(vhds.baothanhhoa.vn) - Bà là Nguyễn Thị Ngọc Bảo - chị gái của chúa Tiên Nguyễn Hoàng và là vợ của Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm. Nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ của chị gái Ngọc Bảo mà Nguyễn Hoàng đã “thoát cũi sổ lồng” vào đất phương Nam dựng nên cơ nghiệp.

Người phụ nữ “đứng sau” thành công Nam tiến của chúa Nguyễn Hoàng

Bà là Nguyễn Thị Ngọc Bảo - chị gái của chúa Tiên Nguyễn Hoàng và là vợ của Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm. Nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ của chị gái Ngọc Bảo mà Nguyễn Hoàng đã “thoát cũi sổ lồng” vào đất phương Nam dựng nên cơ nghiệp.

Người phụ nữ “đứng sau” thành công Nam tiến của chúa Nguyễn HoàngẢnh chụp Thủy tổ phả họ Nguyễn ở làng Gia Miêu.

Nguyễn Kim - một cựu thần nhà Lê, người đất Gia Miêu, huyện Tống Sơn (nay thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung) vì bất bình trước sự chiếm ngôi của họ Mạc nên đã khởi nghĩa giúp nhà Lê đánh nhà Mạc, lấy được đất Thanh, Nghệ... Tuy nhiên, nghiệp Trung hưng còn dang dở thì ông bị ám hại (năm 1545), binh quyền từ đây về tay con rể là Trịnh Kiểm.

Nguyễn Kim có ba người con, hai trai, một gái, là: Nguyễn Uông, Nguyễn Thị Ngọc Bảo và Nguyễn Hoàng. Khi nhà Lê thất thế, vì không chịu làm quan với họ Mạc nên quan đại thần Nguyễn Kim đã về quê Gia Miêu, sau đó đưa cả gia đình sang đất Sầm Châu (Ai Lao) lánh nạn, gây dựng binh lực cho nghiệp Trung hưng nhà Lê. Bấy giờ, chỉ có con trai út Nguyễn Hoàng còn quá nhỏ nên được gửi lại cho người cậu ruột là Nguyễn Ư Dĩ nuôi dạy. Còn Nguyễn Uông và Ngọc Bảo đều theo cha.

Vốn là con nhà quan, lại lớn lên trong buổi đất nước loạn lạc, cùng cha bôn tẩu khắp nơi nên dù là nữ nhi, Ngọc Bảo đã sớm hiểu thế sự. Bà thông minh, xinh đẹp, tính cách vừa mềm mỏng lại kiên định nên được Nguyễn Kim hết mực quý mến.

Năm 1539, bấy giờ Nguyễn Kim đã trở về xứ Thanh bắt đầu khởi nghiệp Trung hưng được một thời gian. Thấy Trịnh Kiểm - vị tướng dưới trướng tuy xuất thân nghèo khó nhưng là người có ý chí, bản lĩnh hơn người, vì thế Nguyễn Kim đã gả con gái Ngọc Bảo cho Trịnh Kiểm.

Ban đầu Ngọc Bảo vốn chưa muốn lấy chồng, tuy nhiên Nguyễn Kim đã động viên con gái: “Kiểm có tài làm tướng, cha rất quý mến. Đang lúc chiến tranh, người ta nay sống mai chết là chuyện thường, cha e muốn tiêu diệt được ngụy Mạc, không chỉ một đời là xong, những người như Kiểm nếu không đông con nhiều cháu lấy ai nối chí ông cha cầm gươm ra trận? Ngọc Bảo bằng lòng kết duyên với Trịnh Kiểm, vui vẻ làm vợ thứ. Biết chuyện này, Trịnh Kiểm rất cảm động...” (sách Địa chí huyện Hà Trung).

Sau khi Nguyễn Kim qua đời, binh quyền về tay con rể Trịnh Kiểm. Tuy nhiên, vốn là người mưu lược, thâm sâu, Trịnh Kiểm sợ một ngày các con trai của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng sẽ “đoạt” lại binh quyền từ ông nên hết sức đề phòng.

