Những người đưa văn hóa về cơ sở
Dành trọn tình yêu, đam mê với văn hóa, văn nghệ; không ngại khó khăn, vất vả... những người làm công tác văn hóa tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã hăng say đưa các chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ về cơ sở. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tại cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh truyền dạy văn hóa phi vật thể cho người dân Quan Sơn.
Theo đoàn công tác của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh về với huyện Thường Xuân để triển khai chương trình liên hoan văn nghệ dân gian - phiên chợ vùng cao, chúng tôi được hòa mình vào không gian văn hóa vùng cao cùng sự nhiệt tình, yêu văn hóa dân tộc của những người làm văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Để mang đến chương trình liên hoan thành công, các đơn vị đã hăng say luyện tập theo kịch bản đã được xây dựng, cùng nhau hoàn thiện các tiết mục của chương trình.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hoàng Thanh Hải, văn hóa là hồn cốt của dân tộc, mỗi dân tộc có một giá trị văn hóa đặc trưng riêng. Tại mỗi chương trình văn hóa - văn nghệ, người làm văn hóa cần thể hiện rõ được đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc để làm nổi bật lên sự đa dạng, phong phú trong sự thống nhất của văn hóa xứ Thanh. Đặc biệt, mỗi chương trình văn hóa - văn nghệ tại cơ sở là một dịp để những giá trị văn hóa được sống trong cộng đồng; là dịp để người dân cùng chung tay gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Do đó, những người làm văn hóa cần hiểu đúng văn hóa của từng dân tộc, từng vùng miền để giúp người dân thực hành đúng văn hóa của dân tộc, địa phương mình.
Nhìn biên đạo múa Hoàng Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh chỉnh từng chi tiết nhỏ cho các diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên, thì chắc hẳn chị đã dành trọn tình yêu và nhiệt huyết cho văn hóa. Nói về việc đưa các chương trình, hoạt động văn hóa về cơ sở thì có lẽ Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Thanh Hải là người có nhiều kinh nghiệm và kỷ niệm. Chị Hải tâm sự: Nhiều đợt công tác vào những bản xa, đường đi khó khăn đoàn công tác phải đi bộ, đẩy xe qua những đoạn đường lầy. Lần thì tập huấn cho những người dân tộc không biết tiếng Kinh, đoàn công tác phải nhờ người dịch, rồi ở lại cả tuần hoặc lên nhiều lần để tìm hiểu văn hóa của họ, tiếp xúc với họ và tìm đến những người có uy tín trong bản để tạo niềm tin, từng bước đưa văn hóa dân tộc về với họ. Hành trình đưa văn hóa về với đồng bào khu vực miền núi, đặc biệt là những khu vực khó khăn đòi hỏi những người làm công tác văn hóa cần có một tinh thần nhiệt huyết, không ngại khó, ngại khổ, có kỹ năng trò chuyện, dẫn dắt người dân và kỹ năng tuyên truyền về kiến thức văn hóa, vai trò của văn hóa, các chương trình văn hóa, thì văn hóa mới dễ đi vào cộng đồng dân cư.
Với mỗi cán bộ tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, họ không chỉ là những diễn viên - những người đưa các chương trình văn hóa, nghệ thuật về với Nhân dân, mà còn là những tuyên truyền viên, thông qua các chương trình văn hóa - văn nghệ họ thực hiện tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách nói chung và văn hóa nói riêng đến người dân.
Trưởng Phòng Nghiệp vụ tuyên truyền triển lãm (Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh) Hoàng Thị Hằng khẳng định, công tác tuyên truyền được xem là hoạt động quan trọng giúp Nhân dân dần nhận thức đúng và đủ về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của địa phương và của dân tộc. Từ đó, người dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ tại địa phương, góp phần tạo nên sự thành công cho các chương trình, hoạt động văn hóa tại cơ sở.
Còn với Trưởng Phòng Nghiệp vụ điện ảnh Dương Ngọc Lâm - người đã có 27 năm gắn bó với nghề chiếu bóng, thì cũng là bấy nhiêu năm anh gắn bó với đồng bào vùng cao. Để có những buổi chiếu phim cho người dân, tổ chiếu bóng phải tự chở đồ bằng xe máy lên các bản. Nhiều bản đường sá xa xôi, đi lại vất vả, không có điện, anh em phải chở cả máy nổ lên để phục vụ Nhân dân. Có những lần đi chiếu phim gặp lũ lụt, cán bộ chiếu bóng bị mắc kẹt, phải đi thuyền về. Song, những khó khăn ấy đã được bù đắp bởi tình cảm của người dân dành cho cán bộ chiếu bóng. Mỗi đợt chiếu phim phục vụ dân bản thường kéo dài 2 - 3 ngày, do đó những cán bộ chiếu bóng ăn ở, sinh hoạt cùng dân, được gần dân nên hiểu dân và được dân yêu quý. Cùng với đó, người dân các khu vực miền núi khó khăn họ vẫn còn rất yêu thích chiếu phim, nên hoạt động chiếu phim nào cũng được đông đảo người dân đến xem. Những điều giản dị ấy đã trở thành động lực để những người làm công tác chiếu bóng tiếp tục hành trình đưa những thước phim về với Nhân dân.
Có thể thấy, hành trình đưa văn hóa về với cơ sở của những “chiến sĩ” văn hóa tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh có nhiều khó khăn, thử thách. Song, với tình yêu văn hóa, tâm huyết với nghề, họ đã và đang góp phần tích cực trong việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bài và ảnh: Thùy Linh
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-07-31 09:27:00
Những lần tu bổ Chùa Cầu ở Hội An và diện mạo mới gây xôn xao
Đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh
Thực hiện di huấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc
1.000 người góp sức làm nên phim ca nhạc đặc biệt về các chiến sỹ Trường Sa
“Lúm” trong “Tay vơ chẳng tày miệng lúm” nghĩa là gì?
Phát hành bộ tem “Bảo vật quốc gia (bộ 3): Đồ gốm”
Tạo sự lan tỏa về ngày hội lớn của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa
“Râu tôm nấu với ruột bầu”,...
Những di vật ở Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng
Việt Nam - điển hình của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới