(vhds.baothanhhoa.vn) - Phòng bệnh số 405 sau giờ hành chính, những tiếng nói cười dường như rôm rả hơn. Những gương mặt non nớt vẫn chưa hết sự mệt mỏi và đau đớn. Khác hẳn với những buồng bệnh khác, phòng 405 đặc biệt ở Trung tâm Huyết học, bởi căn phòng ấy được sắp xếp những cô, cậu bé đang tuổi ăn, tuổi lớn, đang tuổi khám phá và tìm hiểu mọi thứ ở lớp, ở trường cùng chúng bạn, thầy cô, thì tất cả lại hội tụ ở đây để chống chọi với bệnh tật và từng giờ từng phút nuôi những ước mơ và hy vọng cho bản thân. Tôi cũng là một trong những bệnh nhân của phòng 405 như vậy.

Ô cửa sổ màu nắng

Phòng bệnh số 405 sau giờ hành chính, những tiếng nói cười dường như rôm rả hơn. Những gương mặt non nớt vẫn chưa hết sự mệt mỏi và đau đớn. Khác hẳn với những buồng bệnh khác, phòng 405 đặc biệt ở Trung tâm Huyết học, bởi căn phòng ấy được sắp xếp những cô, cậu bé đang tuổi ăn, tuổi lớn, đang tuổi khám phá và tìm hiểu mọi thứ ở lớp, ở trường cùng chúng bạn, thầy cô, thì tất cả lại hội tụ ở đây để chống chọi với bệnh tật và từng giờ từng phút nuôi những ước mơ và hy vọng cho bản thân. Tôi cũng là một trong những bệnh nhân của phòng 405 như vậy.

Ô cửa sổ màu nắngMinh họa: Hà Anh

Có lẽ đến tận bây giờ tôi không bao giờ nghĩ rằng, một cô bé 14 tuổi khỏe mạnh, chỉ đôi lúc húc hắc cúm dở mùa như tôi lại đột ngột phát hiện ra bị thiếu máu. Khi nhìn thấy tôi xuất hiện ở cửa phòng 405, năm con người nhỏ thó nằm trên giường khẽ nhướng người lên ngó nghiêng, đôi mắt dượm cái nhìn thăm thẳm. Căn phòng khoảng chừng được hai mươi lăm mét vuông, chia làm hai dãy giường bệnh, giữa phòng có lối đi vừa đủ để xe thuốc và các dụng cụ y tế. Tôi một tay ôm gối, chăn và các vật dụng được cô y tá cho mượn nhìn những người bạn nhỏ tôi cất tiếng chào. Trả lời tôi chỉ là sự im lặng, tôi hỏi nhỏ mẹ:

- Sao các bạn ấy không vui khi mình chào mẹ nhỉ?

- Có thể các bạn đang mệt hoặc đang bận đọc sách con ạ!

Lời của mẹ khiến tôi bấy giờ mới chú ý, phòng có bốn cô con gái và một cậu nhóc, ai cũng một tay cắm truyền, một tay cầm cuốn sách, gương mặt họ tập trung vào từng dòng chữ, thi thoảng lại xột xoạt lật từng trang trong không gian nín lặng. Cả căn phòng chỉ có duy nhất một cửa sổ hướng ra bên ngoài ở đúng chỗ cậu bé nằm. Ánh nắng xuyên qua ô cửa hắt vào khuôn mặt cậu nhóc rồi len lỏi vào mái tóc lơ xơ màu râu ngô. Qua cái dáng người nhỏ thó lọt thỏm trong bộ quần áo phông lỗ chỗ vết sờn. Nước da trắng xanh, đôi mắt to tròn với hàng lông mi đen huyền, cong vút tôi đoán chừng cậu ta khoảng lên 7 tuổi. Bên cạnh ngay tủ cá nhân của cậu tôi thấy xếp ngay ngắn một khay nhựa màu hồng ken đủ thứ thuốc và dịch truyền. Cậu nằm, cái dáng nằm cong lại như con tôm bị hấp chín, phía trên là bịch máu màu đỏ thẫm thi thoảng lót tót chảy xuống dây truyền rồi qua bàn tay gầy guộc trơ xương chảy vào cơ thể cậu. Tôi hỏi cậu:

- Em học lớp mấy? Không ai đi cùng chăm em sao?

