(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Hàng trăm cây cầu phao dân sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ khu vực miền xuôi tới miền núi, vùng cao ngày ngày oằn mình phục vụ hàng vạn người dân qua lại trong điều kiện xuống cấp, không bảo đảm an toàn. Đau đớn hơn là nhiều người dân đã tử nạn khi đi qua những cây cầu rệu rạo này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cược mạng sống trên những cầu phao ‘tử thần’

(VH&ĐS) Hàng trăm cây cầu phao dân sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ khu vực miền xuôi tới miền núi, vùng cao ngày ngày oằn mình phục vụ hàng vạn người dân qua lại trong điều kiện xuống cấp, không bảo đảm an toàn. Đau đớn hơn là nhiều người dân đã tử nạn khi đi qua những cây cầu rệu rạo này.

Cây cầu bắc qua sông Luồng nối bản Na Hồ và các bản Sủa, Na Phường, xã Sơn Điện (Quan Sơn) được xem là nút giao thông quan trọng của nhân dân địa phương, được hình thành và tồn tại hàng chục năm qua. Cầu được người dân tự làm, trụ cầu là những cây gỗ, mặt cầu, lan can bằng luồng, được buộc và gia cố bằng dây thép tạm bợ, không an toàn. Bình quân mỗi ngày, có trên 300 lượt người và phương tiện đi qua. Tại 3 bản trên còn có hai điểm lẻ của Trường TH xã Sơn Điện với trên 70 em học sinh, hằng ngày phải qua sông Luồng trên cây cầu tạm bợ này đến lớp. Theo phản ánh của người dân, chỉ cần nước trên sông Luồng lên cao, chảy xiết là chiếc cầu bị cuốn trôi, bình quân cứ 1 năm phải làm lại cầu ít nhất 2 lần, thậm chí có năm phải làm lại đến 4 lần. Mới đây nhất, chiếc cầu này tiếp tục bị hư hỏng nặng khiến giao thông bị đình trệ. Một người dân địa phương cho biết, đã có 1 vụ tai nạn do xe máy rơi xuống sông khiến 1 người thiệt mạng. Hàng năm, có hàng chục trường hợp xe máy, xe đạp bị rơi xuống sông.

Hiện nay trên địa bàn các huyện miền núi như Quan Hóa, Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Mường Lát, Quan Sơn còn tồn tại hàng trăm cây cầu phao được người dân tự làm, không bảo đảm an toàn song vẫn là nút giao thông quan trọng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Cầu phao Cẩm Giang (Cẩm Thủy) là một ví dụ khác. Từ bến đò cũ, năm 2012 người dân đã tự làm cây cầu phao với chiều dài 180m bắc qua sông Mã phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và học sinh ở các xã Cẩm Giang, Cẩm Quý, Cẩm Tú và Cẩm Lương. Cầu được làm từ tre, luồng, chằng buộc bằng lốp xe đạp cũ, ụ nổi được làm từ các thùng phuy, thường xuyên xuống cấp. Nguy cơ xảy ra tai nạn trên chiếc cầu phao này là rất cao, nhất là vào mùa mưa bão, nước sông lên cao, chảy xiết.

Cầu phao Cẩm Giang (huyện Cẩm Thủy) không bảo đảm an toàn nhưng hàng ngày vẫn phải phục vụ đông đảo người dân qua lại.

Ở khu vực đồng bằng hiện tồn tại nhiều cầu phao “tử thần”, liên tục xảy ra tai nạn. Trong đó phải kể đến cầu phao Vồm bắc qua sông Chu, nối xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) và xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa). Tháng 9/2016, đã xảy ra 1 vụ tai nạn khiến 2 người thiệt mạng đi qua cầu này. Đến tháng 3/2017, do chở quá nặng, một xe ba gác đã làm hư hỏng cầu nghiêm trọng.

Trên địa bàn huyện Thiệu Hóa có ít nhất 3 cầu phao không an toàn nhưng vẫn phải sử dụng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tại một địa bàn khác, cầu phao bắc qua sông Thị Long vào làng Cóc thuộc địa bàn xã Tượng Văn (Nông Cống) có kết cấu 5 nhịp phao, dài 100m, rộng 1m, không có lan can hai bên, được người dân địa phương tự góp tiền, công sức làm. Chiếc cầu này đã tồn tại hơn 20 năm nay và thực sự không an toàn nhất là vào mùa mưa lũ. Vụ tai nạn vào ngày 18/6 mới đây khiến hai bố con bị trượt ngã rơi xuống sông tử vong là một hồi chuông cảnh báo. Đến nay đã có ít nhất 5 trường hợp tử vong do bị ngã xuống sông khi đi qua cây cầu này. Mặc dù đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước hỗ trợ xây một cây cầu mới nhưng đến nay, người dân địa phương vẫn ngày ngày phải đánh cược tính mạng khi qua cầu này.

Qua trao đổi, lãnh đạo các huyện đều xác nhận sự tồn tại của hàng loạt cây cầu phao không an toàn. Các địa phương cũng đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị lên UBND tỉnh, ngành Giao thông - Vận tải để xây dựng những cây cầu mới kiên cố, an toàn hơn, cải thiện điều kiện đi lại cho nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa có sự hỗ trợ nào. Trong khi đó năng lực của địa phương hạn chế, không có khả năng xây dựng cầu kiên cố.

Mùa mưa bão đã đến mang theo nguy hiểm, mối đe dọa đến tính mạng của người dân đang hàng ngày đi qua những cây cầu tạm bợ. Ước mơ cháy bỏng về những cây cầu cứng an toàn hơn là rất chính đáng của người dân, cần quan tâm để họ không còn cảnh phải đánh cược sinh mạng của mình khi đi qua những chiếc cầu phao “tử thần”.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]