Một thời cầu đò Trạp
Vắt ngang dòng sông Trạp lầm lì, cây cầu ván ghép cổ xưa giờ không còn nữa. Và bóng dáng con đò cũng chỉ còn trong ký ức. Nhưng nỗi buồn thương của mẹ thì vẫn vẹn nguyên như mới ngày nào.
Cầu Trạp mới vững chãi nối đôi bờ sông, nhưng ký ức về chiếc cầu cũ, câu chuyện cũ vẫn không quên với nhiều người.
Mẹ tôi người làng Trúc Đại, xã Tượng Văn, ngôi làng nhỏ nằm lọt thỏm giữa ba bề là ruộng và núi Sắm, mặt trước của làng là con đê dài chắn nước dâng từ con sông Trạp tràn vào làng. Từ làng Tượng đi lên trung tâm huyện Nông Cống khoảng 30 cây số, theo con đường liên xã, đất lúc nào cũng ngầu đỏ và đặc quánh sau mưa, hai bên đường chỉ toàn đồng ruộng, nhà cửa thưa thớt chứ không đông đúc như bây giờ. Bởi thế nên ngày ấy, người làng Tượng vẫn đi đò sang bên kia sông, chỉ cần chèo nhanh tay khoảng vài chục nhịp chèo là con đò ngang cập bến làng Sơn Hạ - thuộc vùng đất của xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn). Cập bến đã gặp làng gặp người, đi thêm độ cây số nữa là gặp chợ. Vì thế, người làng Trúc Đại cứ ngày mấy bận mải miết qua đò sang đất Tĩnh Gia làm ăn và trao đổi, bán, buôn.
Ông bà ngoại tôi cũng nhiều lần đi trên con đò ấy, để che mắt mật thám, ông tôi trong vai chèo đò đưa bà đi chợ, nhưng thực ra là ông chở lương thực thực phẩm và phương tiện ủng hộ kháng chiến từ làng Trúc Đại sang đất Thanh Sơn rồi nhập vào đoàn dân công ra trận. Thóc gạo, dầu đèn, mắm muối, vừng lạc, xe đạp... cái gì có là ủng hộ, cái gì mặt trận cần là ủng hộ. Cũng từ những chuyến đò ấy mà ông ngoại biết bên kia sông có những ngôi trường. Mẹ tôi lớn lên được ông cho đi học. Ngày ngày, ông chèo đò đưa mẹ qua sông. Xuống bến, nếu có công chuyện thì ông đi cùng mẹ, còn không thì một mình mẹ đi bộ tới trường, còn ông quay lại, hết giờ lại chèo qua đón con về. Bởi vậy nên ở cái vùng chót cuối của đất Nông Cống nghèo xác xơ nhưng mẹ tôi được ăn học tử tế đến hết cấp 2, sau đó tiếp tục thi vào trường 10+2 (tương đương hệ trung cấp sư phạm). Những năm giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, trên sông Trạp, dù đã có một cây cầu bằng ván và tre, gỗ ghép lại nhưng do bom đạn nên bao lần ghép lại đứt, và phương tiện chủ yếu vẫn là đi đò qua sông. (Cái tên ghép “cầu đò Trạp” bắt nguồn từ đó). Rồi bố mẹ tôi bén duyên nhau, dòng sông Trạp đã từng chứng kiến đám đưa rước dâu chỉ độ mươi người, ông bà ngoại tôi nước mắt rưng rưng tiễn con về nhà chồng trong nỗi băn khoăn vì bố tôi mồ côi cha từ khi 3 tuổi, gia cảnh lại quá nghèo.
Sau này tôi nghe cậu út kể lại rằng, ông nhớ con và thương cháu ngoại nên cứ cách ngày lại chèo thuyền sang thăm cháu. Có những bận vừa chèo ra giữa dòng thì máy bay địch xuất hiện. Ông tôi nhảy bùm xuống sông, kéo thuyền núp dưới những đám năn lác và lau sậy. Máy bay bay khuất lại lên thuyền chèo tiếp. Có những bận chúng “thả” đạn lạc thủng thuyền, ông vơ đám cỏ năn nút lại rồi vừa bơi vừa giong thuyền sang sông. Cứ như thế, cầu bị đánh đứt lại nối, không có cầu thì đi thuyền, dưới là sông nước, trên đầu là máy bay, nhưng không ngăn nổi sự sống và sợi dây yêu thương mãnh liệt nơi này.
Ông bà ngoại tôi có 6 người con. Vì cậu đầu bị bệnh tim từ nhỏ nên khi khám sức khỏe không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, cậu thứ ba và cậu út còn bé, mỗi cậu thứ hai đủ tiêu chuẩn cả về sức khỏe và độ tuổi. Đầu năm 1968, trước ngày đi, cậu tôi sang chào anh chị để chuẩn bị vào chiến trường. Cậu cứ rúc mãi vào nách thằng cháu mà thơm rồi bảo mai kia cậu về là mày lớn rồi, cậu sẽ mua cho mày một cái đài.
Thế mà cậu đi, đi mãi. Cuối năm ấy, ông bà ngoại tôi lần lượt qua đời, mẹ tôi 25 tuổi, bụng mang bầu đứa thứ hai, tay bế con đầu chưa đầy hai tuổi, đứng bên bờ sông nước mắt lưng tròng. Cầu thì gập ghềnh đứt gãy, đò thì chòng chành sông nước đạn bom nên chẳng thể qua. “Chiều chiều ra đứng bờ sông/ Muốn về quê mẹ mà không có đò” - sau này cứ mỗi lần cất lên mấy lời da diết ru con, tôi lại hình dung ra cảnh mẹ mình những ngày xa xưa ấy.
