(vhds.baothanhhoa.vn) - Đồng bào dân tộc Thổ ở Thanh Hóa sinh sống tập trung tại huyện Như Xuân, chủ yếu ở thị trấn Yên Cát và các xã: Cát Tân, Cát Vân, Hóa Quỳ, Bãi Trành, Xuân Bình, Bình Lương, hiện có khoảng gần 10 nghìn người. Trong quá trình phát triển, đồng bào dân tộc Thổ nơi đây đã giao lưu, tiếp nhận văn hóa của các dân tộc khác, đồng thời không ngừng bảo tồn, phát huy tiếng nói, trang phục, nghề truyền thống của dân tộc mình.

Như Xuân bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Thổ

Đồng bào dân tộc Thổ ở Thanh Hóa sinh sống tập trung tại huyện Như Xuân, chủ yếu ở thị trấn Yên Cát và các xã: Cát Tân, Cát Vân, Hóa Quỳ, Bãi Trành, Xuân Bình, Bình Lương, hiện có khoảng gần 10 nghìn người. Trong quá trình phát triển, đồng bào dân tộc Thổ nơi đây đã giao lưu, tiếp nhận văn hóa của các dân tộc khác, đồng thời không ngừng bảo tồn, phát huy tiếng nói, trang phục, nghề truyền thống của dân tộc mình.

Như Xuân bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc ThổTrang phục phụ nữ dân tộc Thổ huyện Như Xuân trong ngày hội.

Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân Lê Anh Tuấn cho biết: Huyện có 4 dân tộc sinh sống là Thái, Thổ, Mường, Kinh. Mỗi dân tộc lại có nét văn hóa đặc trưng được hình thành từ lâu đời với những giá trị văn hóa truyền thống trong các lễ hội, phong tục, tập quán, nghi lễ, trang phục, nghề truyền thống. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn luôn xác định được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đưa văn hóa các dân tộc thiểu số trở thành một trong những yếu tố tích cực, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Trong đời sống, sinh hoạt, người dân tộc Thổ có nếp sống giản dị, không phô trương hay hoa mỹ, vì vậy trang phục cũng mộc mạc, bình dị, mang sắc màu của đất đai, cỏ cây hoa lá, duyên dáng và kín đáo như chính tâm hồn họ. Trang phục của người Thổ ngày nay đã thay đổi rất nhiều, về cơ bản ăn mặc khá giống với người Kinh, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên và trung niên, người già chỉ còn mặc y phục trong những dịp quan trọng như lễ, tết hay công việc quan trọng như đám ăn hỏi, đám cưới... Tuy có sự thay đổi và giao thoa về trang phục như vậy, nhưng người Thổ vẫn ý thức rất rõ về trang phục của mình, điều này vừa lưu giữ những trang phục cổ truyền, vừa tạo nên sự đa dạng và phong phú về trang phục, kiểu cách ăn mặc của họ trong cuộc sống.

Là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc Thổ sinh sống, nhận thức sâu sắc về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, những năm qua cấp ủy, chính quyền thị trấn Yên Cát đã chỉ đạo các thôn, khu phố quan tâm bảo tồn các giá trị văn hóa. Tại các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư có người Thổ sinh sống đã tích cực nói tiếng của dân tộc mình. Vào các dịp lễ hội, các địa phương khuyến khích người dân mặc trang phục truyền thống giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời thành lập câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ và vận động những người cao tuổi người có uy tín trong cộng đồng dân cư sưu tầm và truyền dạy văn hóa dân gian của dân tộc Thổ như hát đốm, hát ru, hát chậm đò ho để thế hệ trẻ học tập và lưu giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Trong đời sống văn hóa, đồng bào dân tộc Thổ ở huyện Như Xuân tôn thờ tướng quân Lê Phúc Thành - người đã có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ông là người đã có công khai khẩn đất đai, dựng làng lập xóm mang lại cuộc sống ấm no cho dân làng. Để tưởng nhớ công lao của tướng quân Lê Phúc Thành, cứ 5 năm một lần, cấp ủy, chính quyền huyện Như Xuân lại tổ chức Lễ hội Đình Thi - là lễ hội mang đậm màu sắc của đồng bào dân tộc Thổ, nhằm gửi gắm, cầu mong thần phù hộ, che chở cho dân làng có cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Trong Lễ hội Đình Thi, bà con tổ chức tế lễ, rước kiệu, tế trâu, hát giao duyên, giao tình, đánh trống tăng, hát ru, hát trống chiêng, hát chậm đò ho và biểu diễn các điệu múa diễn theo tích truyện: “Mụ chầy”, “Làm vía”... Đồng thời, tổ chức các trò chơi như tung còn, đi cà kheo, chọi gà và nhiều hoạt động tín ngưỡng cổ truyền mang sắc thái riêng của người dân tộc Thổ Như Xuân.

Có thể nói, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thổ đã được huyện Như Xuân quan tâm triển khai với nhiều việc làm cụ thể, như: sưu tầm, khôi phục các phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lễ hội, phục dựng lễ hội dân gian của người Thổ; sưu tầm các làn điệu dân ca; trùng tu di tích lịch sử; lưu giữ tiếng nói, trang phục, phong tục, tập quán sinh hoạt, văn hóa ẩm thực...

Đặc biệt, nhận thức tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, huyện Như Xuân đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tổ chức thực hiện nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị có liên quan, địa phương tổ chức sưu tầm và vận động Nhân dân cùng giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Đồng bào dân tộc Thổ ở huyện Như Xuân ngày nay có đời sống xã hội tương đối phát triển và từng bước thoát khỏi nghèo, có nhiều người đã vươn lên phát triển kinh tế, tham gia vào hệ thống chính trị ở địa phương, trong đó có phần đóng góp quan trọng từ việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, trong đó có văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ.

Bài và ảnh: Minh Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]