(vhds.baothanhhoa.vn) - Nguyễn Công Duẩn (còn có tên là Duẫn, Chuẩn) sinh ra ở làng Gia Miêu huyện Tống Sơn (nay thuộc huyện Hà Trung), là một công thần triều Lê. Với công lao to lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông đã được ban quốc tính, được vua sắc phong khen tặng và tuyên dương công trạng.

Nguyễn Công Duẩn, khai quốc công thần nhà Lê

Nguyễn Công Duẩn (còn có tên là Duẫn, Chuẩn) sinh ra ở làng Gia Miêu huyện Tống Sơn (nay thuộc huyện Hà Trung), là một công thần triều Lê. Với công lao to lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông đã được ban quốc tính, được vua sắc phong khen tặng và tuyên dương công trạng.

Nguyễn Công Duẩn, khai quốc công thần nhà LêĐình thờ Thành hoàng làng Nguyễn Công Duẩn.

Ngọn cờ yêu nước từ Lam Sơn vừa dấy lên đã được Nhân dân và hào kiệt khắp nơi hưởng ứng, giặc Minh mở thêm nhiều đợt tấn công, bao vây tứ phía khiến nghĩa quân lao đao, gặp nhiều khó khăn trở ngại. Trước tình hình “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/ Lúc Khôi Huyện quân không một đội”, nghĩa quân phải đào củ mài, giết ngựa để có cái ăn. Đứng trước tình trạng nguy kịch đó, Nguyễn Công Duẩn vừa lấy thóc gạo của gia đình vừa quyên góp Nhân dân trong vùng giúp nghĩa quân vượt qua gian khổ bước đầu, để tiếp tục cuộc chiến cứu nước.

Từ năm 1416, ngay sau hội thề Lũng Nhai, Nguyễn Công Duẩn đã cung cấp cho nghĩa quân 3.500 thạch (thùng lớn) thóc. Năm Mậu Tuất (1418), chỉ ít ngày sau khi “dấy cờ khởi nghĩa” đã diễn ra cuộc chiến đấu không cân sức giữa một bên là nghĩa quân Lam Sơn mới thành lập, thiếu thốn mọi bề, với một bên quân xâm lược Minh hùng hậu và thiện chiến, Lê Lợi đành lui quân về núi Chí Linh. Trước quân số ngày càng ít lại thêm bệnh tật hoành hành, chí khí quân lính có phần bị nao núng, thiếu thốn lương thực, Nguyễn Công Duẩn đã cung cấp 5.300 thạch thóc để nuôi quân và còn đem binh giải vây. Năm 1425, khi Bình Định vương tiến đánh Nghệ An, ông cung cấp 5.500 thạch thóc và 500 bao muối. Trong các trận Ninh Kiều, Tốt Động (1426) và Xương Giang, Chi Lăng (1427) ông đã hoàn thành tốt đẹp công việc vận chuyển lương thực và vũ khí. Khi ông giữ cửa ải Lê Hoa (thuộc địa phận Lào Cai ngày nay), tướng Minh là Mộc Thạnh sợ ông như cọp nên gọi ông là Hổ đầu tướng quân.

Điều này sách “Phủ biên tạp lục”, “Việt sử xứ Đàng Trong”, “Nguyễn Phúc tộc thế phả”... đều ghi rất rõ công trạng và khẳng định Nguyễn Công Duẩn đã lo chu tất nhiệm vụ hậu cần vận lương cho cuộc khởi nghĩa. Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ trong bài “Nguồn gốc Gia Miêu ngoại trang và những đóng góp của dòng họ Nguyễn trong lịch sử dân tộc” viết: Tổ tiên Nguyễn Công Duẩn đã sớm biến cả một vùng sơn lam chướng khí, nước độc hóa nước lành, đất chua thành đất ngọt để xây nên những đồng lúa tốt. Chắc chắn, lương thực gia đình họ Nguyễn phải tích lũy qua nhiều đời, giàu hơn cả Lê Lương giáp Bối Lý thời Đinh Lê mới đủ cung cấp cho nghĩa quân Lam Sơn nhiều vạn thạch lương trong suốt 10 năm kháng chiến.

10 năm ròng rã chiến đấu gian khổ, khởi nghĩa Lam Sơn đã thắng lợi hoàn toàn, Lê Lợi lên ngôi, “họp các tướng cùng quan lại văn võ để định việc phong thưởng, căn cứ vào công tích cao thấp mà xếp cấp bực phẩm hàm”. Nói về Nguyễn Công Duẩn, vua Lê Thái Tổ tuyên dương: “Nhà ngươi không lười điều binh, tiến lương, vào ra nguy hiểm không quản sống chết. Nhớ công ngươi bẻ gãy ngọn giáo, làm quằn lưỡi gươm quân thù, thừa thắng đánh giặc, một mình rong ruổi đông tây, ngăn sông phá núi để lo nạn nước. Công lao ngươi mọi người đều biết, thật là cảm kích!”.

