(vhds.baothanhhoa.vn) - Chiến tranh đi qua, dân tộc Việt Nam đã giành được vẹn tròn độc lập, thống nhất. Vậy nhưng, di chứng của chiến tranh thì vẫn còn đó. Bên cạnh những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, những người lính để lại một phần máu xương nơi chiến trận, là những con người trở về từ chiến trường những tưởng có thể sống một cuộc đời bình dị, thì “nỗi đau” da cam với sự dai dẳng tàn ác vẫn đang từng ngày bủa vây, ám ảnh khôn nguôi bao gia đình, số phận bất hạnh.

Nỗi đau da cam: Thấu hiểu để sẻ chia

Chiến tranh đi qua, dân tộc Việt Nam đã giành được vẹn tròn độc lập, thống nhất. Vậy nhưng, di chứng của chiến tranh thì vẫn còn đó. Bên cạnh những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, những người lính để lại một phần máu xương nơi chiến trận, là những con người trở về từ chiến trường những tưởng có thể sống một cuộc đời bình dị, thì “nỗi đau” da cam với sự dai dẳng tàn ác vẫn đang từng ngày bủa vây, ám ảnh khôn nguôi bao gia đình, số phận bất hạnh.

Nỗi đau da cam: Thấu hiểu để sẻ chiaBốn người con gái của gia đình CCB Lê Đình Dễnh đều là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin.

Lần thứ hai tôi ghé thăm gia đình cựu chiến binh (CCB) Lê Đình Dễnh ở thôn Ngọc Trà, xã Quảng Trung (Quảng Xương). Vẫn căn nhà ngói sạch sẽ, khoảng vườn rộng đầy màu xanh và cả nỗi đau u buồn phủ lấy gia đình người CCB đã hiến dâng 11 năm thanh xuân tuổi trẻ cho Tổ quốc. Nỗi đau ấy, âm thầm dai dẳng suốt hơn 40 năm qua. Là bởi, gia đình bác Dễnh với 6 thành viên thì có đến 5 người là nạn nhân của chất độc da cam.

Sinh năm 1954, năm 1972 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai Lê Đình Dễnh vừa tròn 18 tuổi lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường phía Nam. Trở về sau khói lửa chiến tranh, niềm vui tưởng chừng đã mỉm cười với gia đình người CCB khi người vợ thân yêu hạ sinh con gái đầu lòng Lê Thị Thơm. Bế con gái nhỏ trên tay, trong lòng người cha khi ấy dấy lên hình ảnh cuộc sống yên bình, vợ chồng cùng chăm chỉ làm việc để nuôi dạy con cái thật tốt, sống cuộc đời bình dị.

Nhưng đâu ngờ, khi niềm vui mới hé mở cũng chính là lúc bất hạnh ập đến gia đình nhỏ. Vợ chồng ông Lê Đình Dễnh sớm nhận ra sự khác biệt của con gái qua từng ngày chăm sóc. Đứa trẻ lên 5 tuổi mới chập chững với những bước đi chưa vững cùng gương mặt có phần ngây dại. Bỏ ngoài tai những lời dị nghị của xóm làng, cô bé Thơm vẫn được cha mẹ chăm sóc với tất cả yêu thương.

Rồi sau đó, ba người em của Thơm lại lần lượt ra đời với biết bao hy vọng, yêu thương của cha mẹ. Nhưng bất hạnh cứ nối tiếp nhau phủ bóng lên gia đình nhỏ.

Tôi nhớ lại lời tâm sự của CCB Lê Đình Dễnh: Cứ nghĩ con gái đầu bị dị tật bẩm sinh, đẻ những đứa sau sẽ bình thường. Khi đó nào có biết chất độc da cam là gì. Ai lại ngờ đâu các con bị như vậy là... do mình. Câu nói ngậm ngùi chua chát buông rơi, khóe mắt người CCB già rỉ nước, có lẽ ông cũng đã chẳng còn đủ nước mắt để khóc cho nỗi đau, bất hạnh của bản thân và gia đình mình nữa rồi. Nghe chồng chia sẻ, bà Nguyễn Thị Đàn, người vợ tảo tần - người mẹ đau đáu nỗi thương chồng, thương con ngồi bên cạnh lặng lẽ nén tiếng thở dài quen thuộc!

Nhưng đó chưa phải là tất cả. “Cuộc chiến” nuôi con nhiễm chất độc da cam của vợ chồng bác Dễnh mấy người có thể thấu hết. Các con dù có lớn nhưng lại chẳng thể khôn, mọi cư xử, hành động, ý thức vẫn mãi chỉ như đứa trẻ ngu ngơ, ngờ nghệch. Đến chuyện vệ sinh cá nhân hàng ngày các con cũng không thể tự chủ nếu không có người giúp đỡ.

