Nỗi niềm trường "chất lượng cao”: Tiếp tục hay dừng?
Không thể phủ nhận, các trường “chất lượng cao” đã có những đóng góp quan trọng trong tạo nguồn học sinh giỏi cho Trường THPT chuyên Lam Sơn và các trường THPT trên địa bàn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào vẫn tạo nguồn học sinh giỏi, vẫn tạo chính sách cho giáo viên, học sinh mà không vi phạm Luật Giáo dục?
Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc thăm và chúc mừng tập thể cán bộ, giáo viên Trường THCS Lê Đình Chinh nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
Thành tích
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có trường THCS “chất lượng cao” thì các nhà trường rất khó tạo thành tích lớn trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và thi vào Trường THPT chuyên Lam Sơn, ngôi trường lâu đời và có bề dày thành tích về truyền thống “dạy tốt - học tốt” bậc nhất xứ Thanh.
Thành công từ các trường THCS “chất lượng cao” được xem là tất yếu vì đây là ngôi trường thu hút học sinh giỏi của một địa phương, được tôi luyện, nâng cao kiến thức từ những giáo viên giỏi.
Dẫu là bình mới, rượu cũ và dù ra đời không có cơ sở pháp lý nhưng những thành tích mà trường “chất lượng cao” đạt được không thể không ghi nhận.
Nhìn lại một cuộc hành trình của trường “chất lượng cao” mà ở đó là quả ngọt của thành tích, qua đó cho thấy sự nỗ lực của các địa phương, đơn vị, của thầy và trò. Đơn cử như Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa), từ khi thành lập trường “chất lượng cao”, tỷ lệ học sinh đậu vào lớp 10 THPT và THPT chuyên Lam Sơn luôn dẫn đầu toàn huyện và là một trong những trường tốp đầu toàn tỉnh. Đội tuyển học sinh giỏi huyện tham gia dự thi cấp tỉnh các môn văn hóa lớp 9 trong 6 năm liên tục gần đây luôn xếp thứ nhất toàn tỉnh. Hay Trường THCS thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa), hằng năm có từ 6 - 10 học sinh thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lam Sơn. Tại Trường THCS Lê Đình Chinh (Ngọc Lặc), học sinh thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lam Sơn năm sau cao hơn năm trước, có em đã đỗ thủ khoa...
Trở lại với Quyết định số 700-QĐ/TU ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy Thanh Hóa, trong đó nêu rõ: Khuyến khích xây dựng trường THCS trọng điểm chất lượng cao ở các địa phương nhằm tạo nguồn học sinh giỏi cho Trường THPT chuyên Lam Sơn và các trường THPT trên địa bàn. Thực tế, vấn đề tạo nguồn đã đạt những thành công nhất định. Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn, thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn nhận định: “Nhiều trường THCS chất lượng cao đã có những định hướng rõ ràng và đương nhiên kết quả tương đối tốt, thi tuyển nhiều và trúng tuyển cũng nhiều. Tỷ lệ học sinh trường “chất lượng cao” thi đỗ chiếm khoảng trên 70%, còn lại là các trường THCS khác”.
Vấn đề tạo nguồn
Tuy nhiên, cũng theo hiệu trưởng Nguyễn Thanh Sơn vẫn còn nhiều khó khăn trong vấn đề tạo nguồn. Nếu nói riêng về góc độ Trường THPT chuyên Lam Sơn thì trong những năm gần đây, qua theo dõi chương trình giáo dục và kết quả đào tạo của các trường THCS, đối chiếu với kết quả dự thi và trúng tuyển hàng năm, cho thấy một số bất cập.
Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, việc quan tâm xây dựng trường THCS “chất lượng cao” tại các địa phương chưa đồng đều. Giai đoạn gần đây, Trường THPT chuyên Lam Sơn cũng như các trường THCS và cơ quan quản lý giáo dục có liên quan chưa có sự phối kết hợp nhịp nhàng. Điều này dẫn đến học sinh xuất sắc ở một số trường THCS “chất lượng cao” và THCS khác hoặc không biết đến chương trình đào tạo của trường Lam Sơn hoặc vì sức hút của trường THPT tại địa phương, từ tâm lý của gia đình học sinh..., nên nhiều học sinh xuất sắc vẫn không có nguyện vọng thi tuyển vào trường.
Bên cạnh đó, một số trường chỉ quan tâm đến thi học sinh giỏi lớp 9. Thi xong cũng đồng nghĩa nhà trường xong nhiệm vụ. Riêng học sinh sẽ quay trở lại ôn tập để thi vào THPT. Tuy nhiên, việc thi THPT như thế nào, nhà trường không định hướng cho học sinh. Khi không định hướng thì những học sinh có nguyện vọng thi vào Trường THPT chuyên Lam Sơn hầu như phải tự học. Đồng nghĩa các em sẽ không được tiếp cận với chương trình thi, tài liệu, dạng đề..., nên việc ôn tập không hiệu quả. Vì vậy, có tình trạng học sinh dù đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 nhưng không đỗ vào Trường THPT chuyên Lam Sơn. Ngược lại, có những học sinh không có giải vẫn trúng tuyển.
