(vhds.baothanhhoa.vn) - Xem tác phẩm hội họa “Hàm Rồng 1972” của Mai Xuân Chung cho ta thật nhiều cảm xúc. Dù sáng tác năm 2023, nhưng cái tài của họa sĩ Mai Xuân Chung với bố cục, bút pháp, màu sắc... đã đưa người thưởng lãm như sống lại bối cảnh một thời đạn bom khốc liệt của quân và dân Thanh Hóa nơi cây cầu Hàm Rồng anh hùng.

Lắng đọng “Hàm Rồng 1972” của họa sĩ Mai Xuân Chung

Xem tác phẩm hội họa “Hàm Rồng 1972” của Mai Xuân Chung cho ta thật nhiều cảm xúc. Dù sáng tác năm 2023, nhưng cái tài của họa sĩ Mai Xuân Chung với bố cục, bút pháp, màu sắc... đã đưa người thưởng lãm như sống lại bối cảnh một thời đạn bom khốc liệt của quân và dân Thanh Hóa nơi cây cầu Hàm Rồng anh hùng.

Lắng đọng “Hàm Rồng 1972” của họa sĩ Mai Xuân Chung

Tác phẩm “Hàm Rồng 1972” của họa sĩ Mai Xuân Chung.

Điều đầu tiên tôi bị thu hút là bầu không khí độc đáo mà tác phẩm này thể hiện. Với kích thước 120cm x 180cm, khổ tranh chưa phải là lớn nhưng đã cho ta thấy được một khung cảnh bao la cùng điểm nhấn là hình ảnh các nhân vật trong tranh đang gấp rút xây dựng chiếc cầu phao để đảm bảo cho tuyến đường giao thông huyết mạch được xuyên suốt. Phía xa xa còn là hình ảnh cây cầu Hàm Rồng đang gồng mình dưới bão đạn, bom rơi.

Có thể nói đây là một cách thể hiện mới mẻ, tối giản tài tình đến cực hạn về hình và màu sắc, chắt lọc cái tinh túy của mảng miếng và nét để biểu đạt ý nghĩa nội dung cho rõ ràng mạch lạc. Bức tranh với hòa sắc nóng lấy màu đỏ làm chủ đạo, thêm một chút ghi, cộng màu đen quyện hoà vào từng nhát bút khỏe khoắn, táo bạo. Bố cục tranh rất chặt chẽ, hình ảnh cây cầu Hàm Rồng được nghệ sĩ dùng những nét bút buông lơi màu đậm tạo nên hiệu ứng thị giác bất ngờ với một đầu cầu bị bom đạn đánh sập, tất cả hình thành cho tác phẩm một bầu không khí của khung cảnh chiến tranh khốc liệt.

“Hàm Rồng 1972” của Mai Xuân Chung còn cho ta một góc nhìn khác về hội họa, bức tranh được biểu hiện bằng sự kết hợp đa phong cách. Vừa hiện thực mà cũng vừa có hơi hướng trừu tượng. Nếu chỉ nhìn nửa phần trên của tranh, ta như lạc vào một không gian trừu tượng rất mơ hồ. Nó không có chủ thể rõ ràng, nhưng vô hình dung lại là cái để dẫn dắt chúng ta kiếm tìm chi tiết đắt giá của tác phẩm. Khi đắm chìm trong bức tranh này, chúng ta có thể cảm thấy một sức mạnh lây lan. Sức lây nhiễm này có thể đến từ màu sắc, đường nét hoặc bầu không khí nóng bỏng tổng thể của tranh. Đánh rơi con mắt xuống nửa dưới của bức tranh, người xem thấy sự đối lập về cách thể hiện, ở đây như là trường phái hiện thực, hình ảnh cầu Hàm Rồng, cầu phao, con người... hiện lên rõ ràng, họa sĩ dùng màu, nét, mảng và hình rất cụ thể để người xem dễ nhận thấy nhất cái cốt lõi nội dung của tác phẩm, tính động của tranh cũng xuất hiện khi các nhân vật như đang gấp gáp dựng cầu phao dưới làn đạn, bom rơi.

Lắng đọng “Hàm Rồng 1972” của họa sĩ Mai Xuân Chung

Họa sĩ Mai Xuân Chung tại xưởng vẽ của mình (ảnh nhân vật cung cấp).

Tò mò về tác giả khi xem “Hàm Rồng 1972”, qua vài người bạn nghệ sĩ mà tôi quen, rất nhanh đã có thể liên lạc được với họa sĩ Mai Xuân Chung. Qua điện thoại, được biết họa sĩ Mai Xuân Chung hiện mang quân hàm thượng tá và công tác tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Giọng điệu hào sảng đúng chất lính, anh thổ lộ: Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Phong Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa) trong một gia đình có bố là họa sĩ Mai Xuân Lãm - công tác ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, ngay từ nhỏ anh đã rất đam mê vẽ tranh. Năm 1990 anh nhập ngũ vào lực lượng công an vũ trang tỉnh Thanh Hóa (nay là Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa). Và để thỏa nguyện ước vọng của mình đến với hội họa, năm 1992 anh đã đăng ký thi và trúng tuyển vào Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Ra trường anh được điều động về công tác tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Từ đây anh có cơ hội tiếp cận và giao lưu sáng tác với các họa sĩ trong làng mỹ thuật. Năm 2014 anh được điều động về công tác tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Mặc dù công việc rất bận rộn, nhưng với niềm đam mê cháy bỏng của mình, anh vẫn dành thời gian cho sáng tác, thường xuyên tham gia các cuộc triển lãm tranh, các trại sáng tác do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Dịp kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/1999) anh cùng các họa sĩ Giang Khích và Minh Hảo tổ chức trưng bày triển lãm tranh tại Hà Nội, thu hút đông đảo những người yêu nghệ thuật thủ đô...

Nói về ý tưởng xây dựng nên tác phẩm “Hàm Rồng 1972”, họa sĩ Mai Xuân Chung hứng khởi nói: “Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác mỹ thuật đề tài “Non nước Xứ Thanh” do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa phát động tổ chức trưng bày, tôi đã dồn hết tâm huyết và tình cảm vào tác phẩm “Hàm Rồng 1972”, lấy bối cảnh tháng 10 năm 1972 đế quốc Mỹ tiến hành ném bom, đánh phá miền Bắc và cây cầu Hàm Rồng là mục tiêu hòng ngăn chặn con đường từ miền Bắc chi viện tiền tuyến miền Nam”.

Mặc dù chưa một lần gặp mặt họa sĩ Mai Xuân Chung, chỉ là trao đổi qua điện thoại, nhưng tôi cảm nhận được sự hào sảng, dễ gần của anh và càng trân quý hơn khi xem “Hàm Rồng 1972”, bởi họa sĩ Mai Xuân Chung đã dành một tình cảm rất đặc biệt đối với quê hương Thanh Hóa.

Hà Hiếu


Hà Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]