(vhds.baothanhhoa.vn) - “Chín mươi chín bài thơ” là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Bùi Lâm Bằng. Các bài thơ không có tiêu đề như cách truyền thống “vốn phải vậy” mà được đánh số thứ tự, lần lượt từ 1 đến 99.

Lâm Bằng và “những vết thương chẳng dễ lành”

“Chín mươi chín bài thơ” là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Bùi Lâm Bằng. Các bài thơ không có tiêu đề như cách truyền thống “vốn phải vậy” mà được đánh số thứ tự, lần lượt từ 1 đến 99.

Lâm Bằng và “những vết thương chẳng dễ lành”

Bạn đọc quen với giọng thơ trữ tình mà nhà thơ Lâm Bằng thường viết về những người thân yêu của mình. Đó là hình ảnh mẹ: “Nón mê tất tưởi đồng trưa/ Mẹ tôi ba bảy... cau vừa nón bưng/ Tái te sấp ngửa lửa hừng/ Chợ xa quang gánh dài lưng lửng chiều/ Nắng xiên bóng đuổi liêu xiêu/ Mẹ đi gió thốc cả chiều nón mê”. Là hình ảnh: “Bóng gầy cha đổ liêu xiêu/ Canh cơi bếp nguội, lọc điều muối dưa/ Trời còn khét nắng giá mưa/ Đời cha xiêu vẹo cánh cò... cuối đông”. Đó là những con chữ nhiều hình ảnh, cảm xúc dễ thấm và người đọc dễ đón nhận. “Chín mươi chín bài thơ” là cuộc hành trình không mới nhưng gai góc, dễ gặp phản biện, phản kháng từ độc giả.

Nhà thơ nào chẳng mang trong mình những nỗi niềm thế sự, những suy tư về cuộc đời, về nhân sinh quan, nhưng mỗi người lại chọn cách thể hiện khác nhau. Lâm Bằng đi trực diện vào những vấn đề nóng hổi của xã hội hiện nay, sự đứt gãy của vũ trụ, sự đứt gãy của thời gian và những nỗi lo toan chẳng bao giờ hết.

Lẽ ra cuộc sống càng hiện đại thì con người càng sống thoải mái, ung dung trong những điều kiện tốt đẹp của tiện nghi nhưng do năng lực sống, sự ham muốn thái quá, mà con người ta càng sống gấp, sống vội. Sự thực dụng đi kèm với việc chất chứa nhiều mối âu lo, phiền muộn, không hạnh phúc thật sự trong từng khoảnh khắc thời gian, thậm chí sống mà như diễn.

Sinh ra ở thời “bốn chấm không” con người phải đối mặt với đủ thứ. Có những điều tưởng tầm thường nhưng vô cùng quan trọng “Anh chỉ cần sáng nay con anh đi học/ không trễ giờ vì tắc đường…”; “Sổ đỏ ư/ sổ hồng ư/ Có là gì khi trong ấy không có một bếp lửa”. Đâu chỉ là những vấn đề vật chất, sự thờ ơ của con người cũng đáng báo động, nhất là với con trẻ. Những câu thơ “Sao càng ngày càng lắm trẻ tự kỷ/ Và cũng không ít thần đồng/ Những thần đồng không nhớ nổi tên ông nội” là thực tế mà chúng ta ai cũng nhìn thấy.

Hàng loạt câu hỏi được tác giả đặt ra, và ẩn ngay trong câu hỏi là những câu trả lời. Những câu trả lời cho chính mình và bạn đọc. Cũng có thể là vấn đề thời sự về con điểm, thành tích học tập, bệnh thành tích của toàn xã hội:

“Điểm thi, ăn cơm Thánh Gióng

Lớn nhanh bất ngờ

Cuộc chạy đua vào ngôi trường

đào tạo

những con người thực thi pháp luật

Mai mốt các em ra trường

Pháp luật biết ở với ai”

Hay:

"Khi những đứa trẻ mải vùi đầu trong những công nghệ nhiều chấm… nào đó

Những đứa trẻ không biết Vua Hùng là ai, Bà Trưng, Bà Triệu… không biết Trần Quốc Toản bóp nát quả cam trên bến Bình Than

Không biết ai là người ăn cơm cà, mặc giáp sắt đánh đuổi giặc Ân

Không biết ngày mùng Mười tháng Ba giỗ tổ Vua Hùng…

Anh đừng ngạc nhiên…".