Giải pháp mà Trường THPT chuyên Lam Sơn đã đưa ra, đó là những năm gần đây, nhà trường chủ động hơn trong việc tham mưu với Sở Giáo dục và Đào tạo, thay đổi phương án thi, điều chỉnh ra đề... Đồng thời tham mưu cho sở chỉ đạo các phòng giáo dục thúc đẩy các nhà trường trong công tác tuyên truyền đối với học sinh có nguyện vọng thi vào Trường THPT chuyên Lam Sơn. “Từ những bất cập, giúp nhà trường có cái nhìn sâu hơn và có giải pháp mạnh mẽ hơn. Theo đó, trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây đã có những chuyển biến tích cực”, hiệu trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết.
Năm học 2021-2022, tỷ lệ trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Lam Sơn: TP Thanh Hóa 58,19%, các huyện, thị xã, thành phố còn lại 41,82%; năm học 2023–2024, tỷ lệ trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Lam Sơn: TP Thanh Hóa 55,06%, các huyện, thị xã, thành phố còn lại 44,94%. |
Từ thực tế về hiệu quả chất lượng giáo dục mũi nhọn của trường THCS “chất lượng cao”, từ những con số biết nói trong thi tuyển, trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Lam Sơn và các trường THPT trên địa bàn, cho thấy những ưu điểm vượt trội của trường THCS “chất lượng cao”. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận về những mặt trái của “mô hình” này.
Gỡ khó?
Cách đây 2 năm, trường “chất lượng cao” THCS Lê Quý Đôn, huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) cũng phải tạm dừng hoạt động vì “mô hình” không có trong quy định của Luật Giáo dục. Các chính sách ưu đãi đối với trường này, do đó cũng khó duy trì.
Thực tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã có một số địa phương phải dừng hoạt động mô hình trường THCS “chất lượng cao” hoặc trường có yếu tố “chất lượng cao”. Cách đây 4 năm, huyện Quan Hóa đã thành lập trường THCS có yếu tố “chất lượng cao” đó là Trường THCS thị trấn Hồi Xuân. Tuy nhiên, sau 2 năm hoạt động, ngôi trường có yếu tố “chất lượng cao” này trở về vị trí ban đầu như các trường THCS khác. Nguyên nhân dừng hoạt động với nhiều lý do, trong đó chủ yếu liên quan vấn đề kinh phí.
Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các trường THCS “chất lượng cao” trên địa bàn tỉnh, như đã đề cập, đó là chính sách hỗ trợ đối với giáo viên và học sinh vì không có căn cứ pháp lý để chi trả do trong Luật Giáo dục không có trường THCS “chất lượng cao”.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào vẫn tạo nguồn học sinh giỏi, vẫn tạo chính sách cho giáo viên, học sinh mà không vi phạm về Luật Giáo dục? Đây là vấn đề vô cùng khó. Nếu trường THCS “chất lượng cao” hoạt động như trường THCS công lập thì phải tuân thủ theo đúng quy định của điều lệ nhà trường từ nội dung chương trình, các môn học, thời gian đến mức thu học phí, biên chế giáo viên... Nếu hoạt động như trường tự chủ thì cũng rất khó khăn vì còn nhiều vấn đề chưa đáp ứng được; khó khăn trong việc tuyển sinh là không được tuyên bố tổ chức thi tuyển mà phải vận dụng khảo sát. Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho rằng: “Việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, để góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, rất cần Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về “Trường chất lượng cao” hay “Trường trọng điểm”. Trong đó, có quy định cơ chế đặc thù để thu hút, ưu đãi đội ngũ nhà giáo trực tiếp giảng dạy, cơ chế về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu...”.
Sai về mặt pháp lý, kéo theo những sự khó về chính sách ưu đãi. Khi luật không có quy định thì tất yếu sẽ phải tạm dừng các chính sách, công tác tuyển sinh... Nhưng cần nhìn lại về sự đóng góp của trường THCS “chất lượng cao” đối với giáo dục tỉnh nhà, về những thành tích minh chứng cho chất lượng dạy và học. Theo đó, cần thiết phải có những phương án đúng với khung hành lang pháp lý để trường tiếp tục duy trì và phát triển.
Bài và ảnh: Việt Hoàng
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:02:00
Thận trọng với đồ ăn vặt trước cổng trường
-
2024-11-20 06:38:00
Cô giáo cuộc đời tôi...
-
2023-12-02 09:30:00
Nỗi niềm trường "chất lượng cao”: Khó thực hiện chính sách ưu đãi
Thăm Làng học sinh Mường Lát
Nỗi niềm trường "chất lượng cao”: Bình mới, rượu cũ?
Sự học ở Suối Tôn
Tinh thần khuyến học
Giáo dục trên đại ngàn vùng cao Mường Lát: Khát vọng “nở hoa”: Từ thực tế đến những quyết tâm
Thạch Thành nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Vượt gian khó theo đuổi ước mơ: Chuyện của những thầy, cô giáo người Mông đầu tiên
Khi cái khó vẫn “bó” con chữ
Thanh Hóa có 3 nhà giáo được tặng danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc