(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thời gian qua, huyện Nông Cống đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, nhất là với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng thế mạnh của địa phương. Qua đó, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Nông Cống phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thời gian qua, huyện Nông Cống đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, nhất là với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng thế mạnh của địa phương. Qua đó, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Nông Cống phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lựcCác sản phẩm nông nghiệp của huyện Nông Cống tham gia tại Hội nghị kết nối cung - cầu và trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024.

Để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm lúa gạo của địa phương, huyện Nông Cống đã quy hoạch, mở rộng các giống lúa chất lượng cao, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại những đồng đất phù hợp. Đồng thời, khuyến khích người dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để hoàn thiện chu trình, xây dựng thương hiệu cũng như sản xuất các sản phẩm lúa gạo của địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP. Điển hình như gạo tím thảo dược mang thương hiệu “Gạo quê nông thôn” được xem là một trong những sản phẩm nổi tiếng của xã Minh Khôi được thị trường đón nhận. Bà Ngô Thị Tương, chủ cơ sở sản xuất “Gạo quê nông thôn”, cho biết: “Quá trình sản xuất, chúng tôi không dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bảo vệ môi trường đồng ruộng và sức khỏe người tiêu dùng. Từ khi sản phẩm “Gạo quê nông thôn” đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, sản phẩm được dán nhãn mác, có truy xuất nguồn gốc và được giới thiệu qua các hội chợ của tỉnh, huyện nên nhiều người tiêu dùng biết đến, thị trường tiêu thụ cũng thuận lợi hơn".

Được biết, sau khi UBND tỉnh ban hành danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, huyện Nông Cống đã rà soát các sản phẩm có tiềm năng của địa phương để quy hoạch vùng hàng hóa tập trung. Huyện xác định các sản phẩm chủ lực của địa phương là gạo, thịt và trứng gia cầm, thịt lợn, rau quả, tôm...

Để có cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi sản xuất, huyện chỉ đạo các xã rà soát tổng thể diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn. Với diện tích canh tác nông nghiệp kém hiệu quả cần xây dựng phương án chuyển đổi sang các cây trồng chủ lực có hiệu quả kinh tế cao hơn theo quy hoạch đã phê duyệt. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã chuyển đổi được trên 2.000ha đất vườn tạp, hoang hóa trồng các loại cây kém hiệu quả để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Hầu hết các diện tích này chuyển đổi sang trồng rau quả công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản, liên kết sản xuất lúa... Nhờ đó, đã từng bước xóa bỏ tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của nông dân để xác lập những vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, cho giá trị cao gấp 2 - 3 lần so với sản xuất truyền thống.

Thông qua thực hiện các giải pháp phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trên địa bàn huyện đã hình thành và mở rộng diện tích các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với phát triển thương hiệu, như: vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 25ha tại các xã Thăng Long, Vạn Thắng, Vạn Hòa, Công Liêm, Trường Sơn; xây dựng và hình thành vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại các xã Minh Khôi, Trung Chính, Tượng Văn, Trường Sơn... Trong chăn nuôi, từng bước chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung gắn với an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; cơ cấu các giống con nuôi có hiệu quả kinh tế, phù hợp với nhu cầu thị trường theo tiêu chuẩn VietGAP, như: lợn hữu cơ, lợn nái ngoại, gà hữu cơ, gia cầm siêu thịt, siêu trứng... Xây dựng 5 vùng quy hoạch chăn nuôi trang trại với diện tích gần 200ha tại các xã Tân Khang - Tân Thọ, Trung Thành - Tế Thắng, Tế Lợi - Minh Nghĩa, Trường Giang - Trường Sơn, Công Chính - Yên Mỹ...

Để phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng bền vững, huyện Nông Cống tiếp tục quan tâm, khuyến khích doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn; tăng cường công tác chọn tạo và phát triển các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt để đưa vào sản xuất. Đồng thời, huyện phối hợp với các ngành chuyên môn đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học cho người dân trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn. Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản; nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi tư duy tiểu nông, chuyển sang phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững...

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Nông Cống sẽ ngày càng khẳng định thương hiệu, có đầu ra ổn định, chinh phục được khách hàng trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho người sản xuất.

Bài và ảnh: Khánh Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]