(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm ở vùng đất được cấu tạo bởi phù sa cổ hình thành trên lớp trầm tích sông suối bồi tụ, xung quanh bao phủ bởi đồi núi, đó là núi “Kim Đồng - Ngọc Nữ” nổi tiếng trong lịch sử (nay thuộc xã Đông Vinh, TP Thanh Hóa), và dãy Đa Sỹ, Nấp, Hoàng Nghiêu... làng Đa Sỹ trải qua thời gian vẫn mang đậm nét văn hóa của làng cổ Việt Nam.

Lặng lẽ Đa Sỹ

Nằm ở vùng đất được cấu tạo bởi phù sa cổ hình thành trên lớp trầm tích sông suối bồi tụ, xung quanh bao phủ bởi đồi núi, đó là núi “Kim Đồng - Ngọc Nữ” nổi tiếng trong lịch sử (nay thuộc xã Đông Vinh, TP Thanh Hóa), và dãy Đa Sỹ, Nấp, Hoàng Nghiêu... làng Đa Sỹ trải qua thời gian vẫn mang đậm nét văn hóa của làng cổ Việt Nam.

Lặng lẽ Đa SỹNghè Đa Sỹ, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Ngoài di tích khảo cổ học gốm cổ Tam Thọ, là di tích gốm cổ nhất Đông Dương, có niên đại sớm nhất trong giai đoạn thế kỷ 10 đầu công nguyên; được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa khảo cổ học cấp tỉnh năm 2004, trên đất xã Đông Vinh xưa còn có di tích nghè Đa Sỹ (thôn Đa Sỹ), nghè thờ Sáo Đại Vương (thôn Văn Khê), nghè thờ Cao Sơn Đại Vương thượng đẳng thần và chùa Chàng (thôn Tam Thọ); nghè thờ Thiên Lôi Đại Vương (thôn Văn Vật)... Song đến nay tất cả chỉ còn được nhắc đến trong các tài liệu, chỉ duy nhất còn lại là nghè Đa Sỹ.

Căn cứ theo Bản tấu của Lý trưởng thôn Đa Sỹ (bản chữ Hán) hiện nay đang được lưu giữ tại nghè Đa Sỹ cho biết: Nghè thờ hai vị thần Cao Sơn đại vương và Đậu đại vương Lục cung. Hai vị thần này đều đã được triều đình ban mỹ tự: “Đại vương thượng đẳng tôn thần”.

Riêng thần Cao Sơn đại vương có rất nhiều tư liệu ghi chép. Sách Thanh Hóa chư thần lục, có ghi: Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 411 nơi thờ vị thần Cao Sơn đại vương trong đó có làng Đa Sỹ, xã Đông Vinh thờ. Từ điển di tích văn hóa Việt Nam chép về hành trạng của vị thần họ Cao, tên Hiển, tự là Văn Trường người Bảo Sơn, quận Quảng Nam, nước Đại Minh, đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Thừa tướng đời nhà Tống (Trung Quốc). Khi 90 tuổi, ông cáo lỗi xin về nhưng vua không cho, sai sang trấn nước Nam. Nhậm chức ở trấn Nghệ An, thấy thế đất tốt ở núi Đại Liễu, ông bèn lập hành cung. Trong những năm làm sứ thần ở An Nam, Cao Hiển hiểu rõ nổi thống khổ của dân An Nam khi gặp nạn sâu keo tàn phá, mùa màng thất bát. Vì thế ông một mặt xin vua nhà Tống giảm bớt các khoản triều cống, mặt khác giúp dân An Nam cách diệt trừ sâu keo, thú dữ, dạy cách phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế. Nhờ đó, dần dần cuộc sống của Nhân dân được ổn định hơn. Sau khi ông mất, vua Tống phong ông làm “An Nam quốc vương” và giao cho Nhân dân An Nam dựng đền thờ và phong làm phúc thần, trong đó có làng Đa Sỹ.

Về sau vua Lê Thái tổ bình xong giặc Minh đi qua đây, bỗng nhiên nổi gió mưa sấm sét, cây lớn đổ ngang đường, chặn đường đi và thần linh nhập vào vị trưởng lão Trần Công Phúc ứng khẩu nói: “Ta là Cao Sơn Hiển ứng đại vương người Bắc quốc vâng mệnh sang đây cai quản, được thượng đế phong làm Nam quốc thượng đẳng phúc thần, nay thấy vua đi đánh giặc xin theo trợ chiến”. Vua bèn sai dân trang viết chữ lên cây gỗ đem thờ. Đến thời Lê trung hưng, nhiều đời vua đã đến đây hành lễ, cầu được thắng trận. Sau những chiến thắng, bản trang đều được thưởng quan tiền, ban sắc và phong mỹ tự.

