(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên) thu thập “miếu mạo” và giải thích: “MIẾU MẠO dt. Miếu (nói khái quát). Tu sửa đền chùa, miếu mạo. “...cô tây Hoẻn dắt đức lang quân đi khắp đình chùa miếu mạo” (Ngô Tất Tố)”.

Nghĩa của “Mạo” trong từ “Miếu mạo”

Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên) thu thập “miếu mạo” và giải thích: “MIẾU MẠO dt. Miếu (nói khái quát). Tu sửa đền chùa, miếu mạo. “...cô tây Hoẻn dắt đức lang quân đi khắp đình chùa miếu mạo” (Ngô Tất Tố)”.

Nghĩa của “Mạo” trong từ “Miếu mạo”

Bài “Mạo trong miếu mạo có nghĩa là gì?”. Trên trang Tiếng Việt giàu đẹp (31/8/2020) cho rằng (trích): “...mạo” vốn chỉ là cách đọc trại đi của “miếu” và cũng có nghĩa là nơi thờ cúng. Chữ Hán “mạo” ( 貌 ) với nghĩa khuôn mặt chỉ được gán ghép vào sau này để tiện cho việc biểu diễn. Điều này xảy ra rất thường xuyên vì trong thời gian sử dụng chữ Hán làm văn tự chính, có những từ thuần Việt không có trong tiếng Hoa, buộc lòng phải dùng tạm một Hán tự đồng âm để viết. Như “sát” trong “sát sao” cũng được biểu diễn bằng “sát” ( 殺 ) trong “sát hại”. Báo Du lịch cũng có dẫn: “Miếu (Temple) cùng được đọc chệch là miễu, mạo. Là nơi thờ thần. Có thể là nhân thần, thủy thần, bất kể vật gì, con gì được coi là linh thiêng” phần nào ủng hộ quan điểm trên”.

Tuy nhiên, “miếu mạo” 廟貌 là từ ghép đẳng lập gốc Hán: “Miếu” 廟 nghĩa là ngôi nhà, phòng thất dựng lên để tế tự tổ tiên, quỷ thần (như thái miếu 太廟; đền miếu); “mạo” 貌 là dáng dấp, dung nhan (như dung mạo 容貌; diện mạo 面貌), ở đây được hiểu cụ thể là dung mạo của người chết được tạc lại bằng tượng thờ. “Miếu mạo” 廟貌 là nơi thờ tự, có tượng thờ mang dáng dấp dung mạo của người đã khuất. Hán ngữ đại từ điển giảng từng yếu tố như sau:

- “Miếu: phòng thất tế tự thần vị tiên tổ thời xưa.” [nguyên văn 廟: 1.舊時供祀先祖神位的屋舍].

- “Mạo: diện mạo; dung nhan” [nguyên văn 貌: 面容; 容顏].

- “Miếu mạo: “Thi - Chu Tụng - Thanh miếu tự”, Trịnh Huyền chú giải: “Miếu là tiếng nói và dung mạo. Cái tinh anh của người chết không thể nhìn thấy, nhưng có thể dựng tượng, lập cung thất tại nơi ở lúc sinh thời, thì cũng như nhìn thấy dung mạo của người đã khuất vậy”. Nhân đó gọi đền miếu và tượng thờ là miếu mạo”. [nguyên văn 廟貌: “詩-周頌-清廟序”鄭玄箋: “廟之言貌也, 死者精神不可得而見,但以生時之居,立宮室像貌為之耳.”因稱廟宇及神像為廟貌].

Nhiều cuốn từ điển tiếng Việt hãy còn giảng nghĩa rất rõ ràng của một từ ghép chính phụ (dù đã nhầm lẫn khi cho rằng “miếu mạo” là hình dáng cái đền miếu):

- Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức): “miếu - mạo • Hình dáng cái đền <>Miếu-mạo nguy-nga”.

- Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): “miếu - mạo • Hình dáng cái miếu <>miếu-mạo nguy-nga”.

- Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt - Trung tâm Từ điển học Vietlex): “miếu mạo • 廟貌 d. miếu [nói khái quát]: “Trong câu chuyện của ông, làng hiện lên với bao đình chùa miếu mạo, với cảnh sông bến tuyệt đẹp”. (Trần Thanh Hà)”.

Như vậy, trong Hán ngữ “miếu mạo” 廟貌 vốn là từ ghép chính phụ, chỉ cái đền thờ và tượng thờ, khi gia nhập vào kho từ vựng tiếng Việt, “miếu mạo” được dùng theo nghĩa của một từ ghép đẳng lập (chỉ đền miếu nói chung), trong đó yếu tố “mạo” không được dùng như một từ độc lập, nên bị mờ nghĩa dần và người ta lầm tưởng (hoặc xem) đây là yếu tố láy của “miếu”, như Từ điển từ láy tiếng Việt (Hoàng Văn Hành chủ biên), cũng như một số người nhầm lẫn.

Hoàng Trinh Sơn (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]