(vhds.baothanhhoa.vn) - Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023 - 2024, tỉnh Thanh Hóa đã đoạt 9 giải Nhất; 22 giải Nhì; 23 giải Ba; 30 giải Khuyến khích. Trong số đó, nữ sinh Lê Nguyễn Mai Phương lớp 12 chuyên Văn Trường THPT Chuyên Lam Sơn là một trong những học sinh xuất sắc đã giành giải Nhất môn Ngữ văn. Đây cũng là giải Nhất đầu tiên môn Ngữ văn của Trường THPT Chuyên Lam Sơn kể từ khi kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được tổ chức trên toàn quốc. Phóng viên Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với nữ sinh Lê Nguyễn Mai Phương về câu chuyện học tập cũng như “bí quyết” học tốt môn Văn của em.

Nữ sinh giành giải Nhất môn Ngữ văn quốc gia: “Tuổi trẻ không phải cái cớ để sống thờ ơ”

Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023 - 2024, tỉnh Thanh Hóa đã đoạt 9 giải Nhất; 22 giải Nhì; 23 giải Ba; 30 giải Khuyến khích. Trong số đó, nữ sinh Lê Nguyễn Mai Phương lớp 12 chuyên Văn Trường THPT Chuyên Lam Sơn là một trong những học sinh xuất sắc đã giành giải Nhất môn Ngữ văn. Đây cũng là giải Nhất đầu tiên môn Ngữ văn của Trường THPT Chuyên Lam Sơn kể từ khi kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được tổ chức trên toàn quốc. Phóng viên Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với nữ sinh Lê Nguyễn Mai Phương về câu chuyện học tập cũng như “bí quyết” học tốt môn Văn của em.

Nữ sinh giành giải Nhất môn Ngữ văn quốc gia: “Tuổi trẻ không phải cái cớ để sống thờ ơ”Nữ sinh Lê Nguyễn Mai Phương phát biểu tại buổi Lễ tuyên dương và trao thưởng cho học sinh, giáo viên có học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024.

PV: Chúc mừng em vì thành tích xuất sắc đã đạt được. Em có thể chia sẻ với bạn đọc Báo Thanh Hóa về cảm xúc bản thân khi biết mình đoạt giải Nhất?

Lê Nguyễn Mai Phương: Em vẫn nhớ khi nghe tin mình đoạt giải Nhất, xúc cảm thật khó tả. Dù trước đó, em từng giành Huy chương Vàng môn Ngữ văn tại kỳ thi chọn học sinh giỏi các trường THPT chuyên vùng Duyên hải và Đồng bằng Bắc bộ, hay một số giải thưởng khác... Tuy nhiên, cảm xúc hạnh phúc trong lần đoạt giải này thực sự rất khác. Bởi trong quá trình ôn thi đội tuyển cũng như có dịp gặp gỡ, trao đổi với các bạn đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, em biết rằng có nhiều bạn thực sự rất giỏi và xuất sắc. Khi làm bài thi, em chỉ nghĩ mình phải thật bình tĩnh và nỗ lực hết sức, còn kết quả có thế nào cũng sẽ vui vẻ.

Thành tích đó là kết quả của cả quá trình nỗ lực bản thân; sự dạy dỗ tận tình của các thầy cô và cả sự động viên, khuyến khích của cha mẹ. Em thực sự thấy mình may mắn khi được học dưới mái Trường THPT Chuyên Lam Sơn giàu truyền thống, được dạy dỗ bởi những thầy cô giáo giỏi, tận tâm với học trò; may mắn khi ngay từ nhỏ đã được “khơi dậy” tình yêu với văn chương...

PV: Em nói mình được “khơi dậy” tình yêu với văn chương từ nhỏ?

Lê Nguyễn Mai Phương: Vâng, đúng là như vậy! Em biết đọc khá sớm. Lớn lên một chút, em được bố mẹ thường xuyên mua cho nhiều sách, báo, truyện dành cho thiếu nhi, rồi các tác phẩm văn học nổi tiếng; bố mẹ cũng dành nhiều thời gian để đọc cho em nghe những cuốn sách hay... Tình yêu văn chương với em cứ lớn dần lên từ đó. Mỗi khi đọc được cuốn sách hay, em lại thấy thêm nhiều điều thú vị. Thông qua việc đọc sách, báo, em thấy cuộc sống như “mở ra” với những “chân trời” mới lạ. Môn Văn đến với em như một “mối duyên lành”. Từ việc chăm đọc, thích đọc, em thích viết nhiều hơn. Việc viết văn giúp em không chỉ “ghi nhớ” những điều mình được đọc, được học, mỗi lần viết là một lần em có cơ hội được chia sẻ, trải lòng, “nói” lên suy nghĩ, cảm nhận của mình...

PV: Với Lê Nguyễn Mai Phương, môn Văn là “mối duyên lành”, vậy văn chương nói chung và môn Văn nói riêng mang đến cho em điều gì?

Lê Nguyễn Mai Phương: Em nghĩ, mỗi một môn học đều mang đến cho người học những tri thức khác nhau để hoàn thiện bản thân. Với em, ngoài tri thức, môn Văn còn mang đến nhiều điều thú vị. Từ sự định hướng, dẫn dắt của thầy cô, môn Văn giúp cá nhân em phát huy khả năng tự học. Bên cạnh đó, mỗi khi khám phá một tác phẩm hay, đọc bài phê bình ấn tượng, hay dành tâm sức viết một bài văn... em lại thấy xúc cảm đong đầy, ví như được “làm mới” chính mình.