Ông bà ngoại tôi mất hai năm sau thì cậu tôi cũng hy sinh trong một lần đi trinh sát tại khu vực dốc Đòn Gánh (thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Vậy là lời hứa với cháu mãi mãi không thực hiện. Chiến tranh kết thúc, cây cầu được ghép lại vững vàng hơn nhưng cũng chỉ bằng những mảnh ván và thân tre, gỗ. Dòng sông Trạp là một nhánh của sông Yên đổ ra biển nên nước vừa có vị mặn của nước biển vừa có vị chua của đất phèn, gỗ ván cứ một thời gian lại hỏng phải thay lỗ chỗ. Đất ruộng làng Trúc Đại cũng bị nhiễm chua mặn, mùa mất liên miên, tuy nhiên, được giống lúa nào hợp đất là cho hạt gạo rất ngon. Cứ sau vụ gặt, cậu tôi lại bớt ít thóc đầu vụ sang cho các cháu. Cũng gạo ấy nhưng tôi vẫn thích ăn cơm ở nhà cậu hơn, cái vị ngọt ngon bùi thơm chắt chiu từ mảnh đất khó nhọc và sự chiều chuộng của các dì, các cậu khiến miếng cơm ngon đến không tả nổi. Vì thế, anh em tôi rất thích được bố mẹ cho về quê ngoại. Cách chẳng bao xa mà đi qua cây cầu lâu quá là lâu, tim cứ chực nhảy ra khỏi lồng ngực. Bắt đầu đặt chân xuống miếng ghép đầu tiên là tay nắm chặt tay mẹ, giá kể mắt không phải nhìn xuống thì đỡ sợ, nhưng nếu không nhìn thì thể nào cũng có lúc bước hụt vào chỗ ván hở, vậy nên mắt cứ chăm chắm nhìn xuống chân. Sau này tôi nghĩ ra cách đếm nhịp cầu để quên đi cảm giác khác, tôi đếm một hai ba bốn... đến miếng vỡ thì băn khoăn không biết phải đếm thế nào, đếm đến hết cả số được học ở trường thì bấm vào một ngón tay, lại đếm lại từ đầu, hết ngón tay của mình thì mượn ngón tay của mẹ...
Cây cầu dài hơn cả tuổi thơ tôi bởi tôi chưa bao giờ đi hết nó, thường được vài đoạn lại bắt bố mẹ bế hoặc cõng trên lưng dù không còn là học sinh lớp vỡ lòng, cho đến khi lớn lên đi học xa nhà, về thăm quê ngoại thì cầu mới đã xây lên, nhà cửa đã san sát hơn, chợ đã có và đường cũng bớt đi “ổ trâu, ổ bò”, đôi chỗ đã có đá dăm đổ chống trơn những ngày mưa. Những ngày không có tiết dạy, mẹ tôi lại quẩy đôi thùng giá đỗ sang chợ quê mình bán. Mẹ đi bộ từ nhà đến cầu thì gà gáy sáng, mặt trời cũng bắt đầu ló rạng ở chân mây xa xa. Sang đất bên này là đất quê mẹ, đi trên đường, vào chợ toàn gặp người nhà, mỗi người một mớ vừa bán vừa thêm thắt tươi tỉnh nên chỉ độ mười giờ sáng là đã bán xong. Thường mẹ về nhà luôn, nhưng cũng đôi khi mẹ mua mấy phần quà, ghé vào nhà cậu chia cho các cháu...
Ngót nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày ông bà ngoại qua đời và ngày cậu hy sinh, tôi đi vào Quảng Nam tìm mộ cậu mà chưa tìm được. Ở vùng Quế Sơn này, mỗi xã có một nghĩa trang liệt sĩ, mỗi nghĩa trang liệt sĩ tầm độ 500 đến 700 ngôi mộ, chỉ có một số có tên, quê quán (đầy đủ hoặc chưa đầy đủ), còn phần lớn là mộ chưa rõ tên. Nơi cậu hy sinh giờ đường đã xẻ núi trải nhựa, keo tràm đã phủ xanh đồi trọc. Nhưng người xưa thì không còn gặp nữa. Tôi đứng giữa miên man núi đồi đồng ruộng nghĩa trang, kể cho cậu nghe câu chuyện về mẹ, về quê ngoại, về cây cầu Trạp đã xây vững chãi... với hy vọng ở đâu đây cậu nhận ra tôi, đứa cháu mà cậu chưa từng biết mặt. Và tôi cũng thầm nói với cậu rằng: “Giờ nếu tìm thấy mộ cậu, cháu sẽ đưa cậu về quê qua cầu Trạp mới, vì cây cầu gỗ, ván ghép ngày xưa và những con đò... giờ không còn nữa”.
Bài và ảnh: Việt Hải (CTV)
- 2024-09-08 15:15:00
“Vượt nắng, thắng mưa, say sưa cống hiến”
- 2024-09-08 14:28:00
Logo truyền thông kỷ niệm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam là biểu tượng hoa sen
- 2024-07-27 07:00:00
Bản tin Tài chính 27/7: Vàng miếng SJC đồng giá 79,5 triệu đồng/lượng
Những người “giữ sóng” cho truyền thanh cơ sở
Cảnh giác chiêu trò lừa đảo “xem video kiếm tiền”
Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Ấm lòng gia đình chính sách, người có công với cách mạng
“Hoa” của núi
Tháng 7 nghĩa tình: “Nước mắt mẹ không còn...”
Bản tin Tài chính ngày 26/7: Giá vàng “lao dốc” giảm mạnh
Nữ chánh án vùng cao hết lòng vì công việc
Sinh hoạt hè: Đừng chỉ là hình thức!