Để tri ân công trạng của Nguyễn Công Duẩn, năm 1429, vua Lê Thái Tổ “chuẩn lấy Trang Xã ở huyện Tống Sơn là ruộng của nhà thế gia triều trước, nay tuyệt, không người thừa kế. Và ruộng đất bỏ hoang, cho Công Duẩn làm của riêng, cộng 470 mẫu”. Sau khi được ban ruộng, gia đình Nguyễn Công Duẩn phải tự tổ chức khai khẩn biến ruộng hoang thành ruộng thục.

Không chỉ có ban ruộng, Nguyễn Công Duẩn còn được phong tước Thái Bảo Hoằng quốc công, con cháu được đời đời làm công thần nhà Lê. Vì thế, chỉ tính riêng thời Lê Thánh Tông, dòng họ Nguyễn có tới hơn 200 người làm quan trong triều (theo Nguyễn Phúc tộc thế phả).

Tìm về Gia Miêu ngoại trang nay là thôn Gia Miêu, xã Hà Long (Hà Trung) trước không gian bát ngát của ngôi đình có lịch sử hơn 200 năm, chúng tôi thêm hiểu về số phận bể dâu của di sản, những bậc tiền nhân trải qua nhiều biến động của thời cuộc. Dẫu tiểu sử của Nguyễn Công Duẩn còn nhiều khuyết nghi, ngay cả năm sinh và năm mất vẫn là dấu hỏi, nhưng công trạng của ông thì đã “rành rành”.

Đất Gia Miêu ngoại trang là quê hương của 9 chúa, 13 vua triều Nguyễn, kéo dài 387 năm. Một chặng đường dài ấy có vai trò rất lớn của khai quốc công thần Nguyễn Công Duẩn. Ông được nhắc và ghi công nhiều nhất với vai trò là người cung cấp lương thực cho nghĩa quân Lam Sơn.

Nguyễn Công Duẩn, khai quốc công thần nhà LêMột mảng chạm khắc tại đình Gia Miêu.

Trong lịch sử, có 5 vị vua triều Nguyễn đã về nơi này. Theo sử sách, năm 1804, sau khi vua Gia Long lên ngôi đã cho xây dựng khu miếu Triệu Tường (cách lăng Triệu Tường chừng hơn 1km) để thờ cúng tổ tiên; cho làm đình Gia Miêu để tri ân quê gốc, ngoài ra còn hàm ý như một tặng vật cho quê cha đất tổ. Cũng trong dịp này, nhà vua phong Gia Miêu ngoại trang là đất quý hương, huyện Tống Sơn là quý huyện để con cháu nhớ về tổ tông dòng tộc.

Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), vua Minh Mạng đã về đây và có đề một bài minh trên tấm bia dựng ở khu lăng miếu Triệu Tường rằng: “Đất lớn chúa thiêng sinh ra Triệu Tổ/ Vun đắp cương thường nêu rạng thánh võ/ Nghĩa động quỷ thần công truyền vũ trụ...”. Vua Minh Mạng cho xây thêm một lớp thành lũy nữa bao bọc ở bên ngoài. Có thêm vọng lâu, tam quan, đào hào vây quanh theo thế “thành cao hào sâu” để bảo vệ.

Ngoài ra vua Thiệu Trị, Thành Thái và Bảo Đại cũng đã về đây. Đặc biệt, tháng 2/1947, trong lần vào thăm Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về dâng hương, tưởng nhớ các vị tiền nhân của vương triều Nguyễn.

Ông Nguyễn Hữu Phán, người trông coi tại Đình làng Gia Miêu không chỉ tự hào về dòng họ Nguyễn mà còn kể cho chúng tôi nghe về những thăng trầm của ngôi đình. Đình thờ Thành hoàng làng là Nguyễn Công Duẩn, có kết cấu kiến trúc độc đáo, với hình thái “nửa kiến trúc, nửa điêu khắc”, tạo thành mối quan hệ hài hòa nhưng không thiếu phần linh thiêng, uy nghi bao trùm. Khi mới được xây dựng, đình là nơi hội họp các chức sắc trong huyện, phủ cũng là nơi để tuyển quân và luyện quân cung cấp quân đội cho nhà Lê, đồng thời là nơi để tế lễ, hội họp việc làng. Hằng năm, đình có 3 lễ tế gồm: Lễ kỳ phúc của làng vào ngày 25 tháng 10 âm lịch; Lễ rước văn từ nhà thờ họ Nguyễn Hữu ra đình ngày 11/11 âm lịch và ngày giỗ cụ Nguyễn Công Duẩn ngày 10/7 âm lịch.

Gia Miêu đã từng là một khu thành miếu nguy nga vang bóng một thời, và nay trong quá trình trùng tu, tôn tạo, bóng dáng của các bậc tiền nhân vẫn còn đó, hiện rõ trong từng đường nét chạm trổ là niềm tự hào của cháu con về những con người tạo dựng nên mảnh đất quý hương trong đó có Nguyễn Công Duẩn, bậc khai quốc công thần triều Lê.

Bài và ảnh:KIỀU HUYỀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]