(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Chuyển đổi mô hình quản lý chợ không những phát huy vai trò của chợ truyền thống mà đồng thời còn tạo công ăn việc làm cho người dân, nâng cao trật tự cảnh quan đô thị, văn minh thương mại...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả trong chuyển đổi mô hình quản lý chợ

(VH&ĐS) Chuyển đổi mô hình quản lý chợ không những phát huy vai trò của chợ truyền thống mà đồng thời còn tạo công ăn việc làm cho người dân, nâng cao trật tự cảnh quan đô thị, văn minh thương mại...

Đến nay, trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đã chuyển đổi được 24/31 chợ sang doanh nghiệp, HTX quản lý, kinh doanh, khai thác, 7 chợ còn lại đang do xã, phường quản lý theo hình thức giao khoán cho các cá nhân quản lý. Đối với các chợ được chuyển đổi đã được đầu tư, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, sắp xếp lại và cơ bản hoạt động ổn định, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu mua sắm, phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân và thúc đẩy quá trình sản xuất phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập đó là 1 số chợ sau khi được chuyển đổi đã không phát huy tác dụng như chợ Phú Thọ (phường Phú Sơn). Chợ này đã được bàn giao lại cho Công ty TNHH Huy Hoàng quản lý, khai thác từ năm 2010. Dù chợ đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, nhưng vẫn không được các tiểu thương quan tâm, trái lại đến hơn 2/3 số tiểu thương đã bỏ chợ Phú Thọ để đi ra chợ cóc kinh doanh, buôn bán. Đây là một sự thật đáng buồn đã diễn ra nhiều năm nay ở chợ này. Không như chợ Phú Thọ, chợ Đông Thọ (phường Đông Thọ) sau khi chuyển đổi mô hình quản lý thì vẫn coi nhẹ việc đầu tư do đó cơ sở hạ tầng của chợ tương đối kém, chợ đã xuống cấp và ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường... Theo bà Nguyễn Thị Tâm - Chủ tịch phường Đông Thọ thì dù chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở Ban quản lý chợ và dù đã có những chuyển biến nhưng chưa mạnh. Bà Tâm cho biết: “Phường không có thẩm quyền nên không thể chỉ đạo được chợ. Phường chỉ có thể yêu cầu đảm bảo về vấn đề vệ sinh môi trường, trật tự đô thị nhưng sự hợp tác của Ban quản lý với chính quyền chưa tốt...”.

Trong khi 1 số chợ chuyển đổi mô hình quản lý hoạt động còn kém hiệu quả thì một số xã, phường vẫn đang ở trong tình trạng chưa có chợ mà chỉ mới dừng ở chợ cóc, chợ tạm. Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố còn hơn 40 điểm chợ tạm, chợ cóc. Câu chuyện về chợ ở phường Quảng Thành là một ví dụ. Trên địa bàn phường này dù có 3 chợ nhưng vẫn chỉ là chợ cóc, chợ tạm. Chợ tạm thì cũng đã có thành lập Ban quản lý, đã có nâng cấp, cải tạo còn chợ cóc thì như chia sẻ của Chủ tịch phường Quảng Thành - Nguyễn Thế Long “có dẹp nhưng vẫn không lại”. Sắp tới đây, phường này cũng xin đầu tư một chợ trung tâm mang tên chợ Quảng Thành với tổng diện tích từ 800 - 1.000 m2 và như vậy sẽ giải tỏa được các chợ cóc, chợ tạm để tập trung về một đầu mối vừa tạo công ăn việc làm cho người dân vừa tránh được ùn tắc giao thông.

Chuyển đổi mô hình quản lý chợ để phát triển hài hòa, đảm bảo duy trì hoạt động thương mại cả truyền thống và các hoạt động mới. Tuy nhiên, một số chợ khi chuyển đổi vẫn gặp khó khăn do chưa được sự đồng thuận của một số tiểu thương kinh doanh trong chợ, một số chợ do thiếu vốn đầu tư cải tạo, sửa chữa nên chưa thu hút được tiểu thương vào kinh doanh... Hiện thành phố Thanh Hóa đang tiếp tục triển khai kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo Quyết định số 4508 ngày 28/12/2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời tiếp tục kêu gọi thu hút các doanh nghiệp tham gia đấu thầu chuyển đổi mô hình quản lý chợ và đầu tư xây dựng chợ mới theo quy hoạch đồng thời phối hợp với các cấp, ban ngành khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng.

Trong năm 2017 này, thành phố sẽ dự kiến hoàn thành chuyển đổi được 5 chợ.

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]