Như hoa hướng dương
Đào Thanh Hương kể câu chuyện đời mình bằng sự lạc quan, tin tưởng. Khi sinh ra đã khuyết đôi bàn chân và bàn tay trái nhưng anh vẫn có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Anh bước về phía trước, như hoa hướng dương hướng về mặt trời...
Một buổi bồi dưỡng học sinh giỏi của thầy giáo Đào Thanh Hương tại Trường THCS Đa Lộc (Hậu Lộc).
Chào đời
Đứa trẻ không đôi bàn chân, không bàn tay trái cách đây 48 năm, giờ đã là nhà giáo với “bảng vàng” về thành tích. Gần đây nhất, vào ngày 15/4/2024, thầy giáo Đào Thanh Hương đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tặng Bằng khen về tinh thần vượt khó vươn lên trong giảng dạy và giáo dục. Vinh dự này không phải ai cũng đạt được và càng khó hơn với người khuyết tật. Nhưng Đào Thanh Hương đã làm được. Anh vượt số phận và đã chiến thắng số phận. “Trái ngọt” của ngày hôm nay cũng bởi anh đã gieo niềm tin trong cuộc sống này.
Mùa thu năm 1976, Đào Thanh Hương cất tiếng khóc chào đời tại xã Đa Lộc (Hậu Lộc). Đón đứa con đầu lòng, mẹ anh đã bật khóc. Những giọt nước mắt của hỗn độn cảm xúc, mừng ít, tủi nhiều. Sau 6 năm kết hôn, bà mới có con. Nhưng con bà sinh ra không có 2 bàn chân, không bàn tay trái. Di chứng chất độc da cam từ chồng bà đã để lại những khiếm khuyết trên cơ thể con.
Có một chi tiết cũng hết sức xúc động về người bố của thầy giáo Đào Thanh Hương. Năm 1976, khi nghe tin vợ sinh con với một cơ thể không lành lặn, ông từ chiến trường trở ra. Khi đến ga Nghĩa Trang, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa), ông đã dừng lại và đi bộ hơn 30km để về nhà. Thầy giáo Đào Thanh Hương kể lại: “Vào sáng ngày hôm sau bố tôi mới về đến nhà. Khi mở cửa, thì trước mắt mọi người là người đàn ông mái tóc đã bạc trắng. Có lẽ là ông đau khổ...”.
Đi học
Như những đứa trẻ khác, đến tuổi đi học, cậu bé Đào Thanh Hương cũng háo hức đến trường. Nhưng như Đào Thanh Hương tự nhận, những năm tháng tuổi thơ, bản thân chưa thấy hết những khiếm khuyết cơ thể là thế nào. Lên THCS, trong một lần tập thể dục giữa giờ trên sân trường, anh đứng phía sau nhưng bị một bạn đẩy lên phía trước. Hành động đó không phải sự ưu tiên mà là sự cố tình trêu chọc để mọi người thấy rõ khiếm khuyết của anh. Khi những ánh mắt tò mò đổ dồn về phía mình, cũng là lúc anh quay lại nhìn nhận bản thân để thấy rõ sự khác biệt với các bạn. Nhưng điều đó không làm Đào Thanh Hương tự ti, mặc cảm. Anh dặn lòng, phải cố gắng hòa nhập hơn để không lạc lõng, học thật giỏi để không ai bắt nạt. Cả 2 điều này, Đào Thanh Hương đều làm được và làm tốt. Vậy nên, những năm tháng ở trường tiểu học và THCS đã qua đi nhẹ nhàng, không có gì quá khó khăn với Đào Thanh Hương.
