(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ xa xưa đến ngày nay, phụ nữ Việt Nam có nhiều nhân vật kiệt xuất trên mọi lĩnh vực. Ở thế kỷ thứ XVII, bà Trịnh Thị Ngọc Trúc là một trong những người như vậy!(*)

Từ hoàng hậu Diệu Viên, đến người chủ biên từ điển “Chi Nam Ngọc âm giải nghĩa” góp phần làm phong phú kho tàng tiếng Việt

Từ xa xưa đến ngày nay, phụ nữ Việt Nam có nhiều nhân vật kiệt xuất trên mọi lĩnh vực. Ở thế kỷ thứ XVII, bà Trịnh Thị Ngọc Trúc là một trong những người như vậy!(*)

Từ hoàng hậu Diệu Viên, đến người chủ biên từ điển “Chi Nam Ngọc âm giải nghĩa” góp phần làm phong phú kho tàng tiếng Việt

Tượng thờ bà Trịnh Thị Ngọc Trúc tại chùa Mật Đa, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa).

Trịnh Thị Ngọc Trúc sinh năm 1595, quê ở xã Sóc Sơn (nay là xã Vĩnh Hưng), huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa; là Hoàng hậu của nhà vua Lê Trung Hưng và là nữ văn sĩ thời bấy giờ.

Bà là con gái thứ của chúa Trịnh Tráng. Tương truyền, bà rất thông minh, hiếu học. Mới 9-10 tuổi, bà đã đọc thông viết thạo cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Bà rất giỏi văn thơ, sùng đạo Phật, chú tâm kinh kệ, miệt mài nghiên cứu bộ Kinh cang (Pháp phật). Có thời kỳ bà đã lễ quy y tại Ninh Phúc tự (chùa Bút Tháp, nay thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và được ban pháp danh Diệu Viên.

Lớn lên, bà lấy Cường quận công Lê Trụ, thuộc dòng dõi nhà Lê. Sau vì phạm trọng tội, Lê Trụ bị giam vào ngục rồi mất. Năm 1630, chúa Trịnh Tráng lại gả bà cho vua Lê Thần Tông, được tấn phong làm hoàng hậu, xưng danh Hoàng hậu Diệu Viên. Năm 1642, vua Lê Thần Tông mất, bà cùng con gái đến tu và ở hẳn tại chùa Bút Tháp...

Sự nghiệp văn chương của Trịnh Thị Ngọc Trúc khá đồ sộ. Bà không chỉ sáng tác thơ phú, mà còn dày công biên khảo bộ từ điển Hán - Nôm “Chi nam Ngọc âm giải nghĩa”. Toàn bộ cuốn sách được bà diễn giải bằng văn vần, thể lục bát, dài trên 3.000 câu, tổng số cả chữ Hán lẫn chữ Nôm có 24.000 từ, chia làm 40 chương, gồm thiên văn, địa lý, nhân luận, cách trí, lục phủ ngũ tạng… đến những vật dụng gia đình cùng binh khí, nhạc lễ, điền lễ…

Với tác phẩm trên, Trịnh Thị Ngọc Trúc đã đóng góp một phần quan trọng vào việc xây đắp nền văn học nước nhà và trực tiếp làm giàu cho kho tàng tiếng Việt. Năm 1660, bà mất tại chùa Bút Tháp, thọ 66 tuổi. Bà là một trong những văn sĩ tiêu biểu của Việt Nam thế kỷ thứ XVII.

Ngày nay, vào dịp bà mất, tại chùa Bút Tháp cũng như quê hương bà ở xã Vĩnh Hưng, nhà chùa và người dân đều tổ chức lễ dâng hương tri ân người phụ nữ tài hoa có công với nước.

Lương Vĩnh Lạng

(*) Nguồn: Cuốn “Nhân vật chí” do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hoá ấn hành năm 2015.


Lương Vĩnh Lạng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]