Đến lúc này dường như không thể né tránh, cậu mới rời mắt khỏi trang sách nhìn tôi rồi cười gượng trả lời:

- Em tên Hoàng đang học lớp 7, có bà nội em đi cùng nhưng bà chắc đi mua đồ ăn bên ngoài ạ.

- Vậy em kém chị một lớp, thế mà chị cứ tưởng em đang học tiểu học.

Dường như thấy sự ngượng ngùng của tôi, Hoàng phá lên cười thành tiếng rồi như một hướng dẫn viên cậu dõng dạc giới thiệu:

- Ở phòng này mỗi em nhỏ nhất, còn các chị đều học lớp 8 và 9 đấy ạ.

Tôi thầm thẹn cho cái ý nghĩ mình sẽ là người lớn nhất trong phòng bệnh này vì chiều cao và cân nặng của bản thân.

- Chị thấy mọi người trong phòng mình ai cũng thích đọc sách, nhưng sách này là mọi người tự mang đi à?

Hoàng ngồi hẳn dậy nhìn tôi rồi dỏn dẻn cười:

- Bọn em mượn sách ở “thư viện” của bệnh viện đấy. Ở đây, mỗi bệnh nhân quý sách như máu vậy, bọn em đọc sách để đỡ nhớ bạn bè, thầy cô và có thêm kiến thức chị ạ.

Tiếng Hoàng về cuối như gượm lại, nao nao. Lúc này mẹ tôi mới ngớt tay sắp xếp đồ đạc góp chuyện như vỗ về.

- Thật thú vị, hy vọng nhờ các cháu sẽ giúp cho Giang, con gái cô nhận ra được giá trị của việc đọc sách. Vậy cuối giờ chiều hôm nay cô xin phép được mời các bạn một cuộc trà sữa tại thư viện sách bệnh viện nhé.

Tôi hiểu mẹ muốn ẩn ý với tôi điều gì. Ngay từ khi còn bé, cả tôi và anh trai được mẹ rèn cho thói quen đọc sách, mẹ yêu cầu hằng ngày hai anh em tôi ít nhất phải dành thời gian một tiếng để đọc. Nhưng qua thời gian chúng tôi lớn lên, công nghệ phát triển, thay vì vào phòng làm việc của mẹ tìm sách đọc, anh em tôi lựa chọn các phương tiện cung cấp thông tin nhanh gọn hơn như ti vi, điện thoại và mạng. Mẹ buồn nhưng chỉ buông thõng một câu: “Dù các con có sống ở thời đại nào thì sách và tri thức luôn dạy và nuôi lớn tâm hồn các con một cách hoàn chỉnh nhất”. Và đến hôm nay mẹ ẩn ý với tôi về điều đó.

Thư viện của bệnh viện được đặt ngay cuối hành lang của khu điều trị. Gọi là thư viện cho oai chứ thực ra chỉ có một giá sách bốn tầng và một dãy bàn ghế được kê bên cạnh. Ở đây những đường nắng cũng xen nhau đan vào từng ô nhỏ của giá sách. Trên mỗi tầng lại bày la liệt đủ loại... Sau khi cùng chúng tôi thăm thú một vòng quanh thư viện sách nhỏ xinh trong cái nắng cuối ngày dịu nhẹ, thanh mát và êm ái, mẹ quay lại phòng bệnh. Tôi cùng Hoàng và mấy chị em trong phòng thu dọn lại những quyển sách đang được bày lộn xộn. Tôi hỏi Hoàng:

- Em bị bệnh lâu chưa? Mỗi lần nằm viện mấy ngày?

- Em bị bẩm sinh, cứ hai hoặc ba tháng em lại xuống viện điều trị.

Nghiêng cái đầu lởm nhởm như râu ngô, đôi mắt Hoàng hướng cái nhìn phía xa xa, giọng trầm buồn nói thêm:

- Ở đây bọn em đều cố gắng bù bài trong những ngày đi viện, chỗ nào không biết em hỏi thêm các chị lớn hơn, nhưng em dốt tiếng Anh lắm.

- Chuyện nhỏ, Văn và tiếng Anh là hai môn học chị yêu thích đấy, chị sẽ làm “cô giáo bất đắc dĩ” cho em. Nhưng đổi lại em kể cho chị nghe về quê em nhé, chị chưa bao giờ được lên miền núi cả.