Nhưng lên THPT, khó khăn hiện rõ. Ngôi trường Đào Thanh Hương theo học cách nhà hơn 10km. Điều này đồng nghĩa, anh phải đi xe đạp đến trường. Bố anh, người đàn ông mang cả sự cứng rắn và quyết tâm của một người lính đã dạy cho con đi xe đạp. Ông đóng cho con trai 2 đế cao su buộc vào cùi chân, tạo bàn giả. Ông bế con lên xe và cứ thế đẩy đi. “Tôi sau 2 tháng hè tập xe rồi cũng biết đi xe”. Đào Thanh Hương nói. “Đó là cuộc hành trình vô cùng khó nhọc. Bởi người như tôi lên xe đã khó, còn phải trụ trên xe, chống chân... Đã không biết bao lần ngã và “đổ máu”. Nhưng tôi không than phiền, kêu la, một phần vì sợ bố, một phần vì bản thân, nếu không kiên trì, không quyết tâm thì rất khó học tiếp...”.
Điều đặc biệt, tại Trường THPT Hậu Lộc 1, nơi Đào Thanh Hương theo học, anh ghi thêm nhiều dấu ấn với 3 năm liên tục đạt học sinh giỏi, là một đoàn viên xuất sắc trong thực hiện các phong trào của trường, lớp.
Chuyện đi học của Đào Thanh Hương chưa dừng ở đây. Năm 1994, Đào Thanh Hương thi vào khoa Ngữ văn của Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Thanh Hóa (nay là Trường Đại học Hồng Đức) với 25,5 điểm, khá cao lúc bấy giờ. Nhưng ngày nhập học cũng là ngày anh như tuyệt vọng. Bởi ban tuyển sinh Trường CĐSP Thanh Hóa khước từ, không nhận anh vào trường với lý do: Quy chế ngành không tiếp nhận sinh viên không đủ sức khỏe. Đào Thanh Hương “chết” lặng. Bao ước mơ, dự định về nghề giáo hoàn toàn sụp đổ trong anh. Nhớ lại giây phút ấy, giọng anh đến giờ vẫn còn thảng thốt: “Trước đây dù có nghĩ về khác biệt cơ thể, hoặc những khó khăn trải qua nhưng không nghĩ nó lại đến một cách đau đớn thế. Tôi rất tuyệt vọng. Trong 2 ngày sau đó, tôi không về nhà. Tôi ở trọ gần Trường CĐSP Thanh Hóa như vừa cảm nhận sự nuối tiếc vừa như nhắc nhở bản thân, rằng từ đây ước mơ của mình sẽ không bao giờ có được nữa”.
Với khao khát cháy bỏng nghề giáo, anh đã làm điều mà khó ai nghĩ đến. Anh viết tâm thư gửi Ban Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cùng Ban Giám hiệu Trường CĐSP Thanh Hóa để xin học 2 năm đầu đại cương. Rất mừng, đề nghị này, đã được chấp nhận.
Trong suy nghĩ của Đào Thanh Hương, học xong 2 năm, anh sẽ tự lo cho năm thứ 3, sẽ đi học trường khác mà không phải sư phạm. Sau khi được nhận vào học tại Trường CĐSP Thanh Hóa, Đào Thanh Hương học như chưa bao giờ được học. Bởi anh biết, ở lại trường chỉ 2 năm nên phải rất trân trọng khoảng thời gian này. Bên cạnh đó, anh tích cực tham gia các hoạt động của đoàn trường, các hoạt động xã hội, đặc biệt lúc bấy giờ anh đã tham gia dạy học miễn phí cho học sinh cơ nhỡ không nơi nương tựa tại cơ sở dạy từ thiện Nguyễn Thị Ngọc Quỳ. Trong 2 năm học đại cương, bất ngờ Đào Thanh Hương đã nhận được học bổng của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa.
Sự nỗ lực này đã mang đến cho Đào Thanh Hương “bước ngoặt” lớn: Lần đầu tiên Trường CĐSP Thanh Hóa quyết định để 1 sinh viên khuyết tật tiếp tục theo học ngành sư phạm. Anh là 1 trong những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của trường. Tuy vậy, “ra trường, vui nhiều nhưng lo cũng không ít. Những câu hỏi cứ quẩn quanh với tôi, rằng tôi sẽ đối diện với học sinh ra sao? Các em liệu có chấp nhận tôi? Nếu đi các huyện miền núi xa xôi thì di chuyển thế nào? Đấy là cả vấn đề. Khó khăn thực sự”, anh Đào Thanh Hương chia sẻ.