Em nghĩ, học văn - viết văn cũng giống như cách người nông dân trồng một cái cây. Cây cối sẽ không tốt tươi, sai hoa trĩu quả nếu không có sự chăm bón từ nhỏ. Và học văn cũng thế, nếu bạn không chăm chỉ rèn luyện, đọc và học mỗi ngày thì rất khó để viết văn tốt. Viết văn hay không phải sự cóp nhặt khuôn mẫu hay “sao chép” lời của người khác.

Học văn tốt không phải chỉ để viết nên những điều đẹp đẽ trên giấy. Khi bạn có tư duy mạch lạc, vốn ngôn ngữ phong phú... bạn có thể biểu đạt ý kiến, quan điểm, suy nghĩ của mình đến người nghe, người đọc tốt hơn.

Bên cạnh sự quan tâm, dạy dỗ của thầy cô giáo, cha mẹ và giúp đỡ từ bạn bè, có lẽ chính việc học tập với tinh thần cầu thị và khiêm nhường, cố gắng rèn luyện, đọc nhiều, viết nhiều, không ngừng suy tư... đã giúp em học môn Văn tốt hơn.

PV: Văn chương và cả môn Văn với Lê Nguyễn Mai Phương quả thực là điều thú vị. Vậy nhưng hiện nay, có một số không ít các bạn trẻ dường như lại không thích môn học này. Theo em, nguyên do vì đâu?

Lê Nguyễn Mai Phương: Em cho rằng, việc nhiều bạn không thích - chưa thích môn Văn có một phần nguyên nhân từ việc chưa chịu khó đọc, chưa có thói quen đọc sách. Thật sự, rất khó để một người viết văn hay nếu lười đọc sách. Và như em đã chia sẻ, văn chương không phải sự “sao chép, học thuộc”. Nhiều bạn xem văn như một môn học thuộc. Học thuộc tác phẩm, học thuộc lời giảng của thầy cô và thậm chí học thuộc cả một bài viết trong sách...

Nữ sinh giành giải Nhất môn Ngữ văn quốc gia: “Tuổi trẻ không phải cái cớ để sống thờ ơ”Thói quen đọc sách giúp nữ sinh Lê Nguyễn Mai Phương học văn tốt hơn.

Học thuộc một cách rập khuôn vô hình trung khiến chúng ta bị động và đánh mất đi khả năng đào sâu suy nghĩ, bày tỏ chính kiến, suy nghĩ của mình dù là với một tác phẩm hay vấn đề nghị luận. Từ việc xem môn Văn là môn học thuộc đã biến môn học trở nên thiếu hấp dẫn. Trong khi đó, văn chương nói chung, môn Văn nói riêng kỳ thực rất gần gũi, mang “hơi thở” cuộc sống.

Và em vẫn “bảo lưu” quan điểm của mình, muốn thay đổi suy nghĩ và học văn tốt hơn, hãy bắt đầu từ việc đọc sách.

PV: Là một người trẻ có nhiều năng lượng sống tích cực. Em suy nghĩ gì về câu chuyện tuổi trẻ với ước mơ và khát vọng?

Lê Nguyễn Mai Phương: Khi mới 21 tuổi từ Bến cảng Nhà Rồng người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước; hay Malala Yousafzai, nhà hoạt động giáo dục người Pakistan, giành giải Nobel Hòa bình năm 2014 khi cô mới 17 tuổi... Nghĩ về những điều đó, em không nghĩ tuổi trẻ là “cái cớ” để những người trẻ sống thờ ơ với bản thân, “bỏ quên” khát vọng... Năng lượng trẻ, sức sống trẻ luôn thôi thúc em phải nỗ lực mỗi ngày để chân bước tự tin trên con đường tương lai. Với em, tuổi trẻ còn như “ngọn lửa rực cháy” để em thấy cần sống một cách có ý nghĩa. Việc nỗ lực học tập, không ngừng nâng cao giá trị bản thân, dám ước mơ và chăm chỉ học tập để thực hiện ước mơ... cũng là một cách để mỗi người trẻ không sống hoài phí trong những năm tháng thanh xuân rực rỡ của cuộc đời.

PV: Cảm ơn Lê Nguyễn Mai Phương, chúc em thành công trên con đường tương lai!

"Thành tích mà Lê Nguyễn Mai Phương giành được không chỉ là niềm tự hào của riêng em mà còn là niềm vui lớn của Trường THPT Chuyên Lam Sơn và ngành giáo dục Thanh Hóa. Đó là kết quả của sự đam mê, cố gắng không ngừng nghỉ của em. Đồng hành cùng Mai Phương suốt 3 năm, tôi luôn thấy ở cô học trò ấy nội lực mạnh mẽ - yếu tố quan trọng giúp em vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, kiên trì thực hiện mục tiêu của mình. Tôi tin em sẽ đi xa hơn nữa trên con đường tương lai", cô Trương Thị Giang, giáo viên Trường THPT Chuyên Lam Sơn.

Thu Trang (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]