Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Hải - cống hiến trọn đời cho nghệ thuật
Năm 2015, nhạc sĩ Hoàng Hải đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND). Ông cũng là một trong ba gương mặt được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (VHNT) năm 2022 với cụm 4 tác phẩm: Kịch múa “Vĩnh biệt hoa anh túc” và các tiết mục múa: “Hò sông Mã”, “Hướng đăng” và “Khúc khải hoàn”. Với 84 năm tuổi đời, hơn 60 năm tuổi nghề, ông là tấm gương để thế hệ sau học tập và noi theo.
Dù không sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật nhưng từ năng khiếu và đam mê có sẵn trong huyết quản, ông đã hội tụ và lan tỏa vẻ đẹp con người, vùng đất quê hương đến mọi miền Tổ quốc thông qua tác phẩm múa và âm nhạc. Ông học Trường Trung cấp Múa Việt Nam, sau đó là Trường Đại học Múa Việt Nam (năm 1968). Ông theo học lớp sáng tác nhạc tại Nhạc viện Hà Nội, tốt nghiệp năm 1998. Ông dành nhiều thời gian
nghiên cứu vốn văn hóa dân gian, tham gia giảng dạy ở Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Thanh Hóa. Năm 2015, ông trở thành người đầu tiên trong ngành Múa của tỉnh Thanh Hóa được phong danh hiệu NSND.
NSND, nhạc sĩ Hoàng Hải từng nói “Với tôi cống hiến cho nghệ thuật chưa bao giờ là đủ”. Đó không chỉ là tâm sự thật lòng của một người yêu và đắm đuối với nghề mà còn là sự khẳng định: còn hơi thở là còn dấn thân, còn hy sinh cho nghệ thuật. Câu nói đó đã dẫn dụ tôi tìm đến nhà ông để thêm một lần hiểu ông cũng như sáng tác của ông.
Đón tôi trong căn nhà ấm cúng, không gian đầy chất nghệ thuật ở đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, còn có vợ ông là nghệ sĩ Uyên Phi (người có giọng ca không tuổi). Sau cái bắt tay tôi ấm áp, thân tình, ông dẫn tôi về phía cây đàn đã gắn bó với ông mấy thập kỷ trên hành trình nghệ thuật. Ông chỉ cho tôi từng bức ảnh, gắn với các cuộc liên hoan, hội diễn.
Ông nói với tôi vì sao lại hướng tác phẩm đến văn hóa dân gian: “Khi đi học tại Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam), tôi tiếp thu quan điểm sáng tác hiện đại của những giảng viên Liên Xô. Và nhớ lời dặn của các thầy: Các anh học các động tác ba lê của nước ngoài, nhưng khi sáng tác, hãy làm nên ngôn ngữ riêng của Việt Nam, của dân tộc các anh, của vùng đất mà các anh đang sinh sống. Như vậy mới tạo ra những cái riêng đặc sắc”.
Tiếp xúc và trò chuyện cả buổi nhưng ông không kể về thành tích, hay huy chương... mà say sưa nói về những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, những lý do, cơ duyên có các tiết mục đó. Ông kể rành rẽ và xúc động: “Tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng yêu ở những chuyến đi dài ngày cùng ăn, cùng ở với Nhân dân. Tuổi thanh xuân tôi đã đi không biết mệt mỏi, đâu đâu cũng là nhà, là căn cứ nằm vùng nghiên cứu các điệu múa truyền thống: Múa bắt Rùa của người Dao; múa trống chiêng, múa xòe, múa đón dâu về bản của người Thái; múa cồng chiêng, múa tung còn, phường Bùa của người Mường; múa cầu mưa của người Mông... Hết miền ngược lại miền xuôi, tôi đi khắp các làng quê để nghiên cứu về hệ thống trò Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, múa hò sông Mã...”.
Cùng biên đạo múa - NSND Trịnh Xuân Định, biên đạo múa Hoàng Hải đã tái hiện hình ảnh nghĩa quân Lam Sơn đại phá quân Minh trong “Khúc khải hoàn” (hay “Xuân Phả khúc khải hoàn”). Đây là 1 trong 4 tác phẩm được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT của NSND Hoàng Hải. Tiết mục múa này đã mượn nhiều động tác của trò Xuân Phả, như động tác đi sát mặt đất, lúc thì kiễng lên rồi lướt đi, động tác tay cầm roi ngựa nhưng được để ngang tai chứ không giơ quá đầu hay động tác giật vai... quen thuộc. Cũng khai thác chất dân gian xứ Thanh chính là tiết mục “Hướng đăng” được nghệ sĩ phát triển từ điệu múa đèn của vùng Đông Anh, Đông Sơn đầy độc đáo ở vùng này.
“Hò sông Mã” cũng là tiết mục được NSND Hoàng Hải và đồng biên đạo múa - NSND Lê Ngọc Cường dàn dựng thành công. Biểu tượng chèo thuyền thể hiện chất lao động sông nước tái hiện trong tác phẩm như cuộc sống thực. Tiết mục múa “Hò sông Mã” theo NSND Hoàng Hải, dường như những điệu hò càng đến khuya càng hay hơn, bởi bấy giờ, công việc của người lái đò cũng thêm phần vất vả, động tác chèo cũng nặng hơn theo điệu hát. Hò Thanh Hóa, với đặc trưng “dô tá dô tà” ông cho biết cũng rất khác với những điệu hò sông Hương, điệu hò Đồng Tháp Mười... Các động tác chèo đò dọc lên thác xuống ghềnh, vừa khỏe khoắn, vừa trữ tình: “Hỡi ai đi ngược ơ về xuôi ơ có về sông Mã ơ với tôi thì về/ Sông Mã bến đợi ờ bến chờ... khi nghe gió thổi khi chờ trăng lên...”. Rồi thì nhạc lời đẩy xô cùng với “huầy dô, huầy dô, huầy dô huầy...”. Ông vừa kể, vừa nhẩm hát theo giai điệu như đang trên sân khấu.