Dạy học
Sau khi tốt nghiệp, Đào Thanh Hương được phân công về dạy tại huyện nhà, về chính tại ngôi trường anh đã từng theo học: Trường THCS Đa Lộc. Ở đây, anh không chỉ được gặp lại thầy, cô giáo cũ mà còn nhận được cả tình thương, sự ưu ái của Ban Giám hiệu Trường THCS Đa Lộc đó là phân công cho anh dạy ở lớp ngoan nhất.
Tiết dạy đầu tiên ở lớp ngoan nhất với 32 học sinh. Thầy giáo Đào Thanh Hương bước vào lớp, lạ kỳ, cả 32 học sinh không ai đi dép. Sau tiết dạy, thầy giáo hỏi học sinh. Lớp trưởng đại diện trả lời: Thưa thầy! Chúng em bàn nhau, thầy không đi dép thì học sinh cũng không đi dép để giống thầy, chia sẻ với thầy và để thầy tự tin. Trấn tĩnh, Đào Thanh Hương nói với học sinh: “Thương thầy không phải làm như thế. Thương thầy là học tốt hơn, không bạn nào ốm đau đấy mới là thương thầy. Chứ không phải thương thầy là cứ làm giống thầy”.
Lớp ngoan nhất, kỷ niệm cũng nhiều nhất. Nhắc đến kỷ niệm, hẳn Đào Thanh Hương không thể quên kỷ niệm lớn nhất trong cuộc đời là lấy vợ. Anh có chuyện tình đẹp như cổ tích với một cô giáo cùng trường. Chia sẻ và thông cảm, thấu hiểu và yêu thương, hai người nên duyên chồng vợ. Chỉ tiếc, cuộc hôn nhân lúc đầu không được gia đình bên vợ chấp nhận. Đám cưới do đó không tổ chức tại nhà cô dâu, chú rể mà tổ chức tại trường, nơi công tác của 2 vợ chồng. Cho đến sau này, khi những đứa con ra đời với cơ thể lành lặn mới xoa dịu được sự lo lắng của bên ngoại. Cuộc hôn nhân lúc đấy được chấp nhận.
Đào Thanh Hương vẫn nói vui rằng, anh được rất nhiều “lộc” ở Trường THCS Đa Lộc. “Lộc” lấy vợ, “lộc” được đồng nghiệp, học trò thương yêu và “lộc” thành tích. Thành tích ở đây, tức trong 26 năm giảng dạy ở ngôi trường này, năm nào anh cũng có học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Tiêu biểu như năm học 2023-2024, anh có 13 học sinh đi thi học sinh giỏi cấp huyện thì cả 13 học sinh đều đoạt giải. Đặc biệt, trong đó có 1 giải nhất, 2 giải nhì môn Lịch sử và Địa lý (năm 2009, thầy giáo Đào Thanh Hương hoàn thành chương trình đại học tại Đại học Vinh, khoa Sư phạm Ngữ văn - Lịch sử).
Năm nay, học sinh đoạt giải nhất môn Lịch sử và Địa lý là em Đoàn Thị Huyền Trang, học sinh lớp 8A - người học trò “cưng” của thầy giáo Đào Thanh Hương. Từ năm lớp 6 đến nay, năm nào Huyền Trang cũng có giải mang về. Năm học này, Trang đoạt giải cao nhất. Học sinh Đoàn Thị Huyền Trang nói về người thầy của mình: “Thầy truyền rất nhiều năng lực tích cực cho học sinh. Nghị lực phi thường của thầy đã giúp chúng em có thêm niềm tin để đạt kết quả tốt nhất trong học tập”.
