(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh ra ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, lại là con của gia đình nhà Nho yêu nước, ông Nguyễn Văn Hồ (1908-1984) người làng Phong Cốc, tổng Thử Cốc, phủ Thiệu Hóa (nay là xã Xuân Minh, Thọ Xuân) đã sớm được đến trường học chữ Hán. Tham gia cách mạng khi vừa tròn 18 tuổi, 3 lần bị địch bắt giam, nhưng ông vẫn một lòng trung kiên với cách mạng, với Đảng, với Nhân dân.

Nguyễn Văn Hồ: Người con của vùng quê cách mạng

Sinh ra ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, lại là con của gia đình nhà Nho yêu nước, ông Nguyễn Văn Hồ (1908-1984) người làng Phong Cốc, tổng Thử Cốc, phủ Thiệu Hóa (nay là xã Xuân Minh, Thọ Xuân) đã sớm được đến trường học chữ Hán. Tham gia cách mạng khi vừa tròn 18 tuổi, 3 lần bị địch bắt giam, nhưng ông vẫn một lòng trung kiên với cách mạng, với Đảng, với Nhân dân.

Nguyễn Văn Hồ: Người con của vùng quê cách mạngĐình làng Phong Cốc là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, ghi dấu một thời kỳ cách mạng hào hùng của Nhân dân xã Xuân Minh (Thọ Xuân).

Chính những bài dạy đầu tiên, thầy giáo Nguyễn Tam Khôi (người Nghệ An) đã gieo mầm cách mạng cho những học trò của mình. Riêng với ông Hồ, từ những cuốn sách, tờ báo, những bài thơ mà thầy Nguyễn Tam Khôi bí mật trao cho, ông đã khát khao cuộc đời rộng mở.

Tư tưởng cách mạng hình thành từ sớm, năm 1927, ông Nguyễn Văn Hồ vào đảng Tân Việt cùng với Nguyễn Xuân Thúy, Nguyễn Văn Tương (Lam Châu). Đến năm 1929, ông đã làm Ủy viên thường trực. Cũng từ đây, đảng Tân Việt có ảnh hưởng tương đối sâu rộng tại Thanh Hóa, các cơ sở ở Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc lần lượt ra đời. Đáng chú ý là có những cơ sở như Yên Vực (Hoằng Hóa) đã thu hút sự tham gia của nhiều công nhân Nhà máy diêm Hàm Rồng.

Năm 1929, ngay khi vừa phát triển về mặt lực lượng với gần 100 đảng viên thì một số đảng viên Tân Việt cũng bộc lộ quan điểm dân tộc hẹp hòi, quay lưng với đảng, thậm chí làm tay sai cho địch. Lại thêm, Tổng bộ Tân Việt ở Huế bị vỡ, địch đã lần ra đầu mối của tỉnh bộ Thanh Hóa. Nhiều đồng chí bị bắt, trong đó có Nguyễn Văn Hồ. Trong tù, anh em của Tân Việt đảng tiếp tục có cơ hội tuyên truyền, huấn luyện cách mạng cho nhau. Họ biến nhà tù thành trường học, biến đòn roi thành ngọn lửa cách mạng.

Ngôi nhà của ông cũng là nơi tổ chức cuộc họp của nhóm Tân Việt sau khi đã chuyển hóa sang cộng sản khu vực Vĩnh Lộc, Yên Định, Thọ Xuân. Sau khi bắt được liên lạc với xứ ủy, Thanh Hóa thành lập tổ chức Ban Tỉnh ủy lâm thời tại thị trấn Hồ Thượng, huyện Tĩnh Gia (nay là phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn), từ đó công việc tổ chức biểu tình ở vùng Thọ Xuân giao cho đồng chí Nguyễn Văn Hồ phụ trách. Đây cũng là giai đoạn địch bắt bớ và tra tấn dã man, sau khi 2 đồng chí trong đảng bị lộ cùng với một số tài liệu mang theo, địch đã truy lùng và bắt thêm khoảng 30 người khác và đem ra xét xử. Đồng chí Nguyễn Văn Hồ bị xử 10 năm tù.

Đây là lần thứ 2 đồng chí Nguyễn Văn Hồ bị bắt (1931). 23 tuổi, ông và nhiều đồng chí khác tay chân đeo xiềng xích bị kéo lê khắp dọc miền Trung đến nhà tù Lao Bảo. May mắn là lúc ấy, ở nước Pháp, mặt trận bình dân, nòng cốt là Đảng Cộng sản giành thắng lợi trong cuộc tuyển cử. Tháng 6-1936, chính phủ Mặt trận bình dân Pháp được thành lập và có chính sách dân chủ đối với các nước thuộc địa. Ông Nguyễn Văn Hồ và nhiều đồng chí khác đã được trả tự do.

Trở về sau những năm tháng tù đày, ông Nguyễn Văn Hồ cùng các đồng chí ở quê nhà tổ chức hội Tương tế Ái hữu đấu tranh đòi xóa bỏ hủ tục, chia lại công điền công thổ, đòi giảm miễn sưu thuế, đòi nam nữ bình quyền... nhưng sôi nổi và quyết liệt nhất là chống tên Tây Đoan ở ngay làng Phong Cốc. Cuộc đấu tranh này đã gây tiếng vang lớn trong toàn tỉnh và cả nước.