Trong cuốn “Tên làng xã Thanh Hóa” (tập II) và cuốn “Địa chí huyện Đông Sơn” cũng có ghi chép về sự tồn tại của Cao Sơn đại vương ở thôn Đa Sỹ, trong đó có sắc phong do vua Cảnh Thịnh và Gia Long ban. Tất cả đều khẳng định, thần Cao Sơn có vị trí, sức ảnh hưởng quan trọng đến đời sống tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng làng xã. Đây là vị thần chở che, bảo hộ cho đời sống của Nhân dân trong làng được bình yên, hạnh phúc, là nơi gửi gắm niềm tin, gắn bó với lịch sử hình thành và phát triển kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng lâu dài của địa phương. Hiện nay, sắc phong của đền đã bị thất lạc, tuy nhiên Nhân dân vẫn còn giữ được bản ghi chép lại bằng chữ Hán.

Qua lời kể của các cụ cao niên trong làng cho biết: Nghè Đa Sỹ trước đây gồm có 5 gian Tiền đường, 5 gian Trung đường, 3 gian Hậu cung, Cổng Nghi môn 2 tầng mái được xây kiên cố bằng bê tông cốt thép. Năm 1964, do hoàn cảnh xã hội, toàn bộ công trình này đã bị phá hủy chỉ còn lại 3 gian Hậu cung xây cuốn vòm và một số hiện vật cũ.

Lặng lẽ Đa SỹNgười dân thôn Đa Sỹ họp bàn về việc chỉnh trang nghè để chào đón năm mới.

Nghè Đa Sỹ nằm quay mặt về hướng Đông Nam, lưng tựa vào núi Đa Sỹ ngay trung tâm của làng, mặt trước đền là một cánh đồng lúa bao la rộng lớn. Nghi môn nghè như được phủ lớp bụi mờ của thời gian. 3 cửa cuốn vòm, hai tầng mái uốn cong, nhẹ nhàng mà trầm mặc được xây dựng năm 1946. Nghè không rộng nhưng được bố trí hài hòa từ nhà tiền đường đến trung đường và hậu cung. Đặc biệt, gian trung đường dù được tôn tạo lại năm 1990, xây bằng bê tông cốt thép, song kiến trúc cuốn vòm thời Nguyễn có trang trí vân mây từ tầng mái, tạo cảm giác thân thiện, gần gũi. Nhà trung đường ngoài ban thờ Hội đồng, là hai gian tả, hữu thờ Tả Cung phi, Hữu Cung phi (đây là hai nàng hầu của thần Đậu đại vương Lục cung chàng nương Thiên tôn).

Ngoài bức đại tự khắc 4 chữ: Thánh cung vạn tuế (Đức Thánh muôn tuổi) là đôi câu đối ghi tên hai vị thần được nghè thờ cúng: Cao Sơn linh ứng tôn thượng đẳng thần/ Đại vương văn vũ tối linh thần (Đức thần Cao Sơn linh ứng được tôn là thượng đẳng thần/ Đại vương văn võ được tôn là tối linh thần).

Về nghè Đa Sỹ hôm nay, lắng lòng nhìn lại những năm tháng người dân làng Đa Sỹ đã phải vất vả, dãi gió dầm sương để tôn tạo lại nghè, trong đó có sự đóng góp của thủ từ Nguyễn Thị Quế. Trông coi nghè từ năm 1991, ban đầu chỉ là ngày ngày lên nghè quét dọn, gánh nước, đồ xôi, thắp hương, sau thấy nghè xuống cấp quá, bà đạp xe đến từng nhà ở 2 thôn Đa Sỹ, Đồng Cao vận động mọi người quyên góp để sửa chữa, tôn tạo lại nghè, tuyên truyền để một số gia đình trả lại hiện vật của nghè. Vì thế mà nghè vẫn còn khá nhiều hiện vật quý như: mâm bồng đá, chân tảng đá, bài vị gỗ, bát hương đá, thẻ bài đồng... Cá nhân bà, có thời điểm đã ủng hộ tới 10 triệu đồng để làm mái hiên cho nghè.

Đi vào từng con ngõ cảm giác như thời gian ngừng lại, giữa những ồn ào của đô thị đang phát triển, thì người dân trong thôn vẫn cố gắng giữ nét văn hóa truyền thống. “Xưa kia làng nào cũng có nghè, nhưng đến nay cả xã Đông Vinh này chỉ còn duy nhất làng tôi còn giữ được nghè. Vì thế, ngày lễ hằng tháng, ngày tết, mấy ông bà cao tuổi chúng tôi đều ra đây dọn dẹp, vun xới gốc để cảnh nghè luôn xanh mướt cây cối, để thần linh phù hộ cho dân làng”, ông Trần Văn Hoan, Trưởng thôn Đa Sỹ cho biết

“Nghè hiện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Chúng tôi đã có những biện pháp tình thế trong việc bảo vệ, và có đề nghị lên UBND thành phố về việc trùng tu, tôn tạo đền. Ở trên vùng đất cổ, Đông Vinh hiện có 2 di tích, tuy nhiên cả hai nếu không được bảo vệ, giữ gìn thì rất dễ xuống cấp, thậm chí thành phế tích”, ông Đào Mạnh Nghị, Công chức văn hóa xã khẳng định.

Bài và ảnh: HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]