(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong thời gian qua đã và đang tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống KT-XH của tỉnh. Qua cuộc vận động đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, trong đó có những tấm gương bình dị, học và làm theo Bác bằng những việc làm hết sức thiết thực. VH&ĐS xin giới thiệu một số tấm gương bình dị mà cao quý ấy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những tấm gương bình dị học và làm theo Bác Hồ

(VH&ĐS) Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong thời gian qua đã và đang tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống KT-XH của tỉnh. Qua cuộc vận động đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, trong đó có những tấm gương bình dị, học và làm theo Bác bằng những việc làm hết sức thiết thực. VH&ĐS xin giới thiệu một số tấm gương bình dị mà cao quý ấy.

Phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ

Bước sang năm thứ 5 với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Hội CCB tỉnh, Chủ tịch Hội CCB TP Thanh Hóa, ông Hoàng Thế Hường đã có nhiều đóng góp để thúc đẩy phong trào của hội ngày càng phát triển. Ông tâm sự, chính việc học và làm theo lời Bác về tinh thần trách nhiệm, phong cách gương mẫu nói đi đôi với làm đã giúp ông có được những kết quả như ngày hôm nay.

Với vai trò là người đứng đầu, ông luôn giữ vững nguyên tắc lãnh đạo, quản lý và điều hành tốt các hoạt động của hội theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, đúng quy chế của Ban Chấp hành Hội và Điều lệ Hội CCB Việt Nam. Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm, hiệu quả, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông luôn chủ động nghiên cứu, học tập, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thường xuyên đi sâu đi sát cơ sở.

Ông cũng là người trực tiếp tuyên truyền, vận động và hướng dẫn cơ sở hoạt động; trực tiếp giải quyết và tháo gỡ những khó khăn cho cơ sở. Đồng thời động viên cán bộ, hội viên vượt khó vươn lên; luôn chăm lo bồi dưỡng, giúp đỡ xây dựng đội ngũ cán bộ hội, nâng cao năng lực và kinh nghiệm công tác hội, giải quyết tốt chế độ chính sách đối với CCB.

Ông đã có nhiều trăn trở, đề xuất với lãnh đạo và trực tiếp đưa ra nhiều sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng thành phố thẩm định, đánh giá cao. Từ năm 2012 đến năm 2016, ông đã có 5 sáng kiến: Nâng cao chất lượng vận động, tập hợp cựu quân nhân tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ cựu quân nhân ở cơ sở; Giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi hội CCB ở phố thôn gắn với “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Sáng lập mô hình các tổ CCB tự quản trong lĩnh vực tham gia bảo đảm ANTT - ATGT trên địa bàn phố, thôn; Xây dựng mô hình “Tiếng kẻng, tay gậy, dây thừng, vây bắt kẻ gian”...

Những sáng kiến kinh nghiệm trên của ông được đưa vào áp dụng ở cơ sở đạt hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng tổ chức Hội CCB trong sạch, vững mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Anh Phương

"Phải làm bằng cả trái tim"

Năm học 2015 - 2016, Trường MN Lam Sơn (TP Thanh Hóa) giành được nhiều niềm vui: 2 giáo viên của nhà trường đạt thủ khoa tại cuộc thi giáo viên giỏi cấp tỉnh. Nhà trường vinh dự được Thủ tướng tặng Bằng khen. Niềm vui này, có sự đóng góp không nhỏ của chị Phạm Thị Hòa - Hiệu trưởng nhà trường.

43 tuổi với 22 năm trong nghề trong đó 14 năm làm lãnh đạo, chị Hòa đã được nhiều đồng nghiệp nể phục vì bề dày thành tích của mình. Bằng kinh nghiệm và sự sáng tạo, năng động, chị đã làm cuộc chuyển mình về chất lượng dạy và học đối với giáo viên và học sinh. Đó là xây dựng quy chế dân chủ cho từng tổ, từng cá nhân, thi đua khen thưởng rõ ràng. Trong chất lượng giờ dạy, chị đưa ra quy định không được dạy "chay", giáo viên dạy phải có đồ dùng trực quan, giáo án điện tử... Với những phương pháp này, chất lượng dạy và học đã được nâng lên rõ rệt. Bằng chứng là số học sinh vào học tại trường ngày càng tăng, nếu năm học 2014 - 2015 mới có 320 cháu thì năm học 2016 - 2017 đã lên tới con số là 530 cháu.

