(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Mặc dù ngành chức năng luôn tăng cường kiểm tra, giám sát tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, song các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vẫn mọc tràn lan, khiến người tiêu dùng lo lắng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nguy cơ mất ATVSTP từ những điểm giết mổ gia súc, gia cầm tự phát

(VH&ĐS) Mặc dù ngành chức năng luôn tăng cường kiểm tra, giám sát tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, song các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vẫn mọc tràn lan, khiến người tiêu dùng lo lắng.

Lò mổ rải rác, không đảm bảo vệ sinh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 2.590 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động, trong đó có 2 cơ sở giết mổ lợn sữa xuất khẩu, 5 cơ sở giết mổ lợn tập trung và 2.583 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Sản phẩm động vật sau giết mổ chủ yếu được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh tại 448 chợ có buôn bán thịt gia súc, gia cầm. Trong đó, số chợ hoạt động được phép của chính quyền là 354 chợ, số chợ cóc tạm bợ là 94 chợ, số chợ có giám sát của cơ quan thú y là 205 chợ, chiếm 45,76%.

Qua khảo sát thực tế tại một số điểm giết mổ gia cầm trên địa bàn Thanh Hóa, điều dễ nhận thấy là tình trạng buôn bán và giết mổ thường không qua kiểm định về chất lượng; việc bảo vệ môi trường trong hoạt động giết mổ không được bảo đảm. Và điều đáng lo ngại hơn là hầu hết các điểm giết mổ này chưa quan tâm đến vấn đề phòng dịch. Tại TP.Thanh Hóa, dù đã có các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nhưng tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vẫn khá phổ biến.

Về địa điểm kinh doanh bán thực phẩm, hầu hết các tiểu thương đều thuê mặt bằng trong chợ với diện tích nhỏ, hay lấn chiếm lòng lề đường tại các "chợ cóc" điều kiện về nước, hệ thống thoát nước rất kém; việc thiết kế, xây dựng đều mang tính tự phát và tạm bợ; nguồn nước sử dụng cho giết mổ chưa bảo đảm vệ sinh. Dụng cụ giết mổ, nơi thu gom và xử lý chất thải, nước thải không đạt yêu cầu, hầu hết nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng vào môi trường gây ô nhiễm. Trong khi đó, người giết mổ thiếu quan tâm đến quy định vệ sinh y tế cá nhân và thú y trong giết mổ...

Dạo quanh các khu chợ: Mường Thanh, Đầu Mối, Nam Thành, các “chợ cóc” (TP Thanh Hóa), tình trạng gia súc, gia cầm làm sẵn không có dấu kiểm dịch vẫn vô tư được bày bán. Tại "chợ cóc" phía sau Khách sạn Mường Thanh có tới 2 điểm giết mổ tự phát. Chúng tôi đã chứng kiến tiểu thương dùng một chậu nước rửa cả chục con gà, vịt vừa mới giết mổ xong. Dù chậu nước đã bẩn, nhưng khi khách hàng phàn nàn thì người kinh doanh kiêm giết mổ lấp liếm: “Rửa qua đi thế thôi, chứ đằng nào về nhà chẳng phải bóp muối, rửa lại nhiều lần”. Điều dễ nhận thấy là vấn đề phòng dịch không được chú trọng, sản phẩm gia cầm sau khi chế biến còn để lẫn lộn với các chất thải, đây là nguyên nhân dẫn đến việc nhiễm khuẩn và lây lan mầm bệnh.

Một điểm giết mổ tự phát tại "chợ cóc" ngay phía sau Khách sạn Mường Thanh (TP Thanh Hóa).

Mặc dù việc giết mổ tại chợ, khu dân cư gây ô nhiễm và có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, nhưng người tiêu dùng lại thường mua và nhờ giết mổ luôn cho tiện, với quan niệm là "tươi" và nhìn tận mắt. Chị Lê Thị Tâm (phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) cho hay: "Chưa nghĩ tới chuyện lây bệnh thế nào, thấy mổ trực tiếp, tươi sống là yên tâm, nên mua xong nhờ làm luôn về nhà không phải mất công...".

Đâu là giải pháp?

Dư luận xã hội đặt ra câu hỏi vì sao nhiều năm qua các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vẫn có "đất sống", trong khi người dân ai cũng biết ông nào chủ lò mổ lợn, bà nào chủ lò mổ trâu, bò "chui"? Theo Phó Chi cục Thú y Thanh Hóa Đặng Văn Hiệp, nguyên nhân là do chính quyền ở các địa phương còn lơ là trong việc xử lý nghiêm các điểm giết mổ tự phát; chưa thực sự quan tâm triển khai quy hoạch giết mổ trên địa bàn quản lý; chưa có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ. Bên cạnh đó, các hộ giết mổ chưa nhận thức đúng về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm mà chỉ chạy theo lợi ích trước mắt, chưa ủng hộ việc đưa động vật vào giết mổ tập trung. Cuối cùng, do số lượng chợ đầu mối buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm chưa đáp ứng nhu cầu cho nên hiện tượng buôn bán, kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ “cóc”, chợ tạm phục vụ đời sống dân sinh vẫn diễn ra thường xuyên, lại được vận chuyển bằng xe máy không bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y...

Để kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm có hiệu lực và hiệu quả, Phó Chi cục Thú y Thanh Hóa Đặng Văn Hiệp cho rằng một trong những giải pháp đưa ra là xây dựng các khu giết mổ tập trung, nâng cấp các cơ sở hiện có theo đúng quy định, bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn, từ đó chấm dứt hoạt động của các lò mổ nhỏ lẻ.

Có thể nói thực trạng giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thanh Hóa hiện nay và sự thờ ơ của người tham gia giết mổ cũng như người tiêu dùng trong khâu vệ sinh phòng dịch là rất đáng lo ngại. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin, biện pháp phòng, chống dịch cho người dân; đồng thời tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra và có chế tài xử lý đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vi phạm...

Doãn Tài



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]