(vhds.baothanhhoa.vn) - Tết Nguyên đán vừa qua đi, ngày Giêng rộng dài đang bắt đầu. Như lẽ thường, phải một “nhịp” của vòng quay thời gian bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông nữa các gia đình mới lại gói bánh chưng. Hương vị của những “ngày tết” mới qua, dường như vẫn đâu đó nơi những chiếc bánh chưng còn lại.

Ra Giêng, nhớ nồi bánh chưng xanh

Tết Nguyên đán vừa qua đi, ngày Giêng rộng dài đang bắt đầu. Như lẽ thường, phải một “nhịp” của vòng quay thời gian bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông nữa các gia đình mới lại gói bánh chưng. Hương vị của những “ngày tết” mới qua, dường như vẫn đâu đó nơi những chiếc bánh chưng còn lại.

Ra Giêng, nhớ nồi bánh chưng xanh

Những chiếc bánh chưng ngày tết vẫn mang hương vị rất riêng. (ảnh minh họa từ internet)

Có phải “lạc điệu” chăng khi ngày tết vừa qua, sao lại nhắc đến bánh chưng. Chưa kể, thời đại này nếu thèm, muốn ăn bánh chưng lúc nào chẳng có, hà cớ gì cứ phải là tết… Chỉ là nhân chuyện có những “luận bàn” về bánh chưng, ta thấy lòng mình có chút xôn xao.

Đúng là ngày nay, muốn ăn bánh chưng lúc nào chẳng được, luôn sẵn có ngoài hàng. Vậy nhưng với tôi, những chiếc bánh chưng ngày tết cổ truyền vẫn cứ là tuyệt nhất. Từ hương đến vị và cả những cảm xúc quanh nó.

Nhà tôi vốn làm ruộng, bố mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vậy nên chị em chúng tôi từ nhỏ đến lớn, ngoài buổi đến trường cũng chẳng thể không biết đến những lấm lem đồng ruộng. Mỗi năm bố mẹ cấy hai vụ lúa, chỉ thuần lúa tẻ lấy gạo ăn cho gia đình. Nhưng đã thành thông lệ, vào vụ mười - còn gọi vụ mùa, thì mẹ luôn dành riêng vài “thước” ruộng cấy lúa nếp và đương nhiên, đó phải là giống nếp ngon.

Do không trồng nhiều, nên khi thu hoạch chỉ độ một “bì”. Mẹ sẽ dành một phần xay sát, lấy gạo đồ xôi thắp hương ở ban thờ gia tiên và nhà thờ dòng họ, gọi là cúng “cơm mới”. Phần lúa còn lại, được xếp ngay ngắn đợi qua 23 tháng Chạp mới dùng đến để gói bánh chưng.

Ở làng tôi khi ấy, tết không hẳn phải đợi đến ngày 30. Trước đó, khi cả gia đình tất tưởi chuẩn bị cho nồi bánh chưng, là khi tết đang bắt đầu. Mẹ đãi gạo, nấu đậu, thái thịt; bố bẻ khuôn; chị em tôi được giao nhiệm vụ lau sạch lá gói bánh, giã lá riềng lấy nước xanh “xức” gạo để bánh có màu đẹp. Nhưng hỏi có ai thấy mệt, thấy bực dọc hay không, thì dám chắc là không. Ngược lại, ai cũng thấy vui vì mình được góp một phần “trách nhiệm” làm ra chiếc bánh.

Ra Giêng, nhớ nồi bánh chưng xanh

Gói bánh chưng là dịp để cả gia đình quây quần, mỗi người “nhận” một phần trách nhiệm làm ra chiếc bánh truyền thống. (ảnh minh họa từ internet)

Khi gói bánh, bố vẫn luôn là “đạo diễn” chính. Nếu muốn bánh đẹp, khi gói không được “chặt” quá, cũng không được “lỏng”, rồi “khép góc” thế nào, “buộc lạt” ra sao… cũng thực sự cầu kì. Tôi nhớ mình từng hỏi bố: Là ai dạy mà bố biết gói bánh chưng đẹp như vậy? Bố nói: “Gói bánh chưng là nghề cha truyền con nối, mỗi năm làm một lần của cả dân tộc mình”!

