(vhds.baothanhhoa.vn) - Lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh là giống lúa nếp truyền thống với chất lượng gạo thơm ngon, dẻo và giàu chất dinh dưỡng, hiệu quả kinh tế cao. Những năm qua, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) đã tập trung, quy hoạch đất đai, mở rộng vùng gieo trồng, sản xuất lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Nếp hạt cau Lộc Thịnh

Lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh là giống lúa nếp truyền thống với chất lượng gạo thơm ngon, dẻo và giàu chất dinh dưỡng, hiệu quả kinh tế cao. Những năm qua, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) đã tập trung, quy hoạch đất đai, mở rộng vùng gieo trồng, sản xuất lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Nếp hạt cau Lộc ThịnhNăm 2020, sản phẩm lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Chúng tôi tìm về Vĩnh Thịnh, một xã thuần nông của huyện Vĩnh Lộc, cây trồng chủ yếu là lúa nước, người dân nơi đây tự bao đời nay luôn coi trọng hạt lúa. Do nằm lọt thỏm giữa hai ngọn núi nên địa hình ở đây tương đối phức tạp, ruộng đồng xen lẫn đồi núi. Từ xưa, người dân đã trồng những loại lúa vừa phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, chất lượng lại thơm ngon, trong đó không thể không nhắc đến giống lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh trứ danh. Không ai rõ giống lúa nếp hạt cau xuất hiện trên mảnh đất Vĩnh Thịnh tự bao giờ. Chỉ biết rằng, từ lâu, loại gạo này trở thành sản vật quý hiếm, được người dân nơi đây ví như “hạt ngọc của trời”, lưu giữ và duy trì qua nhiều thế hệ. Là món ăn đặc sản gắn liền đời sống bà con trong các dịp lễ, tết...

Nếp hạt cau sau khi chín vỏ hạt có màu cánh gián giống hạt cau khô, hạt gạo tròn, trắng đục, hương thơm đặc trưng, chỉ trồng được vụ mùa. Giống lúa này rất kén đất, có khả năng chống chọi với điều kiện khắc nghiệt như chịu phèn, chua, hạn, sâu bệnh... tương đối tốt. Hơn nữa, chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ít hơn, năng suất, chất lượng cao và góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, bảo đảm an toàn thực phẩm. Thời gian sinh trưởng từ 150 - 155 ngày, cây khi sinh trưởng cao từ 1,5 - 1,7 mét, bông lúa đều, màu nâu, năng suất lúa đạt từ 45 - 50 tạ/ha. Giá bán trung bình từ 30.000 – 35.000 đồng/kg gạo.

Nếp hạt cau Lộc ThịnhHiện giống lúa này đang được huyện Vĩnh Lộc triển khai trồng thí điểm ở một số xã khác trong huyện.

Ông Trịnh Đình Thủy, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Vĩnh Thịnh, cho biết: Trước đây, việc mở rộng diện tích gieo cấy lúa nếp hạt cau còn khó khăn do nguồn giống đã có sự thoái hóa trong nhiều năm trước, khiến cho nguồn gen này đang dần bị mất đi. Từ năm 2017, sau khi giống lúa này được phục tráng thành công, xã đã khuyến khích, hỗ trợ người dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ, tập trung đất đai, đưa vào sản xuất tập trung. HTX cũng đã lựa chọn những hộ còn lưu giữ được giống không bị lai tạp rồi mới tiến hành gieo cấy, tổ chức tham quan, học tập các mô hình về giống lúa để phát triển, mở rộng diện tích, hỗ trợ Nhân dân chuyển giao khoa học – kỹ thuật, phòng, chống sâu bệnh, củng cố hệ thống thủy lợi, chủ động phục vụ tưới tiêu nhằm phát triển và bảo tồn bền vững, nguyên bản giống lúa nếp hạt cau này. Với mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, thơm ngon, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, năm 2018, xã Vĩnh Thịnh đã quy hoạch, xây dựng mô hình trồng lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2020, sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Nếp hạt cau Lộc ThịnhLúa nếp hạt cau Lộc Thịnh chỉ gieo trồng vụ mùa.

Hiện toàn xã Vĩnh Thịnh có gần 250 ha trồng cây lúa nếp hạt cau vụ mùa, sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh. Hằng năm, HTX nông nghiệp và dịch vụ Vĩnh Thịnh ký hợp đồng bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm lúa nếp hạt cau với nhiều công ty, doanh nghiệp, đại lý. Phấn đấu, mỗi năm tiêu thụ từ 650 – 700 tấn, dự kiến những năm tiếp theo mở rộng diện tích liên kết bao tiêu sản phẩm từ 100 - 150 ha.

Ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, thông tin: “Là một trong những địa phương có tiềm năng để gieo trồng giống lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh, đồng thời, nằm trong kế hoạch mở rộng diện tích gieo trồng giống lúa này của huyện, xã đang lên kế hoạch, tập trung dồn điền đổi thửa, phổ biến khoa học - kỹ thuật cho người dân”.

Bà Đặng Thị Bắc, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc cho biết: Thành công từ mô hình sản phẩm lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh tạo ra một dự án mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Thời gian tới, cùng với xã Vĩnh Thịnh, huyện sẽ phối hợp với hai xã Vĩnh An, Minh Tân đưa vào gieo trồng thử nghiệm từ 2 - 5 ha. Để đẩy mạnh và phát triển thương hiệu gạo nếp hạt cau Lộc Thịnh, huyện Vĩnh Lộc đã tập trung phối hợp, chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho giống lúa này nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua sản xuất, chế biến và đóng gói sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hình thức quảng bá sản phẩm, xây dựng các điểm giới thiệu, bán hàng, tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]