Đau đớn hơn, mắt của cả bốn chị em gần như bất lực khi trời xẩm tối. Bởi vậy, ở gia đình bác Dễnh suốt 40 năm qua bữa cơm chiều luôn phải kết thúc khi trời còn sáng. Bởi khi màn đêm buông xuống, ngay cả khi đèn điện được bật lên thì đôi mắt các con cũng bất lực, không còn khả năng nhìn thấy. Và cũng suốt 40 năm qua, chưa đêm nào hai vợ chồng CCB Lê Đình Dễnh được ngủ một giấc trọn vẹn khi phải thay phiên nhau trở dậy thăm nom, trông chừng các con, đề phòng chuyện chẳng may.

Ở tuổi 70, do di chứng của chiến tranh, chất độc hóa học và bệnh hen hành hạ, sức khỏe của CCB Lê Đình Dễnh đã yếu đi rất nhiều, ông thường xuyên phải có sự trợ giúp của máy thở. Vậy nhưng, người cha ấy, lo cho bản thân thì ít, đau đáu nỗi thương con lại nhiều. 40 năm qua ông bà chỉ ước có một phép màu, để các con biết nhận thức, biết tự chăm sóc bản thân...

Giống như gia đình CCB Lê Đình Dễnh, hai anh Nguyễn Hữu Chuyên, Nguyễn Hữu Chiến ở thôn Vân Hoàn, xã Nga Phượng (Nga Sơn) cũng chịu ảnh hưởng của chất độc hóa học từ bố là CCB Nguyễn Hữu Lợi (đã mất). Nỗi đau da cam khiến cho Nguyễn Hữu Chuyên từ khi sinh ra đã bị tâm thần, những lúc không điều khiển được hành vi thì gia đình đành phải bất lực nhốt anh vào cũi. Còn với người em trai Nguyễn Hữu Chiến, chất độc hóa học khiến cho anh bị suy thận mãn tính, để kéo dài sự sống thì suốt nhiều năm qua phải thường xuyên lọc máu.

Nỗi đau da cam: Thấu hiểu để sẻ chiaCác cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tặng quà cho nạn nhân da cam ở xã Hà Tiến (Hà Trung).

Vợ chồng CCB Nguyễn Hữu Lợi đến nay đều đã không còn, hai anh em Chuyên, Chiến sống dựa vào sự chăm sóc của anh em, họ hàng. Và nguồn sống, chữa bệnh cũng chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp của Nhà nước dành cho nạn nhân chất độc da cam, cùng với đó là sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Nỗi đau da cam của gia đình CCB Lê Đình Dễnh; hoàn cảnh của Nguyễn Hữu Chuyên, Nguyễn Hữu Chiến... chỉ là hai trong số hàng triệu nạn nhân do chất độc quái ác dioxin gây ra trên khắp đất nước ta.

Theo thống kê, trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ không chỉ trút xuống nước ta một khối lượng bom đạn khổng lồ. Mà cùng với đó còn sử dụng chất độc hóa học dioxin bất chấp hậu quả khủng khiếp. Chất độc da cam khiến cho gần 5 triệu người Việt bị phơi nhiễm và trên 3 triệu người trở thành nạn nhân. Điều đau lòng, dioxin không chỉ khiến cho những con người trực tiếp tham gia chiến đấu, sống ở các vùng miền bị rải chất hóa học chịu ảnh hưởng, mà còn gây hậu quả cho nhiều thế hệ về sau. Là biết bao gia đình không thể duy trì giống nòi, hàng vạn con trẻ bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống cuộc đời đau đớn và bất hạnh...

Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin tỉnh Thanh Hóa, năm 2015 tỉnh Thanh Hóa có 24.500 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học do đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Từ năm 2000 đến nay, có trên 6.700 nạn nhân chất độc da cam đã qua đời. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 12.633 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đang được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, còn có trên 1.250 người là nạn nhân thế hệ thứ 3 bị di nhiễm chất độc hóa học dioxin từ ông bà, bố mẹ.

Nỗi đau da cam ám ảnh và dai dẳng. Bên cạnh chính sách, sự quan tâm của Nhà nước, những nạn nhân chất độc da cam/dioxin cần ở cộng đồng, mỗi người chúng ta sự cảm thông, chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ. Để không chỉ cuộc sống của họ vơi bớt đi phần nào những vất vả, nhọc nhằn, mà còn để những nỗi đau da cam phần nào được xoa dịu. Và đó cũng chính là sự thể hiện cho truyền thống uống nước nhớ nguồn, lá lành đùm lá rách của người Việt Nam - ông Dương Văn Huệ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]