22 năm trong nghề, chị luôn lấy câu của Bác dành cho ngành để làm kim chỉ nam cho mình: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người". 22 năm chị không vi phạm đạo đức nghề giáo, luôn công bằng với trẻ, dành tình thương cho trẻ. "Nếu không tâm huyết, không yêu nghề, mến trẻ thì không theo nghề được. Học và làm theo Bác, phải luôn rõ ràng trong cả hành động, lời nói, làm bằng cả trái tim" - Hiệu trưởng Trường MN Lam Sơn - Phạm Thị Hòa nói.

Thiện Nhân

Người hiệu trưởng gương mẫu

Với cương vị là Bí thưĐảng ủy - Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ, thầy giáo Trần Như Chuyên luôn cống hiến hết mình xây dựng nền nếp chuyên môn, tập thể nhà trường đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo các thế hệ tương lai của đất nước.

35 năm tuổi Đảng, trải qua nhiều cương vị công tác, dù ở vị trí nào, thầy giáo Trần Như Chuyên cũng luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tích cực học tập và làm theo lời Bác. Ông đã cùng với tập thể nhà trường tạo ra một không khí hoạt động chuyên môn sôi nổi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ, thầy giáo Trần Như Chuyên đã cùng với Ban giám hiệu luôn chăm lo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, giáo viên nhà trường. Đồng thời coi trọng phương châm “Mỗi thầy, cô giáolà một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” để rèn luyện và phấn đấu xây dựng khối đoàn kết thống nhất, đưa trường Đào Duy Từ bứt phá, vươn lên.

Thầy giáo Trần Như Chuyên tâm sự: Trong suốt quá trình công tác của mình, tôi luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ những việc làm nhỏ nhất. Trong quản lý, điều hành, tôi luôn chọn giải pháp mềm dẻo, phù hợp với từng công việc cụ thể. Kết quả, chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng lên rõ rệt, hàng năm có từ 60-70% học sinh khá, giỏi; tạo được mối liên kết giữa học sinh cũ và học sinh mới...

Với những cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, thầy giáo Trần Như Chuyên đã được tuyên dương Công dân gương mẫu tiêu biểu của ngành GD&ĐT giai đoạn 2014 - 2016. Đồng thời được tặng thưởng nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Linh Hương

Nữ doanh nhân tâm - tài

Ngay lần tiếp xúc đầu tiên, chúng tôi rất ấn tượng với cách nói chuyện lôi cuốn, thân thiện của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga - Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Long Phú, phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa. Chị không chỉ là gương điển hình làm kinh tế giỏi, nổi bật về nghị lực, tài năng, mà quan trọng hơn là những nghĩa cử cao đẹp cho đời.

Sau 10 năm thành lập công ty, cùng với sự chăm chỉ, tháo vát, nhanh nhẹn, chị đã gặt hái được nhiều thành công trên hành trình làm giàu chính đáng. “Với mình, kinh doanh phải bán đúng hàng, đúng giá cùng với thái độ phục vụ thân thiện thì ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến với mình” - chị Nga tâm sự.

Phương châm đó đã giúp chị ngày càng tạo lập được mối quan hệ, mở rộng đối tác, không ngừng phát triển quy mô sản xuất - kinh doanh, xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Hiện nay ngoài 1 văn phòng, chị còn xây dựng được 6 cơ sở sản xuất về tôn mạ màu, sắt thép. Doanh nghiệp chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 135 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/ người/ tháng. Chị thường xuyên duy trì phong trào thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và tận tình chăm lo đời sống cho người lao động.

Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, một người mẹ giỏi giang và biết cách dạy con, chị còn được biết đến là một người rất tích cực quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ các hộ gia đình còn khó khăn trên địa bàn; đóng góp xây dựng Đài tưởng niệm mẹ Việt Nam anh hùng...