Sách Việt Nam sử lược, viết: “Ông Nguyễn Kim có hai người con là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng cũng làm tướng lập được nhiều công. Người anh là Nguyễn Uông được phong Lãng Quận công, người em là Nguyễn Hoàng được phong Thái úy Đoan Quận công. Nhưng vì Trịnh Kiểm sợ họ Nguyễn tranh mất quyền mình, bèn kiếm chuyện mà giết Nguyễn Uông đi”.

Còn theo sách Chúa Trịnh (tập 1) của cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ: “... Thâm tâm anh em Hoàng vẫn nghĩ mình tài trí thua kém ai đâu, chẳng qua vì sinh sau đẻ muộn mà nhà Lê cần người lớn tuổi để gánh vác việc Trung hưng nên chức Tiết chế mới về tay Trịnh Kiểm! Gần đây, Uông nhận chức Tả tướng hơi vội vàng, trong khi chưa đủ vây cánh, mà Kiểm lại là tay gian hùng, mới gây nên nỗi đau lòng! Hoàng sợ Kiểm sẽ tìm cách giết nốt mình nên muốn nhân lúc Kiểm đi vắng, phải trốn ngay, nhưng lại không biết trốn đâu cho thoát?”.

Trong sự lo lắng ấy, nghe nói ngoài Bắc có ông Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là người giỏi tiên tri, đoán định nên Nguyễn Hoàng đã sai người thân tín ra hỏi chuyện. Thương cho gia cảnh họ Nguyễn, Nguyễn Bỉnh Khiêm kín kẽ khuyên: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Nghe người nhà kể lại, hiểu ý của bậc cao nhân, lại là người thông minh nên Nguyễn Hoàng biết mọi chuyện không thể vội vàng.

Cũng lại có ý kiến cho rằng, việc Nam tiến là kế sách của người cậu Nguyễn Ư Dĩ - cũng chính là người đã nuôi dưỡng Nguyễn Hoàng từ nhỏ. Tuy nhiên, ban đầu kế sách bất thành. Sau đó, cũng chính Nguyễn Ư Dĩ bày kế cho Nguyễn Hoàng nói với chị gái là Ngọc Bảo xin Thái sư Trịnh Kiểm.

Trước tình cảnh của em trai, dù là vợ Trịnh Kiểm song bà Ngọc Bảo cũng không thể khoanh tay đứng nhìn. Tuy nhiên, vốn hiểu rõ chồng là người đa nghi, thâm sâu, nên bà Ngọc Bảo cũng phải suy tính cẩn trọng.

Sau cái chết của Nguyễn Uông, thấy vợ là Ngọc Bảo đau buồn khôn nguôi, Trịnh Kiểm thường xuyên an ủi vợ. Nhân cơ hội này, bà nói với chồng: “Thân phụ thiếp nếm mật nằm gai... chỉ được có hai con trai để nối dõi. Chẳng biết vì nghiệp chướng từ kiếp nào cha đã bị hãm, con lại bị hại, thiếp chỉ e cái sợi dây oan nghiệt ấy chưa biết đến lúc nào mới dứt được. Thiếp muốn xin cho em nó đi thật xa để tránh mũi tên độc ác... hoặc bọn giặc do thâm thù từ đời phụ thân thiếp, cố tình gây nên tai họa”.

Rồi bà lại xa gần mà nói: “Thiếp còn một nỗi lo nữa là Thái sư tuổi Tý (có tài liệu viết Trịnh Kiểm sinh năm 1504), mà cậu Hoàng tuổi Dậu, xa cách thì hay, gần nhau e bất lợi cả đôi bên... Trộm nghe, xứ Thuận Hóa là chỗ xa xôi nhất, sự giáo hóa của triều đình ít tới, trộm cướp chưa yên, sinh dân còn khổ cực trăm phần. Vậy xin cho Hoàng vào đó trấn thủ để buộc phải gắng sức hết lòng lập công trạng với triều đình, không được lười biếng ỷ lại vào phu quân, thế là công tư đều vẹn toàn”. Nhờ bà Ngọc Bảo lời lẽ thâm tình, cuối cùng Thái sư Trịnh Kiểm cũng đồng ý tâu lên vua Lê để Nguyễn Hoàng “Nam tiến”.