Vậy là từ đó, vào mỗi buổi chiều được nghỉ ngơi, tôi, Hoàng và mọi người cùng nhau tập trung tại thư viện, lúc thì đọc sách, lúc lại cùng nhau học tập. Cậu kể cho tôi nghe về bản làng của cậu, nơi trong trí tưởng tượng của tôi không thể hình dung hết được cái nghèo oằn xuống những con đường mòn trơn lượt qua những vòng cua tay áo.

Hoàng bảo, trường cậu cũng có một thư viện đọc, nhưng với một huyện miền núi thì sách giáo khoa còn chưa đủ, thì những sách đọc trở thành “món ăn khá xa xỉ”. Nghe đến đây tự dưng tôi có cảm giác nằng nặng trong lòng, cái cảm giác như tội lỗi, như thừa thãi đối với Hoàng vậy. Tôi nhớ đến những thùng sách truyện của hai anh em, được mẹ xếp gọn mà đã bao lần chúng tôi vì vài ba thứ nhu cầu vụn vặt của mình nằng nặc đòi mẹ bán cho đồng nát. Mẹ bảo “Các con không cần, sẽ có rất nhiều bạn nhỏ khác cần, mẹ giữ lại để cho các bạn ấy, cũng là giữ lại tuổi thơ cho các con”. Giờ tôi mới hiểu hết được những điều “rườm rà” mẹ nói hằng ngày thực sự có giá trị và cần thiết thế nào.

*

Tôi gắn bó với phòng 405 ngẫu nhiên và đơn giản như vậy, để rồi thời gian trôi qua trong sự yêu thương, chia sẻ của mỗi người trong phòng không chỉ ở điều trị bệnh mà còn là sự gắn kết qua tin nhắn và điện thoại cho nhau khi mỗi người một nơi.

- Giang! Con thay quần áo rồi mẹ con mình vào viện thăm Hoàng.

- Hoàng bị sao vậy mẹ? Đã đến thời gian Hoàng phải vào viện đâu ạ?

- Bệnh của Hoàng chuyển biến nặng. Mẹ cũng mới nhận được tin thôi.

Vội vàng quơ quyển sách được xếp ngay ngắn trên giá tôi cuống cuồng theo mẹ, mà hai chân cứ xoắn vào nhau. Hoàng là người có hoàn cảnh rất đặc biệt trong số chị em phòng 405 chúng tôi. Khi sinh Hoàng được gần một năm bố Hoàng bất ngờ bị tai nạn mất, sau đó ít lâu thì Hoàng phát hiện bệnh. Đối diện với một tương lai mù mờ như vậy, mẹ Hoàng để lại con cho bà nội rồi cũng rời bỏ đi làm ăn ở miền Nam và lấy chồng ổn định cuộc sống riêng từ đó. Hai bà cháu Hoàng rau cháo qua ngày. Bà nội Hoàng phải đi làm thuê để dành dụm tiền trang trải cho mỗi lần Hoàng đi viện. Hoàng thương bà chính vì thế cậu rất ngoan. Biết bà chỉ ăn phần cơm sót lại của mình, bao giờ Hoàng cũng giả vờ no bụng hay viện lý do để lại cơm cho bà nhiều hơn một chút. Cũng có lần tôi thấy bà cháu Hoàng chỉ mua đủ một nắm xôi, nhấn nhá ăn đến tận chiều, cậu lại còn né tránh các cuộc vui đùa cùng chúng tôi và thu mình lại chiếc giường khi cả phòng đã đi ngủ. Rồi mẹ tôi kể câu chuyện hai bà cháu Hoàng trên đường đi xuống viện bị kẻ xấu móc hết tiền nên không còn chi phí ăn uống nữa. Nhìn dáng Hoàng vốn đã nhỏ thó ngồi bó gối trong góc gom lại chỉ bằng một chiếc nón cứ vậy mà nhìn ra ngoài ô cửa sổ. Lúc đó mắt Hoàng đen thăm thẳm, cậu đưa bàn tay bắt lấy những sợi nắng vương vãi trong phòng, gương mặt cậu u uẩn nỗi buồn khiến mọi người như nín lặng. Tôi nhờ mẹ gửi cho Hoàng tiền tôi để dành để đăng ký học thêm môn năng khiếu cho kỳ nghỉ hè. Bởi tôi thấy điều đó trở thành phù phiếm hơn với những cơn đói cong người và cái mím môi từ Hoàng mà tôi cảm nhận được.

