Mưa đã ngừng và trời đang sáng dần lên
Những ngày qua, hầu hết các tỉnh thành khu vực phía Bắc bị thiệt hại rất nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) và mưa lũ. Nước mắt đã rơi, thiệt hại về vật chất là rất lớn, song thiệt hại về người không thể lấy gì để đong đếm nổi. Làng Nủ (huyện Bảo Yên); làng Nậm Tông (huyện Bắc Hà), tỉnh Lào Cai... đã bị cuốn trôi, nhiều ngôi làng khác chìm trong nước. Trong khi thượng nguồn các sông hứng chịu lũ quét, sạt lở thì ở nơi hạ nguồn là nỗi lo vỡ đập, ngập lụt lan rộng.
Minh họa: NGỌC HÀ
Trong đau thương, mất mát ấy, chúng ta đã thấy được sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc ta lớn đến nhường nào. Gần 700 nghìn người và gần 9 nghìn phương tiện được huy động để ứng phó với bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét. Các lực lượng dân quân, quân đội, công an... đã sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm, tổ chức tìm kiếm người mất tích và hỗ trợ xây dựng lại nhà cửa đồng thời đưa hàng cứu trợ đến tay người dân. Hình ảnh từng đoàn xe cứu trợ của các tỉnh, thành miền Bắc, hay thậm chí từ những tỉnh miền Trung, miền Nam, mang theo lương thực, quần áo, thuốc men, đồng lòng quyên góp, công sức, tiếp bước nhau tiến ra miền Bắc, nơi mà những người dân đang ngày đêm vật lộn với khó khăn. Người góp tiền, góp quần áo cũ, người gói bánh, người nấu cơm hộp, mua thuốc chữa bệnh, mì ăn liền, áo mưa, mua cả thuyền cứu nạn và hơn cả là những đồng tiền nghĩa tình cùng giúp nhau gượng dậy sau mưa lũ. Thiên tai luôn là thử thách khắc nghiệt, nhưng cũng chính trong những thời khắc như thế này, dòng máu Lạc Hồng chảy trong con người Việt Nam ta lại càng dâng trào mạnh mẽ.
Tính đến 17 giờ ngày 22/9/2024, Ban Vận động cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận 1.656 tỷ đồng. Số tiền đó có thể là quá nhỏ so với những mất mát của đồng bào. Song trái tim chạm tới trái tim, tinh thần đoàn kết, tình cảm thương người như thể thương thân... ấy đã làm vơi đi một phần những thiệt hại, nỗi đau để mỗi một người, mỗi gia đình, mỗi vùng đất có thể vươn dậy, hồi sinh và phát triển.
Riêng ở Thanh Hóa, những ngày vừa qua, mưa lớn khiến lũ các sông Mã, Chu, Cầu Chày, Bưởi... lên cao, gây ngập lụt nhiều khu vực. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 24/9, mưa lũ đã làm hư hỏng gần 170 ngôi nhà, các huyện, thành phố đã sơ tán gần 2.900 hộ với hơn 11.700 nhân khẩu đến các vị trí an toàn. Khoảng 60.000 mét khối đất đá sạt lở từ taluy dương tại 183 điểm gây ách tắc, chia cắt các quốc lộ; các tuyến tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã... cũng bị sạt lở.
Mùa mưa bão còn chưa kết thúc. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 4 - 6 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, trong đó có 2 - 3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, trọng tâm là khu vực Trung Bộ.
Sau cơn mưa, trời lại sáng, đó là lẽ thuận tự nhiên. Con người cũng vậy, dù đớn đau mấy thì cũng phải gạt nước mắt để tồn tại và để sống. Việc tái thiết cuộc sống là điều cần nhất lúc này, chỉ cần có sự ổn định về tâm lý, về vật chất thì con người sẽ có động lực để bắt đầu lại bởi “Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền - Đào núi và lấp biển - Quyết chí ắt làm nên”.
BẢO ANH
- 2024-10-04 06:44:00
Những câu văn không còn hồn nhiên, trong trẻo
- 2024-09-29 14:19:00
Từ “bão miệng” đến “bão lòng”...
- 2024-09-20 11:06:00
Khi lòng tốt bị... xếp hạng