Bấy giờ, có viên quan dưới trướng Trịnh Kiểm, cũng “cảnh báo” ông về việc nếu cho Nguyễn Hoàng vào Nam khác nào “thả hổ về rừng”. Điều này, một người vốn thâm sâu như Thái sư Trịnh Kiểm đâu phải chưa nghĩ đến, có điều một phần vì nể vợ, phần nữa ông cũng biết ở đất Thanh Hóa, các tướng sĩ thân thuộc của Nguyễn Kim vốn đông, khó tránh chuyện sau này họ có thể ủng hộ Nguyễn Hoàng. Vậy nên, việc cho Nguyễn Hoàng vào đất phương Nam trấn trị cũng là cách để “chia bó đũa ra bẻ cho dễ”.

Nhờ chị gái Ngọc Bảo xin, ngay sau khi được anh rể là Thái sư Trịnh Kiểm “cho phép” Nam tiến một cách chính danh, Đoan quận công Nguyễn Hoàng gấp rút đem vợ con, gia quyến thân thuộc đi gấp vào đất Thuận Hóa. Bấy giờ, ngoài những người thân thuộc, gia tướng cũ của Nguyễn Kim thì người huyện Tống Sơn cũng đi theo ông rất đông - từ đây, bắt đầu những tháng ngày gian khó gây dựng cơ nghiệp.

Theo sử sách, xuất thân con nhà đại quan, lại vốn là người thông minh, hiểu nhân nghĩa nên sinh thời, bà Ngọc Bảo được chồng con nể trọng, người dưới quý mến. Bà là mẹ đẻ của Trịnh Tùng. Sau khi Trịnh Kiểm qua đời, hai người con của ông là Trịnh Cối và Trịnh Tùng xảy ra tranh giành quyền lực. Sau nhiều cam go, lại được tướng sĩ dưới trướng ủng hộ, cuối cùng Trịnh Tùng - con trai bà Ngọc Bảo giành được binh quyền. Còn Trịnh Cối vì ham sống sợ chết mà bỏ theo nhà Mạc.

Tương truyền, sau khi Trịnh Cối mất, quân Mạc sai đưa linh cữu về lại Thanh Hóa. Bấy giờ, Trịnh Tùng hỏi ý mẹ, bà Ngọc Bảo khuyên con: “Cáo chết đâu đâu cũng quay đầu về núi, con vật như thế huống chi là con người. Cối dẫu có tội vẫn là anh con, nên sai người nhà làm lễ an táng chu đáo và nuôi dưỡng chính phi cùng với con tử tế” (sách Địa chí huyện Hà Trung).

Cuộc đời của bà Ngọc Bảo không được sử sách nhắc đến nhiều. Tuy nhiên, việc Nam tiến của chúa Nguyễn Hoàng, hầu hết sử sách đều nhắc đến vai trò quan trọng của bà.

Năm 1586, Thái phi Ngọc Bảo qua đời trong một trận hỏa hoạn thiêu cháy dinh Yên Trường. Đến nay, tài liệu ghi chép về những nơi thờ tự bà khá mờ nhạt. Theo nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Hùng: “Bà Ngọc Bảo mất ở hành dinh Yên Trường (thuộc Thọ Xuân ngày nay). Sau đó, hành dinh được khôi phục lại, việc có một không gian thờ tự bà ở đất Yên Trường là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đến thời Tây Sơn, Yên Trường gần như đã bị phá hủy, đến nay chỉ còn một số hiện vật, bia đá... có lẽ nơi thờ bà Ngọc Bảo cũng phai mờ dấu tích từ ngày đó?!”.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách: Việt Nam sử lược; Địa chí huyện Hà Trung; Chúa Trịnh; Nhà Nguyễn chín chúa mười ba vua.)

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]