Hoàng nằm trên giường không phải ở phòng 405 mà là phòng cấp cứu. Vẫn cái điệu nằm cong, đôi mắt cậu khép hờ, hơi thở có phần nặng nề hơn. Bà nội Hoàng gục đầu lên cánh tay, tóc bà rũ xuống phất phơ màu bạc, cái màu báo hiệu của người đã ở chấp chới phía bên dốc cuộc đời. Mẹ tôi nhẹ đặt bàn tay lên vai bà, bà giật mình tỉnh dậy, đôi mắt mờ đục chưa hết ngạc nhiên.

- Sao hai mẹ con biết tin mà vào đây? Hoàng vẫn đang được theo dõi đặc biệt cô ạ, cháu nó vẫn cứ nằm li bì từ hôm xuống đến giờ. Tôi cũng chẳng biết thế nào, chỉ khấn trời phật phù hộ thôi.

Ghìm tiếng khóc của mình, bà Hoàng như nghẹn lại. Mẹ đỡ bà đi ra bên ngoài hành lang cho tĩnh tâm và ra hiệu cho tôi ngồi xuống với Hoàng. Ngoài trời tiếng mưa như xối xả, gào thét trên những ngọn cây đang ngả nghiêng, xiêu vẹo. Gương mặt Hoàng trắng bệch nổi rõ cả những đường gân xanh và mạch máu, nhìn đống bịch truyền trống rỗng tôi hiểu những đau đớn và khó chịu đến thế nào của một cơ thể nhỏ bé và gầy gò kia đang phải chịu đựng.

- Hoàng ơi! Em còn nhớ chị từng kể cho em nghe về câu chuyện “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn Ô-Hen-ri không? Em đã từng bảo sức chiến đấu của con người chính là từ ý chí và nghị lực và em phải trở thành một chiến binh có sức chiến đấu phi thường như vậy, nên em phải cố gắng và không được gục ngã đấy nhé?

Như nghe được lời nhắn nhủ của tôi, Hoàng khẽ cựa người, gò má hơi giật giật rồi từ từ mở mắt nhìn tôi:

- Chị!

- Ừ. Đừng cựa người nhiều kẻo lệch kim truyền, em phải cố gắng ăn uống mới đủ sức khỏe để chiến đấu với bệnh tật. Nếu em khỏe lại mẹ chị bảo sắp đến ngày sách và văn hóa đọc, mẹ và chị sẽ lên trên trường em xin tổ chức một ngày hội ý nghĩa. Và em và các bạn sẽ là những “Đại sứ” cho ngày văn hóa đọc tiêu biểu.

- Thật không chị?

- Thật một trăm phần trăm.

Tôi đặt vào tay Hoàng quyển sách truyện “Chiếc lá cuối cùng”, rồi kể cho Hoàng nghe những hoạt động sẽ diễn ra trong ngày văn hóa đọc mà năm nào mẹ tôi cũng là một người tiên phong.

Ngoài trời mưa vừa tạnh, chỉ thi thoảng còn rơi rớt lại tiếng tong tong của những giọt nước vương trên lá rơi xuống tấm tôn. Những tia nắng lại bắt đầu len lỏi qua những đám mây xám, rồi tỏa ra ánh nắng dịu dàng đi qua ô cửa sổ phủ lên gương mặt Hoàng khiến cậu hồng hào trông thấy. Dáng mẹ và bà nội Hoàng xuất hiện không giấu được sự mừng rỡ. Hoàng cười, nụ cười đầy sinh khí, đôi mắt khẽ hướng lên nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi nhìn thấy trong đôi mắt Hoàng hình ảnh chiếc cầu vồng sau cơn mưa như những ánh sáng tuyệt diệu và hiếm hoi. Và trong đôi mắt ấy, ô cửa sổ còn có đầy màu nắng.

Truyện ký của Lê Ngọc Nhã Uyên

(học sinh Trường THCS Đông Thọ, TP Thanh Hóa)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]