Cũng từ năm 1937, đồng chí Nguyễn Văn Hồ đã lặn lội trong phong trào dân chủ, lãnh đạo nghiệp đoàn sở hữu và đi làm kinh tế gây quỹ Đảng. Ông vào Quảng Bình rồi ra Ninh Bình. Các hoạt động của ông đã thôi thúc nhiều người tham gia, phong trào ngày càng phát triển. Trong đó ông đã tham gia Hội nghị đại biểu các cơ sở đảng trên địa bàn toàn tỉnh vào trung tuần tháng 2-1941. Người dân vùng này thường gọi đây là hội nghị vườn trầu, bởi thời ấy, khu vườn này cây cối um tùm và có nhiều giàn trầu không che chắn. Đây là hội nghị quan trọng quyết định sự phát triển phong trào cách mạng trong tỉnh, Chiến khu Ngọc Trạo ra đời, đỉnh cao của phong trào phản đế cứu quốc của Thanh Hóa, nhiều cán bộ, đảng viên đã được nuôi giấu, bảo vệ an toàn trong các “ngôi nhà cách mạng”.

Khoảng tháng 5-1944, ông bị Pháp bắt lần thứ 3, bị giam cầm hơn nửa năm, cho tới trước thời điểm Nhật đảo chính Pháp mới được thả.

Nguyễn Văn Hồ: Người con của vùng quê cách mạngCăn nhà của đồng chí Nguyễn Văn Hồ nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

Ba lần bị bắt, bị giam cầm, đày đọa thể xác và tinh thần, nhưng người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Hồ vẫn luôn giữ nguyên tấm lòng kiên trung với dân với Đảng, với sự nghiệp Cách mạng. Ông chính là một trong những nhân tố góp phần vào phong trào cách mạng ở huyện Thọ Xuân nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. Đỉnh cao của phong trào là cuộc Cách mạng Tháng 8-1945 đã đưa dân tộc ta thoát khỏi xiềng xích nô lệ của thực dân phong kiến, trở thành một đất nước độc lập, tự do.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông Nguyễn Văn Hồ trở thành ủy viên Ủy ban Kháng chiến huyện, rồi lần lượt giữ các chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy, quyền Bí thư, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến – hành chính huyện. Nhà nghiên cứu Lê Xuân Kỳ từng viết về ông Nguyễn Văn Hồ: “Vẫn bộ quần áo nâu giản dị, đồng chí Bí thư, Chủ tịch huyện về với dân lo toan từ việc nhỏ đến việc lớn, lúc khỏe thì đi bộ, lội đồng cùng bà con, củ khoai, hạt ngô thay cho bát cơm. Nguyễn Văn Hồ đã gắn bó cuộc đời với mảnh đất Thọ Xuân nắng gió, đói nghèo, nhưng kiên cường bất khuất”.

Do nhiều năm tháng sống trong cảnh tù đày, tra tấn của thực dân - phong kiến, nên càng về những năm tháng cuối đời, sức khỏe của đồng chí Nguyễn Văn Hồ càng suy yếu. Năm 1984, ông qua đời ở tuổi 76. Ông đã được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Tiếp nối truyền thống ấy, ngay trong gia đình, ngoài ông là lão thành cách mạng còn có 4 người anh, em tham gia cách mạng; con trai ông là liệt sĩ Nguyễn Văn Hòa hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Không chỉ trong gia đình ông, tinh thần cách mạng còn có trong mỗi ngôi nhà, ngõ xóm ở thôn. Đây cũng là lý do mà năm 1964, thôn Phong Cốc đã được Đảng - Nhà nước trao tặng Bằng có công với nước.

Ngày hôm nay, về thăm mộ phần của ông nằm giữa cánh đồng làng Phong Cốc, đến ngôi nhà của ông đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1993, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Trong căn nhà đơn sơ ấy đã sinh ra một người cách mạng kiên trung, chứng kiến bao sự kiện của thôn, làng. Nói ngậm ngùi bởi di tích đã xuống cấp, “cần được quy hoạch và xây dựng lại, để xứng tầm vị thế di tích cấp quốc gia, đồng thời, cũng là cách tỏ bày lòng biết ơn của hậu thế đối với một trong những bậc lão thành cách mạng đáng kính của quê hương Thọ Xuân”, ông Đỗ Huy Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã Xuân Minh, bày tỏ tâm tư.

“Với truyền thống cách mạng trên quê hương Xuân Minh, trong đó thôn Phong Cốc là nơi diễn ra nhiều sự kiện, ghi nhiều dấu ấn lịch sử, thôn chúng tôi hiện có 6 điểm thuộc cụm di tích cấp quốc gia. Đặc biệt năm 2021, Phong Cốc đã được công nhận thôn NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên chúng tôi cũng trăn trở khi di tích nhà ông Nguyễn Văn Hồ hiện nay xuống cấp nghiêm trọng...”, ông Nguyễn Xuân Trường, Bí thư chi bộ thôn Phong Cốc cho biết.

**Bài viết có sử dụng tư liệu sách Lịch sử xã Xuân Minh (NXB Thanh Hóa, 2009), Những chiến sĩ cách mạng trung kiên tỉnh Thanh Hóa, tập 1 (NXB Thanh Hóa, 2010).

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]