Và háo hức nhất có lẽ là công đoạn canh lửa luộc bánh. Nó thực sự đòi hỏi sự kiên nhẫn và kĩ thuật. Lửa không được nhỏ quá, không được to quá, phải đều bốn góc nồi… Tôi không nhớ, bao nhiêu mùa bánh chưng chị em tôi cùng nhau nằm cạnh bố trên chiếc chiếu trải cạnh bếp. Hơi ấm bếp lửa tỏa ra, tiếng trấu, tiếng củi cháy lách tách thật dễ khiến người ta hoài niệm, kể về những chuyện đã qua. Bố kể ngày xưa nhà ông bà nội nghèo thế nào, rồi bố đi bộ đội ra sao, trong quân ngũ bố được đơn vị cho ăn tết những gì… năm nào bố cũng kể nhưng chị em tôi vẫn luôn háo hức lắng nghe. Nếu bây giờ nhớ lại, có ai đó hỏi kí ức ấm áp nhất, có lẽ đó là kí ức quanh những nồi bánh chưng!

Thời gian đi qua, cuộc sống phát triển, bố mẹ tôi đã già, việc ăn uống cũng chẳng nhiều như xưa. Nhưng, chưa năm nào gia đình tôi không tổ chức gói bánh chưng. Đặc biệt, dù có mua bao nhiêu bánh kẹo ngon, thì “lễ” gửi tết cúng tổ tiên hai bên nội ngoại của gia đình tôi không bao giờ thiếu cặp bánh chưng xanh. Hơn một lần tôi nhớ mình đã vô tư hỏi mẹ, Tết nhà ai cũng có bánh chưng, sao mẹ còn phải “gửi” nhà các bác làm gì? Mẹ chỉ bảo, Tết sao có thể thiếu bánh chưng, gạo nhà mình làm, bánh do mình gói, là tấm lòng của mình với tổ tiên, ông bà, không phải chỉ là chuyện ăn uống…

Bánh chưng nhà ai cũng gói, cùng nguyên liệu, nhưng đâu phải hương vị mặc định giống nhau. Chiếc bánh dùng lạt buộc cắt ra cảm quan dẻo chứ không nhão, bên trong nhân đậu quện lẫn thịt lợn béo ngậy, ngoài vỏ gạo nếp và lá riềng xanh thẫm, xáy một miếng cắn vào thấy “dẻo rền”, dặn lòng chỉ ăn một miếng nhưng rồi lại thêm, mặc kệ công cuộc “giảm cân” sau những ngày tết.

Ai đó nói bánh chưng không ngon. Tùy thuộc vào khẩu vị mỗi người mà có cảm nhận khác nhau. Nhưng nếu dùng những từ kiểu như “nhão nhoét, sống sượng…” để nói về món bánh truyền thống của dân tộc, có phải là không sòng phẳng. Hay ai đó thật sự bất hạnh vì chưa từng được thưởng thức một miếng bánh chưng ngon đúng nghĩa?

Mặc kệ ai đó vì nhiều lí do mà không thích, không ăn, không cần bánh chưng. Với mình, và tôi tin rằng không chỉ riêng tôi, bánh chưng vẫn cứ là lễ vật dâng cúng tổ tiên và ẩm thực không thể thiếu trong những ngày tết. Dù ăn ít, ăn nhiều, nhưng tết sẽ “thiếu” trọn vẹn nếu không có bánh chưng.

Một năm mới đang bắt đầu, nhà nhà, người người lại cùng nhau nỗ lực lao động, sản xuất, học tập… Chẳng phải cũng để cuối năm, cả gia đình được quây quần bên mâm cơm ngày tết có bánh chưng xanh đó sao…

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]