(vhds.baothanhhoa.vn) - Dù đã hoàn thành cách đây hơn 1 năm, nhưng đến thời điểm hiện tại người dân xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa vẫn không chịu lên khu tái định cư (TĐC) để ở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quan Hóa: Khu tái định cư bỏ không, người dân đánh cược với thiên tai

Dù đã hoàn thành cách đây hơn 1 năm, nhưng đến thời điểm hiện tại người dân xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa vẫn không chịu lên khu tái định cư (TĐC) để ở.

Vì sao người dân vùng lũ không lên khu TĐC?

Mặc dù qua các kênh tuyên truyền cũng như thực tại nguy hiểm phải đánh đổi bằng tính mạng mỗi khi bão gió thiên tai ập đến… và kể cả nhận thức của bà con đã có những thay đổi. Song, đâu là lý do khiến bà con chưa chịu di dời dọc những con suối, bờ khe tiềm ẩn nguy cơ thiên tai, bão lũ?!

Bản Co Me, xã Trung Sơn là nơi đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề bởi bão lũ hồi năm ngoái. Mặc dù các hộ đã được chia đất ở khu TĐC mới nhưng vì sao họ vẫn bám trụ nơi ở cũ?! Nhiều hộ dân tỏ bày: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong khi đó khoản hỗ trợ 40 triệu đồng hoặc 75 triệu đồng của UBND tỉnh Thanh Hóa là thấp, không đủ để các hộ từ bỏ căn nhà cũ đã đầu tư kiên cố để dời đến nơi ở mới”.

Hàng chục hộ dân bản Co Me nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai nhưng hiện vẫn bám trụ không chịu di dời lên khu TĐC.

Hộ gia đình ông Phạm Mạnh Hưng (bản Co Me) thẳng thắn: “Chúng tôi sẵn lòng di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình khó khăn, để di chuyển cả căn nhà với mức 40 triệu đồng thì thực sự rất khó, mà nói thực là thấp không đủ chi phí”. Cũng theo ông Hưng phân tích: “Biết là tiếp tục ở lại đồng nghĩa với việc cá cược tính mạng của cả gia đình mỗi khi bão gió, thiên tai nhưng cũng đành chấp nhận. Chúng tôi chỉ mong tỉnh nâng mức hỗ trợ để bà con có điều kiện chuyển đến nơi ở mới”.

Hiện tại theo tìm hiểu của chúng tôi thì bản Co Me còn hàng chục hộ dân trong vùng nguy cơ thiên tai vẫn đang cố gắng bám trụ lại nơi ở cũ với nguy hiểm rình rập, số ít là chấp nhận di dời lên nơi ở mới. Mặc dù, đối với những gia đình xây kiên cố, nhà tầng... đã được hỗ trợ nâng lên mức 75 triệu đồng/hộ. Song, chính quyền địa phương vẫn gặp khó khi vận động các hộ dân.

Trường hợp hộ gia đình Phạm Bá Lĩnh (bản Co Me) cho biết: “Xã cũng có lên vận động gia đình chuyển đến nơi ở mới nhưng với mức hỗ trợ 40 triệu đồng, trong khi căn nhà mình xây trị giá gần 1 tỷ đồng. Phá bỏ nhà cũ đến nơi ở mới thì lấy tiền đâu để cất dựng”.

Cũng theo anh Lĩnh, hiện tại ngoài gia đình anh còn nhiều hộ gia đình khác bị hư hỏng, nứt toác nhà cửa do thi công nổ mìn của thủy điện Trung Sơn nhưng đến nay vẫn không được hỗ trợ, đền bù. Mặc dù trước đó chính quyền xã, huyện đã cử cán bộ về đo đếm, kiểm tra?! Việc cùng lúc chịu ảnh hưởng bởi thủy điện phải sống trong căn nhà bị hư hỏng, nứt toác, vừa nằm trong vùng nguy cơ của thiên tai khiến cho 6 khẩu trong gia đình anh Lĩnh luôn nơm nớp bất an.

Đâu là giải pháp?!

Theo quan sát, vị trí hàng chục hộ dân bản Co Me sinh sống hiện đang là nơi tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở núi cũng như bão lũ nhấn chìm. Ngay ở bản này, một vết nứt của núi dài tới nửa cây số, rộng cả chục mét xuất hiện cách đây nhiều năm nhưng đợt lũ hồi năm 2018, vết nứt này đã tiếp tục được mở rộng bởi những sạt lở. Điều đáng ngại là việc ngăn chặn những sạt lở trên bằng những rọ đá thủ công là khá mỏng manh và việc các hộ dân bản Co Me sinh sống dưới vết nứt, lở của núi thực sự đang là hồi chuông báo động.

Trong khi đó, theo quan sát thì khu TĐC mới cho gần 40 hộ dân còn lại ở bản Co Me về cơ bản đã gần như hoàn thành nhưng do để lâu không sử dụng cỏ cây mọc um tùm.

Ông Phạm Văn Diện - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn thừa nhận: Để dựng được căn nhà, nhiều hộ bỏ cả tiền tỷ để xây. Bây giờ chính quyền vận động các hộ rời bỏ căn nhà của mình với chi phí hỗ trợ nhỏ để chuyển đến nơi mới thì thực sự khó. Khó vì chuyển đến nơi mới muốn cất dựng lại căn nhà cũng không đủ tiềm lực kinh tế.

Trong khi đó, trả lời báo chí ông Trương Nho Tự - Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa mong mỏi: “Rất mong các nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ để bà con chuyển đến nơi ở mới!”. Về giải pháp tình thế, theo lãnh đạo huyện này là vẫn yêu cầu các hộ dân thực hiện nghiêm chỉnh việc di dời ngay đến nơi an toàn để đề phòng khi trời mưa lớn dễ xảy ra sạt lở núi. Vì thế, lời giải nào cho bài toán người dân sẵn sàng di dời đến nơi ở mới một cách hài hòa vẫn đang còn bỏ ngỏ?

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]