Hòa tấu tác phẩm “Hương đồng gió nội”.
Kể về hoàn cảnh ra đời vở kịch múa “Vũ điệu hoa anh túc”, NSND Hoàng Hải chia sẻ: Hơn 30 năm trước trong một lần cùng đoàn văn công của tỉnh đi biểu diễn phục vụ biên giới tại Quan Hóa (Mường Lát nay), NSND Hoàng Hải trực tiếp chứng kiến một trường hợp người dân tộc Mông lăn lộn trong cơn thèm thuốc phiện. Người vợ hoảng loạn cầu cứu, ông đã cùng đồng nghiệp trực tiếp lao vào, mỗi người một tay, ai nấy đều cố gắng trấn áp người đàn ông đang giãy giụa, cào xé da thịt mình.
Mượn chính những chất liệu múa của người Mông tại bản Pá Hộc, xã Pù Nhi, huyện Quan Hóa (nay là huyện Mường Lát), “Vũ điệu hoa anh túc” đã đoạt Huy chương Vàng trong hội diễn chuyên nghiệp tại Thái Nguyên năm 1997.
Đến nay, gia tài của NSND Hoàng Hải có khoảng 100 tác phẩm múa và gần 200 huy chương tại các kỳ hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc và nghệ thuật quần chúng. Với những thành tích như vậy, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2003).
Ông là người hiếm hoi trong nghề vừa nghiên cứu, vừa sáng tác, vừa giảng dạy. Trong lĩnh vực sáng tác, nhạc sĩ Đồng Tâm - nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh khẳng định: “NSND Hoàng Hải đã có nhiều tác phẩm đóng góp vào thành tích chung của các huyện, ngành, đơn vị lực lượng vũ trang... Có những thời điểm ông chiếm lĩnh hết mọi nơi, mọi ngành về lĩnh vực Múa. Các sáng tác của ông đều nhằm ca ngợi cuộc sống mới, con người mới, cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân hăng say lao động sản xuất, học tập, chiến đấu, thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển”.
Khi ông nghỉ hưu năm 2000, ông lại tiếp tục tham gia giảng dạy bộ môn biên đạo dàn dựng múa trong tác phẩm âm nhạc tại Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa. Trải qua hơn 2 thập kỷ, ông đã dạy và đào tạo nhiều thế hệ học viên tài năng. Những lứa học trò xuất sắc ngày ấy, nay đã trở thành những thầy, cô giáo giỏi và đang tiếp nối công việc biên đạo múa của ông. Họ trân trọng gọi ông là “thầy của những người thầy”, “cánh chim đầu đàn”, “người truyền lửa”. Một đời nghệ sĩ như thế kể cũng đáng lắm chứ!
Là người không chịu ngồi yên, làm việc không ngừng nghỉ, ông còn tham gia giảng dạy tại Nhà Văn hóa thiếu nhi TP Thanh Hóa ngay từ khi mới thành lập. Ngoài ra, ông còn sáng tác, dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật cho các cháu thiếu niên, nhi đồng trong các dịp Tết Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, liên hoan các nhà văn hóa thiếu nhi toàn quốc. Trong đó có những tác phẩm múa đã để lại ấn tượng, như: “Búp măng non”, “Bông hoa nhỏ” và “Cội nguồn”...
Bên cạnh nghề biên đạo múa, ông còn là một nhạc sĩ có nhiều ca khúc được giải thưởng. Đơn cử như các tác phẩm: “Xe thồ Điện Biên”, “Âm vang sông Mã”, “Bản Mường trồng cây nhớ Bác”, “Cô giáo về bản em”, “Em là kỹ sư tâm hồn”, hợp xướng “Hàm Rồng - sông Mã”...
NSND. TS Văn Quang - Thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam trong lời phát biểu tại buổi vinh danh các tác giả đạt Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2022, có nói: “Ở ngành múa Việt Nam có 2 nghệ sĩ đặc biệt là NSND Hoàng Hải - nguyên Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Thanh Hóa, và NSND Vũ Lân - Trưởng Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã cống hiến cả phần xác và phần hồn, đạt được Giải thưởng Nhà nước về VHNT trên cả 2 phương diện âm nhạc và tác phẩm nghệ thuật múa”. Dù đã ở tuổi 84, song NSND Hoàng Hải vẫn tiếp tục cống hiến, bởi ông quan niệm: “Trước hết là thỏa chí đam mê của riêng mình, sau nữa là góp phần phát triển VHNT của quê hương, đất nước”.
Bài và ảnh: THY LAN (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-19 17:17:00
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - người kiến tạo “ngôi trường hạnh phúc ”
-
2024-11-18 14:26:00
Còn sức khỏe, còn hiến máu cứu người
-
2024-10-18 07:47:00
Người phụ nữ “đứng sau” thành công Nam tiến của chúa Nguyễn Hoàng