Đằng sau sự phản biện xã hội, sau cái nhìn nhiều chiều với mọi sự vận động của đời sống là những trăn trở của tác giả - nhà thơ. Ở đó có suy tư, có lo âu, có sự mất mát, có thất vọng… mà chúng ta hằng ngày vẫn nhìn thấy, vẫn gặp, nhưng vẫn thờ ơ, bàng quan…

Đọc cả 99 bài thơ gói gọn trong hơn 100 trang sách, tôi chợt nhận ra Lâm Bằng vẫn giữ cái chất riêng, tưởng bất bình thường mà hóa ra rất “bình thường”. Ông có sự cẩn trọng của mình. Những vấn đề ông đặt ra là những câu chuyện của xã hội. Đi cùng với sự phát triển, sự đổi thay là sự thích ứng, sự đối phó để giữ được những giá trị cốt lõi của đời sống.

Có thể sẽ không nhiều người thích giọng thơ này của Lâm Bằng, một phần vì những vấn đề đặt ra khá “cứng”, hoặc họ kỳ vọng rằng, nhà thơ sẽ cất lên tiếng nói thẳng thắn về những vấn đề riết róng của xã hội. Tôi tin Lâm Bằng trù liệu được điều này, nhưng ông vẫn dũng cảm bước đi. Rõ ràng, làm thơ thế sự không hề dễ. Ngoài vấn đề gu thẩm mỹ của bạn đọc còn là những câu chuyện chẳng dễ đưa được vào thơ. Thêm nữa, chức năng của thơ ca không phải là giải quyết những vấn đề của đời sống. Nhà thơ chỉ có thể gợi lên, đánh thức và thể hiện cái nhìn của mình qua con chữ.

Để có thể tự trào, có thể giễu nhại được cuộc đời, người đó hẳn nhà thơ Lâm Bằng phải khá hóm hỉnh và thông minh. Đằng sau những vấn đề “nóng”, “Chín chín bài thơ” lấp lánh nhiều câu thơ nhẹ nhàng mà sâu cay:

“Lá khô rơi

Rác đường

Vỏ kẹo nung

Rác nhà

Dán tờ rơi quảng cáo

Rác tường

Ai cũng thấy

Lời tục tĩu, chửi thề

Rác tai

Mấy ai hay”.

Hay nói về “chốn thanh tịnh bỗng nhuốm bụi trần”, ở đó nhà thơ chợt nhận ra:

“Tiếng chuông không còn vang xa

Tiếng mõ không còn vang xa

Vang xa… là những lời đồn…”.

Hoặc trong bài viết về Pù Luông, người đọc nhận ra sự si mê của ông trước khung cảnh thiên nhiên:

Trập trùng núi, bồng bềnh mây

Ruộng bậc thang vẩy nên họa tiết

Họa sĩ nào vẽ bức tranh thủy mặc

Để lòng tôi ngơ ngẩn Pù Luông.

***

Lúa tròn cây trên nương

Bếp nhà ai khói xanh leo lét

Chiều Pù Luông nắng hoe vàng

thung nhạt

Chia tay rồi, ai còn níu bước chân.

Dám đi vào đề tài xã hội, thế sự, chắc chắn đó là sự dũng cảm của nhà thơ Lâm Bằng. Ông không ngần ngại chỉ ra “vùng cấm” của đời sống để mong muốn góp một tiếng thơ, tiếng nói, tiếng lòng về nỗi yêu đời, yêu người.

Cái khó của văn chương và thơ ca là không có chỗ cho sự dễ dãi, qua loa, cũng không phải là nơi cho những điều thô ráp, trần trụi chen chân. Vì thế, thơ thế sự “nhập cuộc” đã khó, và ở lại với bạn đọc lại càng khó hơn. Viết về những câu chuyện thân phận, thế sự, thời cuộc, hay hiện tượng xã hội không phải là vấn đề mới. Cái mới là cách thể hiện, cách tiếp cận và dẫn dụ bạn đọc vào thế giới thơ thế nào. Ngay cả tôi có thể chưa thích, chưa hiểu, chưa thấm hết những dòng thơ, ý thơ trong “Chín mươi chín bài thơ” nhưng tôi rất tôn trọng sự dũng cảm, thay đổi mình và thay đổi thơ của Lâm Bằng.

Ông và “những vết thương chẳng dễ lành” đang trên hành trình “hàn gắn” để “Hạt cựa mình, đất thức/ Mùa sinh sôi chộn rộn nắng mai/ Lá mơ những vòm trời…”. Những độc giả yêu mến ông cũng đang chờ ông có thêm những mùa sinh sôi mới trong thơ.

Bài và ảnh: THU HÀ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]