(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nói đến chuyện “gà” trên sân cỏ, người hâm mộ thường nghĩ đến lứa cầu thủ sinh năm Quý Dậu (1993). Tương quan của nghiệp “quần đùi áo số”, tuổi 24 là quãng thời gian “chín” trong sự nghiệp và sự thực thì những cái tên như: Đặng Văn Lâm (Hải Phòng), Quế Ngọc Hải (SLNA), Phạm Hoàng Lâm (Long An), Võ Huy Toàn (SHB. Đà Nẵng), Đỗ Hùng Dũng (Hà Nội FC)… đã và đang giữ vai trò quan trọng ở cả cấp độ câu lạc bộ (CLB) cũng như đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, V.League vẫn còn những “con gà” khác theo nghĩa bóng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Năm Dậu nói chuyện “gà” trên sân cỏ

(VH&ĐS) Nói đến chuyện “gà” trên sân cỏ, người hâm mộ thường nghĩ đến lứa cầu thủ sinh năm Quý Dậu (1993). Tương quan của nghiệp “quần đùi áo số”, tuổi 24 là quãng thời gian “chín” trong sự nghiệp và sự thực thì những cái tên như: Đặng Văn Lâm (Hải Phòng), Quế Ngọc Hải (SLNA), Phạm Hoàng Lâm (Long An), Võ Huy Toàn (SHB. Đà Nẵng), Đỗ Hùng Dũng (Hà Nội FC)… đã và đang giữ vai trò quan trọng ở cả cấp độ câu lạc bộ (CLB) cũng như đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, V.League vẫn còn những “con gà” khác theo nghĩa bóng.

V.League đang cần được phát triển chuyên nghiệp. (ảnh minh họa từ Internet)

“Con gà ảo” Công Phượng

Trong lý lịch, tiền đạo rất được kỳ vọng, trưởng thành từ lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai Nguyễn Công Phượng sinh năm 1995. Nhưng như chúng ta đã biết, cách đây chưa lâu, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã có một phóng sự nhiều kỳ với chủ đề “Đi tìm tuổi thật của Công Phượng”.

Những người thực hiện phóng sự này đã “lục tung” tủ lưu hồ sơ của nhiều cơ quan, tổ chức liên quan đến chân sút người Đô Lương (Nghệ An). Và kết quả thu được khiến người hâm mộ không khỏi sửng sốt: Bên cạnh phần lớn giấy tờ xác nhận Công Phượng sinh năm 1995, còn 1 văn bản khác khẳng định: Phượng sinh năm 1993!

Kết luận của VTV đã châm ngòi cho 1 cuộc “khẩu chiến” dữ dội. Bầu Đức - ông chủ lò đào tạo HAGL JMG lập tức đăng đàn phủ nhận “cáo buộc” nói trên. Ban huấn luyện đội bóng phố Núi cũng bác bỏ thông tin Phương cầm tinh con gà. Trong bối cảnh ấy, “khổ chủ” chọn giải pháp im lặng, không khẳng định hay đính chính điều gì còn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thì hành xử một cách khá cứng nhắc khi chỉ căn cứ vào thông tin trên “giấy khai sinh” để triệu tập Phượng vào các giải đấu tuổi U21 (áp dụng cho cầu thủ sinh từ năm 1995 trở về sau).

Chuyện Công Phượng là “gà thật” (sinh năm 1993) hay “gà ảo” (sinh năm 1995) đến nay vẫn là “câu hỏi không lời đáp”. Nhưng điều đáng nói là “nghi án con gà” này đã nhắc lại một “điểm đen” nhức nhối của xã hội. Đó là sự gian lận trong giấy tờ để thuận lợi cho công tác, học hành, thi cử mà đi cùng với nó là chuyện “sếp A”, “lãnh đạo B” vì muốn kéo dài thời gian “làm quan”, trong thời điểm được phép đính chính những thông tin “vênh” nhau đã vội vã “làm lại” giấy tờ tùy thân để rồi khi đối chiếu với những thông tin khác, người ta không khỏi bật cười trước thực tế: Vị sếp nọ 4 tuổi đã vào Tiểu học hay cùng một nhà mà anh lại ít tuổi hơn em.

Còn sân cỏ cũng không thiếu trường hợp “cầu thủ nhí” tham gia các giải trẻ nhưng “mặt già đanh”, cao lớn không thua kém các anh, các chú. Những câu chuyện tiếu lâm này dĩ nhiên đều gắn với chuyện “khai man” tuổi.

Tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”

Có thời điểm tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy” được xem như “chất xúc tác” đặc biệt giúp V.League phát triển như vũ bão. Đó là khi các doanh nghiệp đua nhau “rẽ ngang” sang sân cỏ, sử dụng quả bóng để quảng bá thương hiệu. Cách làm bóng đá “kiểu doanh nghiệp” đã khiến giá cầu thủ tăng chóng mặt. Nhà nhà, người người đua nhau “ném tiền qua cửa sổ”, giành giật những cầu thủ có chất lượng, rồi ào ạt nhập tịch cầu thủ ngoại mà mục đích duy nhất chỉ là sớm có cho mình một tấm huy chương.

Hiệu ứng “ông bầu tức nhau tiếng gáy” chỉ thịnh hành được vài năm. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu để lại những dư chấn mạnh mẽ, người ta lại lũ lượt “bỏ bóng đá chạy lấy người”. Bấy giờ những quan chức bóng đá mới ngỡ ngàng trước “di sản bóng đá” mà các doanh nghiệp để lại, đó là một nền bóng đá “chộp giật”, đốt cháy giai đoạn, chạy theo thành tích và gần như bỏ trống công tác đào tạo trẻ.

Ở khía cạnh khác, “tâm lý con gà” ở V.League còn gắn với khái niệm “đòn hội đồng” vốn rất phổ biến ở sân chơi cao nhất làng cầu quốc nội. Đại để là chỉ cần một đội bóng dám công khai giấc mơ vô địch hoặc ngấp nghé xuống hạng thì “phần còn lại” sẽ ngầm bắt tay nhau “dìm chết” kẻ thách thức.

Trên phương diện khác, hiện tượng “V.League tức nhau tiếng gáy” còn biểu hiện qua sự kiện CLB HAGL tung lứa cầu thủ tuổi teen vào giải chuyên nghiệp năm 2015. Cho rằng “bị vỗ mặt”, các đội bóng khác với đa số cầu thủ lớn tuổi, đàn anh đã quyết tâm “đá cho bõ ghét”. HAGL dính “đòn hội đồng” khiến bầu Đức bức xúc, đăng đàn tố cáo cả làng “không quân tử”.

Không còn nghi ngờ gì nữa, dẫu là “gà thật” hay “gà” theo nghĩa bóng thì đi liền với chuyện gà trên sân cỏ năm Đinh Dậu là vô số bất cập đã và đang tồn tại ở giải chuyên nghiệp vô địch quốc gia, đòi hỏi VFF, lãnh đạo các CLB nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật và tìm cách khắc phục để trong tương lai không xa, làng bóng nước nhà có thể “gáy vang” trước bạn bè khu vực chứ không mãi cam phận hèn “gà què ăn quẩn cối xay”!

Thanh Hà


 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]