Nhớ về một nhà lãnh đạo mẫu mực
Những ngày Hà Nội và cả nước đổ mưa, lòng người nặng trĩu khi nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Vẫn biết sinh tử là quy luật trong cuộc đời mỗi con người. Song, với những gì con người ấy đã làm cho dân tộc này, Nhân dân mãi biết ơn ông. Là người yêu sách, tôi đã tìm đến cuốn: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Thêm một lần chiêm nghiệm để thêm một lần nữa trân quý những di sản mà Tổng Bí thư để lại cho dân tộc Việt Nam.
Bằng một cơ duyên nào đó, cách đây vài năm khi còn đang theo học một khóa học do cơ quan phân công, tôi đã có bài viết: “Phòng chống tham nhũng không phải là cuộc thanh trừng nội bộ”. Bài viết đó có các luận điểm để phản bác những xuyên tạc của thế lực thù địch như: Tham nhũng là hiện tượng của mọi nhà nước; phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của mỗi quốc gia khi tham gia Công ước quốc tế về chống tham nhũng; quan điểm, cách thức đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam mang tính khoa học, cách mạng, hợp lòng dân và xu thế thời đại; Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, làm trong sạch bộ máy cán bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng an ninh, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Nếu đã nhìn nhận tham nhũng là một hiện tượng xã hội ở bất kỳ nhà nước nào, phòng, chống tham nhũng là vấn đề hệ trọng đặc biệt quan tâm của bất kỳ chế độ chính trị nào thì cũng phải thừa nhận rằng lợi dụng công cuộc phòng, chống tham nhũng để chống phá nhà nước, chống phá chế độ cũng sẽ luôn là một hiện tượng dai dẳng.
Tuy nhiên, phủ nhận thành quả, nỗ lực của bất kỳ nhà nước nào trong công cuộc phòng chống tham nhũng; lợi dụng những khó khăn và thách thức trong hành trình ấy để thổi phồng, xuyên tạc, hoặc trắng trợn bẻ cong bản chất mục đích cách mạng của cuộc đấu tranh ấy là dã tâm thù địch cần phải được nhận diện, lên án và bác bỏ.
Với tinh thần “kiên quyết, bình tĩnh và tỉnh táo” ví von hình ảnh là “đánh chuột không làm vỡ bình”, Việt Nam đã và đang thể hiện đúng tinh thần của nhà kinh điển V.I. Lênin từng cảnh báo cần tránh hai khuynh hướng sai lầm thường mắc khi phòng, chống tham nhũng: 1) Cho rằng đó là thuộc tính của xã hội có phân chia giai cấp, nhà nước nên sự xuất hiện và tồn tại của nó là tất yếu, con người chỉ có thể hạn chế mà không xóa sạch nó; 2) Quan niệm giản đơn, đây là căn bệnh dễ chữa trị nên có thể hạn chế, khắc phục nó chỉ trong thời gian ngắn. Thực ra, “cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu đòi hỏi hàng chục năm. Đây là cuộc đấu tranh cực kỳ khó khăn” (V.I.Lênin: Toàn tập, t.42. tr.309.).
Vừa vặn thay, hơn 10 năm kể từ 2012 đến nay, những bài học kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam không chỉ là thực tiễn mà còn chính là luận cứ khoa học lý luận đanh thép phản bác lại bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức và bất kỳ một thế lực nào muốn âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; thủ đoạn đê hèn bôi nhọ, bẻ cong những thành tựu toàn diện, bền vững của Việt Nam trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Mọi người thường ví von ông là “Người đốt lò vĩ đại”. Trong cảm quan và nhận thức của riêng mình, tôi thầm nghĩ: Ông là một nhà lãnh đạo mẫu mực. Văn hóa và tài năng của người lãnh đạo thường được biểu hiện bởi các quyết định. Và bằng “Những bước tiến mới về nhận thức”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là một điển hình mẫu mực của người đứng đầu một Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Di sản của Tổng Bí thư: “Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực” chắc chắn sẽ được Nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam kế tục, hoàn thành.
Biết ơn, kính trọng và cúi đầu tiễn biệt trước một trái tim lớn nồng ấm vì nước, vì dân. Con người ấy đã về với thế giới người hiền. Những người ở lại dẫu nặng trĩu ưu tư biết bao, song điều còn lại, chúng ta vẫn phải “xắn tay áo làm” nhằm hiện thực hóa những điều mà người đứng đầu Đảng ta hằng mong mỏi.
Nhân gian đang trong những ngày cuối hạ, đầu thu. Sen thơm còn man mác đâu đây. Mùa an cư kiết hạ vẫn còn. Hãy nhẹ bàn chân một chút, lời thì thầm cũng trở nên nhỏ hơn một chút. Trong niềm tiếc thương, hãy để tinh thần yêu nước, đoàn kết quý báu của dân tộc bừng sáng, cố kết tạo thành sức mạnh tinh thần, trở thành nguồn động lực to lớn để dẫn dắt Nhân dân đồng lòng tiến về phía trước.
Mãi nhớ về ông - một con người đã dày công kiến tạo để Việt Nam “chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Đất quê hương sẽ ôm ông vào lòng. Những câu dân ca, những câu Kiều mà ông yêu thích vẫn còn ngân nga mãi. Và lời dùng dằng:
“Người ơi người ở đừng về”- Sao nghe nghẹn ngào đến thế!.
Nguyễn Hường
- 2024-09-13 15:00:00
Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch tại “Vịnh Hạ Long trên cạn của xứ Thanh”
- 2024-09-13 13:22:00
Khắc đi... Khắc đến - Bản lĩnh vững vàng của một người từng trải
- 2024-07-19 16:45:00
Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách tham quan
Xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt 15 đối với 3 di tích
Kỳ vọng từ những tủ sách ở thôn
Khẳng định sức sống của di sản văn hóa phi vật thể sau khi được vinh danh
Tái tạo nội tâm - Những con đường xoa dịu trái tim
Ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng bị đình chỉ biểu diễn do sử dụng trang phục không phù hợp
Lan tỏa nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư về phát triển văn hóa
894 tác phẩm vào sơ khảo giải báo chí vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch
Chuỗi phim hoạt hình đầu tiên vượt mốc doanh thu 5 tỷ USD trên toàn cầu
“Uống rượu như hũ chìm” là sao?