp đắng, lợn cỏ, rau dớn, nộm hoa chuối rừng, măng ngâm ớt,... thì ngồi kề cà với nhau, nhấp nháp chút rượu ngô, hương vị cay cay tê tê nơi đầu lưỡi không chỉ giúp cơ thể ấm hơn mà khách và chủ còn thêm gắn kết tình cảm. Hành trình khám phá, tìm hiểu Cao Sơn không chỉ phóng tầm mắt ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp mà còn là cơ hội để hiểu hơn những đồng bào Thái thân thiện và dễ mến. Dễ mến như chị Ngân Thị Hà, dù mặc váy cóm nhưng vẫn phăng phăng đèo tôi trên chiếc xe máy liên tục phải đổi số vì đường dốc quanh co; chăm chỉ như anh Ngân Văn Tuất, người đầu tiên đưa giống cam Cao Phong về bản; nhiệt huyết như thầy giáo Trần Ngọc Hải, giáo viên Trường TH&THCS Cao Sơn đã có 16 năm bám bản, đưa cái chữ đến với con em đồng bào dân tộc...

Lạc bước ở Son - Bá – MườiĐỉnh mõm cá heo khiến ai lên đến Son - Bá - Mười cũng khám phá.

Tận dụng kiểu khí hậu đặc trưng để tạo ra thế mạnh, gần đây Cao Sơn có hướng đi mới là trồng cây dược liệu như atiso, nhân sâm, hà thủ ô... Hiện đã có doanh nghiệp xung phong lên để phát triển vùng nguyên liệu. Thời gian gần đây nhiều hộ đã bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân tăng dần, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện... bức tranh của Son - Bá - Mười đã được tô thêm một màu tươi mới.

“Ít năm nữa thôi, sẽ có một con đường mới mở ra. Đó là tuyến cáp treo nối liền khu trung tâm hành chính đi đỉnh Pù Luông kết nối khu du lịch Cao Sơn, theo Quyết định số 4513/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, ông Lương Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao nói với chúng tôi.

Chắc chắn có người cho là viển vông, giống như nhìn thấy mây giơ tay lên tưởng nắm được dễ dàng nhưng thực ra ở xa rất xa. Đã là nhà đầu tư thì phải tính đến lợi nhuận. Nhưng nếu không mạo hiểm có cơ sở thì sẽ không bao giờ có thành công. Cũng như biết bao người dám mạo hiểm ngồi trên chiếc xe quanh qua các con dốc vì muốn được lạc bước ở Cao Sơn.

Càng về đêm nhiệt độ ở Cao Sơn càng xuống thấp, bên ngoài những cơn mưa phùn lất phất, còn chúng tôi dù khề khà nhiều chén rượu rồi nhưng thảng hoặc, ai đó không chịu nổi cái lạnh lại quay qua bếp lửa. Tiếng lách tách của củi, tiếng xuýt xoa và người bạn đi cùng tôi thì thầm trong làn hơi bay: Rét thật nhưng mà thích thật.

Hai mắt tôi díp lại, dần dần chìm vào trong giấc ngủ, để rồi lạc bước tiếp trong chặng đường khám phá Son - Bá - Mười.

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]