Mùa vàng ở bản Son
Qua con dốc cao, bản Son hiện ra với những nét đẹp riêng có. Đây là nơi tụ cư của hơn 446 nhân khẩu/101 hộ dân, bản có số dân đông nhất trên khu Cao Sơn (gồm 3 bản Son - Bá - Mười) của xã Lũng Cao (Bá Thước).
Có lẽ chẳng thời điểm nào trong năm vùng Cao Sơn đẹp như lúc này. Dù không còn những ruộng lúa vàng, những bông hoa dã quỳ dọc các tuyến đường đi của bản cũng đẹp đến nao lòng. Đến đây, du khách được khoác lên người những chiếc áo dày hơn, được choàng những chiếc khăn sặc sỡ sắc màu, ngắm nhìn mây vờn quanh nóc nhà sàn lưng chừng núi. Chính cái co ro thời điểm đầu đông này càng khiến con người ta gần nhau ấm áp hơn, những chén rượu đưa đẩy làm quen thân mật hơn.
“Ở đây mùa nào chả là mùa vàng. Mùa của lúa chín, mùa của những bông cải vàng ruộm và mùa của cam. Nhưng mùa cam là bà con thích nhất vì cho thu hoạch lớn nhất trong năm, bà con có đồng ra đồng vào để mua sắm vật dụng hằng ngày”, anh Ngân Văn Thuất khoe với chúng tôi.
Cung đường lên bản Son khá đẹp nhưng rất nguy hiểm, phải những tay lái “lụa” mới dám đi.
Chẳng lâu lắm đâu, chừng hơn 2 năm nay, bản Son mới có điện. Trước đó, dăm bảy năm, để mở đường cho bà con đi lại, dãy núi hai bên đường phải xẻ ra. Ấy vậy mà đến nay, những chiếc xe bán tải vèo vèo lên vùng Cao Sơn này để mua bán hàng hóa.
“Trước đây, người dân gần như không bán mua gì, tất cả tự túc. Rau có ngoài vườn, gà, ngô, trâu bò, nuôi trồng trên đồi. Thế mà người dân cũng bằng lòng, vì không có điện, không hàng quán, không sóng điện thoại...”, trưởng bản Ngân Văn Đức nói với chúng tôi.
Anh Ngân Văn Tuất, người đầu tiên trồng cam diện tích lớn ở bản Son (xã Lũng Cao).
Cụm từ “trước đây” trở nên gần vô cùng, như mới vừa chớp mắt, nhưng mọi thứ đã thay đổi, đặc biệt từ khi mọi nhà trong bản đồng loạt trồng cam. Anh Ngân Văn Thuất, sinh năm 1984, hiện là Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Son, chính là người đầu tiên sang Cao Phong (Hòa Bình) để mua giống cây cam về trồng. Đó là năm 2013, nghiên cứu khí hậu và thổ nhưỡng của bản rất gần với đất Cao Phong, anh quyết định gom góp và vay ngân hàng 5 triệu đồng, hai vợ chồng bắt xe sang Hòa Bình mua được 230 gốc cam với giá 22.000 đồng/ gốc. Mua được giống rồi, về bản lại không tìm được vị trí trồng thuận lợi, anh đành lên đồi. “Từ nhà lên đồi khoảng hơn 1km, ngày ngày hai vợ chồng xách gùi lên làm đất để trồng cam. Vất vả nhưng vui lắm. Vợ chồng không phải ngồi rỗi và uống rượu”, anh Ngân Văn Thuất chia sẻ.
Sau 4 năm, cây cam cho thu hoạch, hai vợ chồng anh Thuất giật mình với thành quả. “Ở đây trồng ngô chủ yếu cho lợn, cho gà; trồng rau thì phải chờ đến phiên chợ Phố Đoàn mới chở xuống bán. Nếu đúng đợt mưa rét triền miên không đi được thì rau hỏng hết. Nhưng trồng cam, có thương lái từ bên Hòa Bình vào tận vườn, tận đồi để thu mua”, anh Thuất nói.
Thấy lợi nhuận cao, năm 2018 anh tiếp tục trồng thêm gần 500 gốc, và cách đây mấy hôm, anh lại trồng 50 gốc. Anh Thuất cho biết: Chỉ riêng 230 gốc cam canh trồng ban đầu, gia đình anh hiện nay đã có thu nhập ổn định từ 70-80 triệu đồng/năm. Đi theo anh Thuất lên đồi, chúng tôi được nhìn thấy những giàn su su, bạt ngàn gốc sắn, cây ngô. Tôi thắc mắc, ngô rẻ thế, sao anh không bỏ đi, trồng thêm su su bán ngọn mỗi năm cũng cho thu nhập 30-40 triệu đồng cơ mà?
Nhờ cách dùng ngô ủ để bón cho cây mà vườn cam nhà anh Thuất rất nhiều quả.
Anh Thuất giải thích: "Đợt vừa rồi, tôi định bỏ hết ngô đi, nhưng rồi lại được chính những người Cao Phong (Hòa Bình) hướng dẫn cách nghiền và ủ ngô để bón cho cây. Không chỉ giúp cây sinh trưởng tốt, dùng cách này quả cam còn lên màu vàng rất đẹp".
Sau khi thu hoạch cam, bà Hà Thị Nơi tiến hành phân loại để đưa xuống chợ bán.
Tận mắt thấy “mùa vàng” bội thu, gần 80% hộ gia đình ở bản Son đã trồng cam. Trong số 30 hộ trồng trên 200 gốc cam phải kể đến các hộ: Hà Văn Cường, Vi Văn Huynh, Ngân Thị Luật, Hà Thị Nơi...
Không chỉ trồng cây cam, trên bản Son, nhiều hộ gia đình còn trồng quýt, cam lòng vàng.
“Cam, quýt của bản không chỉ đạt tiêu chí sạch mà quả rất mọng, ngọt. Chính vì thế, đến mùa thương lái từ Hòa Bình sang đây mua rất nhiều. Năm nay, thời tiết không thuận lợi, sản lượng cam không nhiều nhưng bù lại quả lại to hơn, mọng nước hơn”, chị Ngân Thị Luật, chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Son, cho biết.
Những quả cam canh ở bản Son luôn mọng nước và to tròn.
Nhờ có những vườn cam ngọt, đến nay tỉ lệ hộ nghèo của bản đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 30% hộ nghèo. “Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục vận động bà con ở Cao Sơn mở rộng diện tích trồng cam, áp dụng các kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng”, ông Hà Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cao khẳng định.
KIỀU HUYỀN
- 2024-10-10 07:00:00
Bản tin Tài chính ngày 10/10: Giá vàng giảm nhẹ
- 2024-10-10 06:30:00
Dự báo thời tiết ngày 10/10: Thanh Hóa trời dịu mát
- 2023-12-05 14:56:00
Ngày Tình nguyện viên Quốc tế - 38 năm ra đời và trưởng thành
Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn
Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm lợi thế
Thực tập phương án chữa cháy và CNCH tại các khu chung cư Đông Phát và Mai Xuân Dương
Thạch Thành nỗ lực mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế
Trao tặng công trình nước sạch cho trường học huyện Quan Hóa và Mường Lát
Gian nan cô đỡ thôn, bản
Thanh Hóa: Nỗ lực thực hiện Chương trình OCOP 2023
CLB lý luận trẻ - nơi nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng
Cây sắn ở vùng biên Mường Lát