Với những nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho cộng đồng, chị Nguyễn Thị Nga đã được vinh danh tại Lễ kỷ niệm 70 năm lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa do TP Thanh Hóa tổ chức mới đây.

Thu Thủy

Chàng thanh niên tự xây dựng mô hình kinh tế

Khu sinh thái của gia đình anh Nguyễn Hữu Tùng (Tế Lợi, Nông Cống) đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách trong và ngoài vùng.

Khu sinh thái có diện tích rộng lên đến 6 ha, với cách xây dựng không gian đẹp, hợp lý, rất phù hợp để con người nghỉ dưỡng, thư giãn. Tại đây, anh Tùng đã xây dựng được khu sản xuất sạch với 2,5 ha ao thả cá; khu chăn nuôi gia súc, gia cầm đặc sản như vịt trời, lợn mán, dê,... vừa phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm, vừa phục vụ ẩm thực tại chỗ cho du khách.

“Trước đây khu sinh thái là trang trại tổng hợp, tuy nhiên việc chăn nuôi không mang lại hiệu quả cao do thị trường bấp bênh, dịch bệnh... Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch nên tôi quyết định cải tạo, chuyển đổi mô hình sang khu sinh thái, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng và kinh doanh ăn uống tại chỗ” - anh Tùng cho biết.

Hiện tại, khu sinh thái của anh tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, với mức lương 4 triệu đồng/người và 20 lao động thời vụ. Lợi nhuận của việc kinh doanh trừ chi phí, đạt 5 tỷ đồng/năm.

Là một ông chủ trẻ, đồng thời là Bí thư chi đoàn thôn Trường Thọ, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Tế Lợi, anh Tùng luôn nhiệt tình tham gia các công tác xã hội nhất là việc hướng nghiệp, tư vấn giúp thanh niên trong xã định hướng nghề nghiệp, cũng như kinh nghiệm trong kinh doanh, sản xuất.

Nhằm phát triển hơn nữa khu sinh thái, trong thời gian tới anh dự định đưa những hình thức sản xuất dân gian nhằm đa dạng hóa loại hình phục vụ, đồng thời cho du khách được trải nghiệm cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, làng quê.

Anh Tùng cho biết: "Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được cả xã hội vào cuộc. Mình là thanh niên, còn trẻ nên học theo Bác bằng cách làm giàu cho mình và giúp đỡ được những thanh niên khác vượt khó vươn lên làm giàu".

Vân Anh

Người quét rác của dân

18 năm làm công nhân thu, gom rác, chị Nguyễn Thị Thoa đã có một bề dày thành tích trong nghề: Liên tục là lao động tiên tiến, xuất sắc; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; thành tích trong xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa... Tại Xí nghiệp Môi trường 2, Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình Đô thị Thanh Hóa, mọi người đều dành nhiều tình cảm quý mến đối với chị Nguyễn Thị Thoa, một người luôn có trách nhiệm trong công việc, đoàn kết, gắn bó...

Tại nơi sinh sống, phố Tân An 2, phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa), chị là tấm gương mẫu mực về nhân cách, lối sống. Đặc biệt chị Thoa đã giúp cho nhiều người dân nâng cao ý thức về việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Khi Chỉ thị 08 của Thành ủy TP Thanh Hóa ra đời, chị đã "xin" các trưởng phố trên địa bàn hai phường Ngọc Trạo, Đông Vệ (đây là 2 địa bàn chị được phân công công tác) để được dự các cuộc họp tại các phố, chị đi tuyên truyền về thu, gom rác cho nhân dân. Đồng thời, chị còn có sáng kiến là viết giấy đăng ký giờ nhân dân đổ rác cho các trưởng phố. Chính vì vậy, đã không còn xảy ra việc đổ rác lệch giờ.

"Tôi nhớ Bác đã từng nói: Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân để nhân dân hiểu rõ; phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch. Nói phải đi đôi với làm, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Cho nên giờ ra đường, dù không phải giờ làm nhưng cứ thấy chỗ nào vứt rác bừa bãi là tôi lại thấy khó chịu, lại cúi xuống nhặt rác đổ vào đúng nơi quy định" - chị Thoa chia sẻ.

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]