- “Tấm gương về nghị lực, ý chí vượt khó vươn lên của thầy giáo Đào Thanh Hương cần được nhân lên thành điển hình để thế hệ trẻ học tập, noi theo”. (Bà Lê Thị Mai Oanh, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam) - “Không chỉ truyền kiến thức, thầy giáo Đào Thanh Hương còn truyền cảm hứng, tình yêu thương. Vợ chồng thầy đã thành lập Quỹ khuyến học Song Hương bằng chính từ số tiền lao động của 2 vợ chồng. Từ quỹ khuyến học này, đã trao học bổng cho học sinh có thành tích cao trong học tập, hỗ trợ, giúp đỡ học sinh nghèo, thiếu điều kiện học tập của nhà trường”. (Ông Trần Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Đa Lộc) |
Đào Thanh Hương đã lan tỏa điều tốt đẹp tới học trò, đồng nghiệp. Trong môi trường giáo dục, anh không quên bản thân là người khuyết tật nhưng cũng chính vì là người khuyết tật nên anh càng nghiêm khắc chuyện nghề và đặt mục tiêu cụ thể để phấn đấu. Những gì anh làm được, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, ở phía sau đó còn là câu chuyện của lòng tri ân. Là câu chuyện về Vũ Văn Thắng, người bạn cùng quê, cùng lớp với Đào Thanh Hương. Người đã tự nguyện chở xe đạp đưa anh đi học vào những lúc anh khó khăn nhất, đặc biệt vào năm cuối THPT. Thời điểm này, Đào Thanh Hương dồn sức để ôn thi đại học nên sức khỏe rất yếu. Lúc này anh chỉ 35kg. Những tưởng sẽ mãi có bạn trong cuộc đời, nhưng cách đây 10 năm, Vũ Văn Thắng đã ra đi vì bệnh hiểm nghèo.
Đó còn là câu chuyện cách đây 33 năm, vào năm 1991 khi Đào Thanh Hương dự lễ khai giảng năm học đầu tiên ở trường THPT. Nhắc chuyện cũ, nguyên giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Thanh không giấu được xúc động. Hình ảnh, chi tiết câu chuyện, vẫn còn ám ảnh bà đến hôm nay. Bà kể lại: “Một học sinh khuyết tật nhỏ bé, gầy gò đi trên một chiếc xe đạp và bị ngã, ngất tại cổng trường ngay trước mặt tôi, người bê bết máu. Tôi cũng kịp nhận ra, đây chính là người học trò đặc biệt của lớp mà tôi làm chủ nhiệm. Tôi bế vội học sinh vào phòng y tế của nhà trường. Về sau này, người học trò ấy đạt rất nhiều thành tích cao trong học tập”.
Đào Thanh Hương nói, anh thích nhân vật Paven trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai A.Ostrovsky, ấn tượng nhất câu nói: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí...”. Câu nói là sức mạnh tinh thần và Đào Thanh Hương đã học được nhiều điều từ câu nói đấy, để anh nhận ra: “Nhìn lại 26 năm trong nghề, tôi luôn phấn đấu để thành người có ích, ít khi gục ngã. Có thể vấp ngã nhưng đứng dậy đi tiếp, động viên chính mình, cố gắng sống đẹp, sống tốt...”.
Bài và ảnh: Vi An - Vân Anh
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:02:00
Thận trọng với đồ ăn vặt trước cổng trường
-
2024-11-20 06:38:00
Cô giáo cuộc đời tôi...
-
2024-06-13 15:03:00
Thủ khoa đầu vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn: Yêu con số, thích thể thao
“Nới lỏng” nhưng liệu có “lạm phát”
Ngành giáo dục Như Thanh tích cực chuyển đổi số
Sĩ diện mùa thi
Lan tỏa phong trào thi đua từ Hội thi cán bộ, hội viên làm khuyến học giỏi
Thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT
Bí quyết ôn thi tốt nghiệp THPT hiệu quả giai đoạn “nước rút"
Ngày hè của trẻ em vùng cao
Chào hè - “tạm biệt” bảng đen, phấn trắng
Kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT