(vhds.baothanhhoa.vn) - Bước sang tuổi 67, Đại tá Phan Văn Thanh, ở thị trấn Thọ Xuân (Thọ Xuân) nguyên Trưởng ban Khoa học quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa vẫn mang đậm chất người lính; giọng nói dõng dạc, tác phong chuẩn chỉ của một người lính Cụ Hồ...

Vị đại tá mê “chép sử”

Bước sang tuổi 67, Đại tá Phan Văn Thanh, ở thị trấn Thọ Xuân (Thọ Xuân) nguyên Trưởng ban Khoa học quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa vẫn mang đậm chất người lính; giọng nói dõng dạc, tác phong chuẩn chỉ của một người lính Cụ Hồ...

Vị đại tá mê “chép sử”

Vợ chồng ông Phan Văn Thanh

Gặp ông khi đang đàm đạo cùng với nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử huyện Thọ Xuân. Nhấp ngụm trà Sách Lược, một loại trà quý của địa phương, ông Thanh không quên giới thiệu cuốn “Nhật ký bắn máy bay của quân và dân Thanh Hóa trong kháng chiến chống Mỹ” đang cầm trên tay cho tôi nghe.

Ông Thanh nói, khoảng thời gian 9 năm, từ ngày 5/8/1964 đến ngày 15/1/1973 quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi 376 chiếc máy bay, phá hỏng nhiều tàu chiến của địch.

Lần giở từng trang nhật ký được ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ, từ việc thống kê số liệu, cho đến ngày, giờ, đơn vị nào bắn rơi, địa điểm rơi của máy bay. Thậm chí, việc bắt sống giặc lái Mỹ, đơn vị nào bắt sống, trong trận đánh nào, thời gian, không gian rất cụ thể... Tất cả cho thấy một tình cảm đặc biệt mà vị đại tá về hưu khổ công sưu tầm, ghi chép trong nhiều năm.

Ông nói một cách rành mạch về trận chiến ngày 5/8/1964, quân dân toàn miền Bắc bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống 1 giặc lái.

Cùng với chiến công ngày 2/8 đánh đuổi tàu khu trục Mỹ, chiến thắng ngày 5/8 đã mở đầu trang sử oanh liệt, hào hùng của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam. Riêng tại Thanh Hóa, trong cả 2 đợt chiến đấu ngày mùng 2 và mùng 5/8 ở Lạch Trường (Hoằng Hóa) đã bắn rơi 2 máy bay giặc Mỹ.

Chiến thắng ngày 5/8/1964 trở thành chiến công đầu tiêu biểu, mở đầu trang sử anh hùng trong lịch sử xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Chiến thắng này đã góp phần cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ở miền Bắc và đồng bào miền Nam thi đua đánh giặc lập công, quyết tâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Vị đại tá mê “chép sử”

Cuốn nhật ký ông Thanh xem là báu vật, dự kiến sẽ sớm biên soạn lại để in thành sách.

Trên những trang giấy ố vàng, nhuốm màu thời gian, ông Thanh kể chi tiết về trận đánh 6 dân quân xã Quảng Tường, huyện Quảng Xương (nay là TP Sầm Sơn) đã phá hỏng 2 tàu biệt kích của Mỹ.

Đây là trận đánh du kích trên biển vào đêm 9/4/1966. Khi đó, 6 ngư dân phát hiện có 3 tàu biệt kích của Mỹ đi theo hình chữ V. Các ngư dân tiếp cận dùng súng AK, bộc phá, lựu đạn phá hỏng 2 tàu chiến của địch.

Ông Thanh nhận định: “Đây cũng là lần đầu tiên chiến tranh du kích trên biển, dùng phương tiện thô sơ đánh chìm tàu địch với phương tiện và vũ khí hiện đại để bảo vệ vùng lãnh hải, vùng trời và đất liền của Việt Nam”.

Trước khi đến với vai trò của một người chép sử, ông Thanh từng có những tháng năm chiến đấu trong quân ngũ, làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Lào. Là giảng viên Lịch sử, Trường Văn hóa quân khu 4 tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1983, ông là cán bộ bảo tàng Quân khu 4, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Từ tháng 7/1987, ông được điều động làm việc tại Ban lịch sử quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa và bắt đầu những năm tháng nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử kháng chiến.

Theo ông Thanh, việc chép sử là rất khó. Bởi, đòi hỏi cần sự cần mẫn, hiểu biết, và vốn thời gian sưu tầm, nghiên cứu.

Quá trình hơn 30 năm công tác, ông đã cùng với đồng nghiệp cho ra đời nhiều cuốn sách như: Thanh Hóa “Lịch sử kháng chiến chống Pháp” 1945 - 1954, xuất bản năm 1990; Thanh Hóa “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước" 1954 - 1975, xuất bản năm 1994; 50 năm - Bộ Chỉ huy Quân sự Thanh Hóa, xuất bản năm 1997; Bà Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Thanh Hóa, xuất bản năm 2000; Những trận đánh điển hình của lực lượng vũ trang Thanh Hóa, xuất bản năm 2002; Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Thanh Hóa (1945 - 2005); Lịch sử Quân sự Thanh Hóa, xuất bản năm 2024. Và làm chủ biên, biên soạn sách Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân cho 15 huyện thị trong tỉnh...

Hơn 10 năm sau ngày về hưu, ông lại tiếp tục cùng các hội viên trong Hội Khoa học Lịch sử huyện Thọ Xuân tiếp tục nỗ lực biên soạn và xuất bản 14 đầu sách về lịch sử các xã; lịch sử Đảng bộ huyện Thọ Xuân tập 3 (2010 - 2020).

Với niềm đam mê sưu tầm, nghiên cứu, những người chép sử như ông Thanh đã và đang góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cội nguồn lịch sử địa phương.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]