(vhds.baothanhhoa.vn) - Cuối cùng, trước “sức ép” từ các con, ông Khán làng tôi cũng chịu bán đi đàn bò. Những tưởng ông sẽ thảnh thơi, nhưng rồi ông cứ vẩn vơ, dường như buồn lắm...

Ông Khán làng tôi

Cuối cùng, trước “sức ép” từ các con, ông Khán làng tôi cũng chịu bán đi đàn bò. Những tưởng ông sẽ thảnh thơi, nhưng rồi ông cứ vẩn vơ, dường như buồn lắm...

Ông Khán làng tôi

Ông Khán là người khá đặc biệt. Người làng tôi nói, thời còn thanh niên ông Khán nghịch có tiếng, ông không ngại cãi cọ, to tiếng, lại thường tụ tập với mấy người ngoài xã gây hấn đánh nhau. Nên người làng gặp ông đều muốn tránh.

Sau khi lấy vợ rồi có con, ông Khán vẫn không thay đổi nhiều. Cho đến khi vợ ông sinh người con thứ ba thì bị băng huyết, cũng may qua cơn “thập tử nhất sinh”, cả mẹ và con đều cứu được. Nhưng cũng từ đấy, vợ ông yếu hẳn, thường xuyên đau ốm.

Từ dạo đó người làng không còn thấy ông Khán xuất hiện ở các cuộc ăn chơi, đánh nhau “phá làng, phá xóm” như trước mà tu chí làm ăn trông thấy. Mấy sào ruộng cấy của gia đình, mình ông làm hết. Chưa kể, đám đất rộng cuối làng bỏ hoang nhiều năm không ai ngó ngàng, ông Khán lên xã làm đơn xin nhận để trồng cây. Rồi ông nuôi bò. Bẵng đi chỉ dăm năm, đàn bò nhà ông Khán đã có cả chục con.

Từ e ngại, bà con trong làng chuyển sang khâm phục ông Khán. Nhiều người nói đùa mà thật, bảo ông Khán chơi có tiếng mà làm việc thì cũng không ai bằng. Đáng nói, dù vẻ ngoài lầm lì, ít nói nhưng ông tốt tính, biết gì cũng nhiệt tình chia sẻ. Cũng từ độ ông Khán “chăm làm, lười chơi”, kinh tế gia đình khấm khá hẳn, có người còn khen O Liên vợ ông Khán “có mắt” chọn chồng! Nhờ có kinh tế, cả ba người con của ông Khán đều được ăn học đàng hoàng.

Thấm thoát, các con ông Khán ra trường rồi lập gia đình riêng, người ở trên phố, người ngoài Hà Nội. Nhiều người nói ông Khán đã đến lúc được nghỉ ngơi. Tuy vậy, ông vẫn chăm chỉ cấy lúa, nuôi bò, nuôi gà... Dẫu đã ở tuổi “thất thập” nhưng ông vẫn giữ thói quen dậy từ khi “đài nói”. Sau khi nấu nước để ủ ấm chè xanh dùng cho cả ngày thì thái rau, thái chuối cho đàn ngan, gà, rồi dọn chuồng trại sạch sẽ trước khi cho đàn bò ra đồng.

Nhưng rồi mới đây, một chiếc xe tải lớn đã đến chở đàn bò nhà ông Khán đi. Hỏi ra mới biết, việc ông bán bò cũng là... chiều ý các con. Là bởi các con ông Khán giờ đây kinh tế đều đã khấm khá nên muốn bố mẹ được nghỉ ngơi. Nhưng lần nào ông Khán cũng tìm lý do cho việc giữ lại đàn bò. Cho đến hôm ra ngoài tết, anh con trai cả của ông bà trong chuyến về qua nhà đã cương quyết gọi người đến bán hết đàn bò. Toàn bộ tiền bán bò được gửi tiết kiệm cho ông bà. Chưa kể, mỗi tháng các con ông Khán cũng gửi tiền phụng dưỡng để ông bà yên tâm về chi phí sinh hoạt.

Bán đi đàn bò rồi, không phải thức khuya dậy sớm nữa nhưng ông Khán lại buồn trông thấy. Hôm vừa rồi ông sang nhà uống nước chè với bố tôi, ông bảo cả đời vất vả mà thấy vui, cứ hăng say làm việc, đến bữa là ăn no, đêm đến ngủ kĩ. Bán bò rồi không có việc làm, buồn tay buồn chân, thấy người mệt mỏi. Ông nói về ý định tìm việc gì đó để làm cho khuây khỏa, chứ cứ đà này, khéo buồn mà sinh bệnh...

Rồi ông Khán và bố tôi thích thú khi nói về chuyện xa xôi, nhiều người già vẫn chăm chỉ làm việc. Có tuổi rồi, sợ nhất ốm đau phải đi viện hay nằm một chỗ. Còn không, chỉ mong có sức khỏe để làm việc vừa sức cũng là điều hạnh phúc...

Minh Chi


Minh Chi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]