(vhds.baothanhhoa.vn) - Tham gia giao thông trong mùa mưa bão luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do tầm nhìn bị hạn chế. Nguy cơ đó càng tăng cao, nhất là khi người tham gia giao thông phải đi lại trên các tuyến đường xuống cấp, nhiều ổ voi, ổ gà mà không hề có biển cảnh báo nguy hiểm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nguy cơ tai nạn trên nhiều tuyến đường xuống cấp

Tham gia giao thông trong mùa mưa bão luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do tầm nhìn bị hạn chế. Nguy cơ đó càng tăng cao, nhất là khi người tham gia giao thông phải đi lại trên các tuyến đường xuống cấp, nhiều ổ voi, ổ gà mà không hề có biển cảnh báo nguy hiểm.

Cách đây 1 tháng, trong chuyến công tác về Phú Sơn (huyện Tĩnh Gia), xe của chúng tôi đã gần như mắc kẹt giữa những ổ voi sâu và rộng trên tuyến đường Đông Tây 1 kéo dài thuộc KKT Nghi Sơn. Đoán chúng tôi từ nơi khác đến, anh Lê Đăng Công (thôn Phú Thịnh, xã Phú Lâm) nói như cảnh báo: “Các anh chị không biết đó thôi, đoạn đường này lâu nay những xe ôtô thấp gầm đều không dám qua đây. Còn nếu muốn về Phú Sơn thì buộc phải đi đường vòng xa gần chục km, xe mới không bị hư hại. Như nhà tôi đây, mỗi tháng phải đội thêm cả triệu đồng tiền xăng là như vậy, dù trước đó, tôi đã phải đóng phí bảo trì đường bộ và rất nhiều các khoản phí, thuế khác”.

Sự xuống cấp của tuyến đường Đông Tây 1 kéo dài (đi qua địa bàn 3 xã: Xuân Lâm, Trúc Lâm và Phú Lâm) không chỉ gây khó khăn đến người tham gia giao thông mà ngay cả những hộ dân đang sinh sống và kinh doanh trên tuyến đường này cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Như hộ gia đình bác Nguyễn Văn Minh (thôn Phú Thịnh, xã Phú Lâm) thường xuyên phải đóng kín cửa để tránh bụi bặm. Quán ăn sáng vì thế cũng ít khách dần đi mà không biết phải làm sao để cải thiện.

“Để đầu tư buôn bán, kinh doanh, mỗi hộ đã phải đầu tư hàng trăm triệu đồng và hầu hết đều phải vay mượn ngân hàng. Nhưng không làm ăn được, nhiều hộ đã chuyển đổi sang đi làm công nhân hoặc tạo lập lại ở phương xa. Nếu cứ đà này, gia đình tôi cũng không biết phải mưu sinh thế nào” - bác Nguyễn Văn Minh không khỏi lo lắng bày tỏ.

Được biết, tình trạng xuống cấp của tuyến đường trên ngày càng trầm trọng, nhất là sau mỗi đợt mưa xuống. Tuy nhiên, theo Phó chánh văn phòng Ban quản lý KKT Nghi Sơn và Các KCN Thanh Hóa Hà Thọ Đại thì: “Đó hiện vẫn là vấn đề nan giải. Bởi dự án đường Đông Tây 1 kéo dài được phê duyệt từ năm 2016 nhưng quá trình triển khai lại chậm vì công tác GPMB gặp nhiều khó khăn, các điểm bàn giao phần lớn là lắt nhắt khiến cho nhà thầu thi công không thể thực hiện. Đến nay thì dự án càng thêm bế tắc khi Chính phủ tiếp tục cắt giảm ngân sách đầu tư công và phân kỳ đầu tư trung hạn. Theo đó, tuyến đường Đông Tây 1 kéo dài chỉ bố trí được 20 tỷ đồng, vừa đủ bồi thường cho các hộ dân của 3 xã bị ảnh hưởng. Nghĩa là, ngay cả khi không còn vướng mắc trong công tác GPMB thì chủ đầu tư là Ban quản lý KKT Nghi Sơn và Các KCN Thanh Hóa vẫn không thể đôn đốc nhà thầu thi công vì thiếu vốn. Điều này dự kiến sẽ còn kéo dài đến năm 2020 mới mong có thể tháo gỡ được”.

Khác với dự án đường Đông Tây 1 kéo dài KKT Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia), dự án đường Thịnh Đông, huyện Hoằng Hóa (đi qua 6 xã: Hoằng Thịnh, Hoằng Thái, Hoằng Thắng, Hoằng Lưu, Hoằng Đông, Hoằng Phụ) lại được đầu tư bởi vốn của doanh nghiệp theo hình thức BT (đổi đất lấy công trình). Tuy nhiên, do sự chậm trễ trong việc lập và phê duyệt hồ sơ mà đến nay, tuyến đường chưa được xây dựng mặc cho tình trạng xuống cấp đang ở mức độ nghiêm trọng, nhất là đoạn vào địa phận xã Hoằng Thịnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Công Bằng - Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Thịnh cho biết: “Năm 2017, huyện có đầu tư mở rộng tuyến đường nhưng vì chỉ làm ghép với làn đường cũ, cộng với lưu lượng xe qua lại đông, trong đó có cả xe quá tải nên chỉ trong một thời gian ngắn, tuyến đường lại bị hư hỏng nặng. Trước tình hình đó, xã đã liên tục đề xuất với huyện thúc đẩy nhanh dự án, tránh nguy cơ xảy ra tai nạn cho người tham gia giao thông. Hiện huyện đang tích cực hoàn tất các thủ tục BT để chờ tỉnh phê duyệt. Nếu hồ sơ sớm được duyệt thì dự kiến cuối năm 2018, công tác kiểm kê, GPMB sẽ được tiến hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng”.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều những tuyến đường bộ đang bị xuống cấp trên địa bàn tỉnh. Các tuyến đường đều là huyết mạch giao thông quan trọng phục phụ nhu cầu đi lại và giao thương kinh tế của người dân tại các xã bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cứ nhìn cảnh xe và người phải vất vả “bò” qua những “hố voi”, “ổ gà”trong những ngày nắng ráo lại càng thấy lo khi nghĩ về những trận mưa bão sắp tới.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]