(vhds.baothanhhoa.vn) - Dám nghĩ, dám làm, sau nhiều trăn trở, thử thách và trải qua cả thất bại, cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Hoàn ở thôn Xa Vệ, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa) đã nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo. Sản phẩm do ông làm ra có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các tiêu chuẩn và bước đầu đã được người dân tin dùng.

Cựu chiến binh với mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo

Dám nghĩ, dám làm, sau nhiều trăn trở, thử thách và trải qua cả thất bại, cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Hoàn ở thôn Xa Vệ, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa) đã nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo. Sản phẩm do ông làm ra có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các tiêu chuẩn và bước đầu đã được người dân tin dùng.

Cựu chiến binh với mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo Sau nhiều năm lăn lộn và tích lũy kinh nghiệm, năm 2017 CCB Lê Văn Hoàn quyết định về quê nhà ở thôn Xa Vệ xã Hoằng Trung để đầu tư mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo.

Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến thôn Xa Vệ, xã Hoằng Trung để “mục sở thị” mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo của CCB Lê Văn Hoàn. Trong tiết trời ngày đông lạnh giá, mời khách uống tách trà ấm từ nấm đông trùng hạ thảo, CCB Lê Văn Hoàn kể về hành trình đến với mô hình làm kinh tế của gia đình.

Năm 1993, sau khi rời quân ngũ, CCB Lê Văn Hoàn đã có thời gian dài ở lại và gắn bó với mảnh đất đầy nắng gió Quảng Trị. Về sau, anh vào Đà Lạt làm việc cho một cơ sở nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo. “Đây là lần đầu tiên tôi biết đến sản phẩm được ví như “thần dược”, cũng bởi lúc bấy giờ những mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo trong cả nước có rất ít nên giá thành đắt đỏ, chỉ người giàu mới có điều kiện sử dụng. Khi biết đến mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo ở Đà Lạt, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là bao giờ và khi nào thì người dân nghèo nhất ở quê mình sẽ có điều kiện để sử dụng sản phẩm tốt như thế này!”, CCB Lê Văn Hoàn kể lại.

Cựu chiến binh với mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo

Phòng nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo được CCB Lê Văn Hoàn đầu tư khoa học, bài bản.

Chăm chỉ làm việc lại ham tìm tòi, học hỏi từ kinh nghiệm thực tế và các loại tài liệu sách báo, CCB Lê Văn Hoàn đã tích lũy cho mình kiến thức về nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo. Năm 2017, ông quyết định về quê. Với tất cả số vốn tích lũy suốt nhiều năm lăn lộn mưu sinh nơi đất khách, ông đầu tư mua máy móc (tủ cấy vi sinh, lò hấp, máy sấy) với tổng giá trị hơn 500 triệu đồng. Cùng với đó là hàng trăm triệu đồng được đầu tư cho phòng nuôi cấy vô trùng.

Cựu chiến binh với mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo

Nấm đông trùng hạ thảo được CCB Lê Văn Hoàn nuôi cấy thành công.

Theo CCB Lê Văn Hoàn, đông trùng hạ thảo là dược liệu quý, rất tốt cho sức khỏe và mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu nuôi cấy thành công. Tuy nhiên, việc nuôi cấy rất khó, đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật và cả kinh nghiệm. Vậy nên dù đã có kinh nghiệm về nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo nhưng những lứa nấm đầu đầu tiên tỉ lệ thành công chỉ đạt khoảng 30%. Tuy nhiên, với bản lĩnh của người lính đã được rèn luyện trong quân ngũ, không đầu hàng thất bại, sau nhiều trăn trở, tâm huyết, đầu tư tiền bạc và mời chuyên gia về nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo ngoài tỉnh về hỗ trợ, tỉ lệ thành công của mỗi "lứa” nấm dần được nâng lên, đến nay đã đạt khoảng 85 - 90%.

Cũng theo chia sẻ của CCB Lê Văn Hoàn, mỗi lứa nấm từ khi bắt đầu nuôi cấy đến khi “thu hoạch” kéo dài trong khoảng 6 tháng, trong điều kiện phòng nuôi cấy đảm bảo tiêu chuẩn. Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo đã được các cơ quan chuyên môn kiểm định chặt chẽ trước khi bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, vì trước đây nấm đông trùng hạ thảo (tự nhiên) có giá vô cùng đắt đỏ, chỉ dành cho một bộ phận nhỏ người có điều kiện. Nấm đông trùng hạ thảo ngày nay được nuôi cấy thành công nên giá thành đã giảm rất nhiều, phù hợp với thu nhập của đa số người dân. Song thói quen sử dụng nấm đông trùng hạ thảo vẫn chưa thực sự phổ biến. Bởi vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Cựu chiến binh với mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo

Bằng kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh người lính, CCB Lê Văn Hoàn đang từng bước vượt qua những khó khăn và bước đầu thành công.

CCB Lê Văn Hoàn cho biết: Thực tế, đông trùng hạ thảo sử dụng khá đơn giản, có thể uống trực tiếp bằng cách pha trà hoặc ngâm rựu, ngâm mật ong; sản phẩm có thể dùng tươi hoặc khô đều cho hiệu quả. Dù việc nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo thời gian đầu còn nhiều khó khăn, song trừ chi phí, gia đình tôi thu về khoảng 200 triệu đồng mỗi năm, số tiền này được “quay vòng” để đầu tư, nâng cấp nhà xưởng hiện đại hơn. Bản thân tôi luôn kiên trì và tin tưởng rằng “quyết chí sẽ thành công”.

Không dừng lại ở việc nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo, mới đây CCB Lê Văn Hoàn còn đầu tư máy móc cho việc sản xuất tinh dầu tràm nguyên chất. Sản phẩm tinh dầu tràm dù số lượng sản xuất chưa nhiều nhưng được người dân đón nhận nhiệt tình.

Nói về mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo của gia đình CCB Lê Văn Hoàn, ông Vũ Văn Định, Trưởng thôn Xa Vệ, xã Hoằng Trung nói: “Mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo và sản xuất tinh dầu tràm của CCB Lê Văn Hoàn rất thực tế. Sau nhiều năm đi xa, khi CCB Lê Văn Hoàn về quê, thấy anh có hướng đi riêng, lại đầu tư khoa học, bài bản, người dân trong thôn, xã rất mừng cho anh. Hy vọng, vượt qua những khó khăn trước mắt, CCB Lê Văn Hoàn sẽ sớm thành công với con đường mình đã chọn”.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]