(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Sau 6 năm nỗ lực thực hiện, năm 2016, xã Bắc Lương (huyện Thọ Xuân) đã hoàn thành 19 tiêu chí và được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bắc Lương: Hành trình về đích nông thôn mới

(VH&ĐS) Sau 6 năm nỗ lực thực hiện, năm 2016, xã Bắc Lương (huyện Thọ Xuân) đã hoàn thành 19 tiêu chí và được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Phát huy thế mạnh phát triển kinh tế

Khi thực hiện xây dựng NTM, Đảng bộ và nhân dân xã Bắc Lương đã xác định rõ đây là chương trình khó vì liên quan đến toàn diện đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Nhưng nếu làm tốt sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy cho xã nhà phát triển toàn diện. Từ đó BCĐ xây dựng NTM của xã đã tập trung rà soát lại từng tiêu chí, thấy rằng so với quy định mới đạt 6/19 tiêu chí. Các tiêu chí còn lại đạt gần 50%, chủ yếu là các tiêu chí thuộc nhóm hạ tầng, kinh tế, xã hội cần nhiều vốn. Bên cạnh đó thu nhập đầu người mới đạt 9,8 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao (13,3%), lao động nông nghiệp còn chiếm 70%. Cơ sở vật chất của giáo dục chưa đạt chuẩn, nhà văn hóa thể thao còn thiếu, công sở làm việc chưa đáp ứng được nhu cầu. Hệ thống giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, kênh mương phục vụ sản xuất đi lại còn rất khó khăn...

Để thực hiện được mục tiêu hoàn thành NTM, BCH Đảng bộ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển NTM. Đồng thời, xác định những thuận lợi và khó khăn cơ bản của xã, sau đó tập trung huy động các nguồn lực, ban hành các cơ chế chính sách kích cầu hợp lý thúc đẩy phong trào và thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân góp, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Đây là phương châm xuyên suốt trong hành trình về đích NTM của xã.

Với cách nghĩ này, Bắc Lương đã khai thác được thế mạnh phát triển kinh tế từ tuyến đường tỉnh lộ 506 (nay là quốc lộ 47C) đi qua, tạo điều kiện cho các hộ phát triển dịch vụ - thương mại, nhất là chợ Neo từ lâu đã trở thành chợ truyền thống giao thương hàng hóa giữa các xã trong vùng. Đặc biệt, hệ thống chính trị luôn ổn định, nhân dân có truyền thống của quê hương cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động.

Trung tâm văn hóa xã được xây dựng tạo điều kiện cho nhân dân sinh hoạt văn hóa.

Từ thế mạnh của địa phương, xã đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn. Nhiều ngành nghề của xã được phát huy, phát triển khá, tạo nhiều việc làm cho địa phương như: Sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất đồ gỗ, gò hàn, đan lát. 9 doanh nghiệp và công ty TNHH trên địa bàn được xã tạo mọi điều kiện phát triển kinh doanh. Toàn xã có 395 hộ kinh doanh dịch vụ thương mại (chiếm 24%) đã mang về nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương.

Bên cạnh đó, xã còn tập trung chuyển đổi các mô hình sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất và chăn nuôi nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng với diện tích 180 ha đã được xây dựng có năng suất ổn định 68 tạ/ha. Vì thế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã hằng năm tăng 15%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 28 triệu đồng (năm 2015) và 32,3 triệu đồng (năm 2016), tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 5%. Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, đổi mới.

Mô hình trồng bưởi Diễn cho thu nhập cao của các hộ dân.

Nhiều công trình thiết yếu được đầu tư

Để tạo sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng NTM, xã đã tập trung huy động được nguồn lực và có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước với hơn 138 tỷ đồng xây dựng các công trình thiết yếu. Trong đó nguồn vốn nhân dân đóng góp để xây dựng các công trình phúc lợi hơn 10 tỷ đồng (chiếm 7,4%), vốn nhân dân tự đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang nhà ở khu dân cư hơn 90 tỷ đồng (chiếm 65,7%)... Ngoài ra nhân dân còn đóng góp hàng nghìn ngày công để xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao thôn, đường giao thông nông thôn, hệ thống lòng lề đường trong xóm. Đồng thời xây dựng được nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Xây mới và nâng cấp cải tạo 3,5 km đường giao thông nông thôn; đổ lề và nâng cấp toàn bộ các tuyến đường giao thông của xã, bê tông hóa được 15 km đường giao thông nội đồng và kiên cố hóa hơn 14 km kênh mương, cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nhân dân. Xây mới và cải tạo phòng lớp học, khuôn viên của 3 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở để 3 trường đạt chuẩn quốc gia. Xây mới và cải tạo trạm y tế để được công nhận xã đạt chuẩn y tế giai đoạn 2 (2015 - 2020). Công sở được xây dựng khang trang tạo điều kiện cho cán bộ công chức làm việc ổn định và người dân đến giao dịch thuận lợi.

Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa đã được xây dựng đồng bộ từ xã đến thôn. Như nhà văn hóa, trung tâm văn hóa thể thao xã, sân vận động có diện tích 7.000m2 được xây dựng khang trang, 10/10 thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn theo quy định. Toàn xã có 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, các thôn đều có tổ thu gom rác thải, xử lý chất thải... Đặc biệt, Đảng bộ xã luôn chú trọng xây dựng hệ thống chính trị, xã hội vững mạnh nên đã phát huy được tính tiền phong, gương mẫu của mỗi đảng viên. Vì thế, nhiều năm liên tục đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, các tổ chức chính trị xã hội thường xuyên được công nhận danh hiệu tiên tiến trở lên...

Bài học kinh nghiệm

Có được kết quả trên, Bắc Lương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, huy động cả hệ thống chính trị tham gia, trong đó, người dân là chủ thể. Điều đáng quý, nhận thức của người dân đã có chuyển biến rõ rệt, dân chủ cơ sở được phát huy. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Cơ sở hạ tầng cơ bản được nâng cấp, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống người dân được nâng lên đáng kể.

Theo ông Mai Xuân Lãm - Bí thư, Trưởng BCĐ xây dựng NTM của xã thì: Bài học kinh nghiệm quý xã Bắc Lương rút ra là: Phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ mục tiêu của xây dựng NTM là phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người dân để người dân tích cực và tự giác tham gia. Trong quá trình lãnh, chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền phải chủ động đi trước một bước, triển khai, thực hiện ngay từ khi được tiếp thu chủ trương xây dựng NTM, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn. Các bước tiến hành được tính toán một cách khoa học, trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trong đó xác định nhiệm vụ ưu tiên làm khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Đồng thời thực hiện nguyên tắc công khai dân chủ, nhất là việc kiểm tra, giám sát của người dân. Thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, con em thành đạt xa quê, các doanh nghiệp có tâm huyết với địa phương, khai thác các nguồn lực tại chỗ “lấy sức dân để lo cho dân” tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi thuộc nhóm không thuộc hỗ trợ của Nhà nước. Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý điều hành của chính quyền, phối hợp chặt chẽ với MTTQ và cácđoàn thể, phát huy tính chủ động, tích cực của người dân, đa dạng hóa các nguồn lực tạo thành một khối đoàn kết thống nhất chung sức xây dựng NTM.

Thanh Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]