(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tự chủ tài chính (TCTC) bệnh viện công là xu thế tất yếu để các bệnh viện phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB). Tuy nhiên, cơ chế này sẽ khiến nhiều bệnh viện lo lắng khi ngân sách bị cắt, nhất là các bệnh viện tuyến huyện, nơi có điểm xuất phát thấp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tự chủ tài chính bệnh viện công, ‘cởi trói’ để phát triển (Kỳ 2): Còn đó nhiều khó khăn

(VH&ĐS) Tự chủ tài chính (TCTC) bệnh viện công là xu thế tất yếu để các bệnh viện phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB). Tuy nhiên, cơ chế này sẽ khiến nhiều bệnh viện lo lắng khi ngân sách bị cắt, nhất là các bệnh viện tuyến huyện, nơi có điểm xuất phát thấp.

Bài toán khó giải

Tình trạng quá tải, đội ngũ y, bác sỹ nhiều bệnh viện còn thiếu và yếu, khiến cho các bệnh viện gặp không ít khó khăn nhất là ở tuyến huyện. Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc là trung tâm KCB của 11 huyện miền núi phía Tây Thanh Hóa, chịu trách nhiệm KCB cho hơn 1 triệu dân, phần lớn là người dân tộc thiểu số và đồng bào biên giới Việt - Lào. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận KCB cho từ 600 - 700 bệnh nhân, bệnh nhân điều trị nội trú từ 900 - 1.200 bệnh nhân/ngày. Số giường thực kê của bệnh viện lên đến 972 giường (giường kế hoạch là 400 giường), công suất sử dụng giường bệnh đạt 240%. Tuy nhiên, bệnh viện chỉ có 120 bác sỹ, 340 điều dưỡng viên, 6 dược sỹ... đội ngũ y, bác sỹ bệnh viện phải làm việc vượt công suất mới đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh viện còn thiếu bác sỹ chuyên khoa sâu ở các lĩnh vực như: Ngoại, chấn thương sọ não, tim mạch, lồng ngực. Thiếu các trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ cho chuẩn đoán và điều trị các bệnh chuyên ngành trên, chưa đáp ứng đủ nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân.

Theo thông tin từ Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh có 80 giường kế hoạch, giường thực kê là 300 giường. Tuy nhiên, bệnh viện mới chỉ có 22 bác sỹ, trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho KCB chưa được đầu tư nhiều; cơ sở vật chất đã xuống cấp chưa được đầu tư, sửa chữa.

Trên thực tế còn rất nhiều bệnh viện công đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ sở vật chất đã thiếu thốn lại xuống cấp trầm trọng; trang thiết bị y tế đã cũ kỹ... dẫn đến việc khó khăn trong việc tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên. Được biết, nguồn thu của các bệnh viện tuyến huyện có tới hơn 90% là từ BHXH. Khi thông tuyến BHXH, nhiều bệnh viện do không đáp ứng được nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân, nên số lượng bệnh nhân đến ít, đồng nghĩa với nguồn thu giảm. Ví như Bệnh viện Đa khoa Như Thanh từ tháng 6/2016 đã phải cắt giảm trợ cấp cho cán bộ y, bác sỹ.

Mới chỉ có số ít bệnh viện tuyến huyện triển khai được dịch vụ chạy thận nhân tạo.

Còn nhiều vướng mắc trên con đường tự chủ

Theo lãnh đạo của nhiều bệnh viện, một khó khăn không hề nhỏ hiện nay là những vướng mắc với BHXH, thường xuyên bị "treo quỹ", gặp khó trong chi thường xuyên. Thậm chí nhiều bệnh viện trở thành những “con nợ” của đơn vị cung ứng thuốc, vật tư y tế. Như Bệnh viện Đa khoa Lang Chánh bị BHXH từ chối thanh toán với tổng số tiền hơn 7,3 tỷ đồng với lý do bệnh viện này kê vượt 200 giường bệnh so với quy định; Bệnh viện Đa khoa Như Thanh đang bị BHXH “treo” hơn 9 tỷ đồng kinh phí đề nghị thanh toán năm 2016...

Theo đại diện Sở Y tế Thanh Hóa thì: Đối với các bệnh viện tuyến huyện, nguồn thu chính là từ BHYT, các bệnh viện cũng tự ý thức rằng chỉ nâng cao được chất lượng KCB thì mới thu hút được bệnh nhân, mới tự chủ được tài chính. Nhưng những vướng mắc với BHXH đang gây áp lực lớn về tài chính cho các bệnh viện.

Còn bác sỹ Lê Đăng Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa thì cho rằng “Hiện nay nhân lực được giao cho đơn vị còn thiếu trầm trọng, bất cập giữa số người làm việc/số giường bệnh được giao. Để giảm quá tải, các bệnh viện buộc phải kê thêm giường, giường bệnh tăng nhiều nhưng nhân lực không đi theo, cường độ làm việc của y, bác sỹ quá lớn. Tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên là một xu thế tất yếu, để các bệnh viện có thể tự chủ về nguồn nhân lực, nâng cao hơn nữa chất lượng KCB".

Hiện tại, 100% các bệnh viện công ở Thanh Hóa đã thực hiện tự chủ một phần về chi thường xuyên, nhưng số bệnh viện tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên vẫn còn thấp, điển hình như Bệnh viện Phục hồi chức năng (mới đạt 26%), Bệnh viện Y học cổ truyền (44%)...

Cơ chế tự chủ là một chủ trương đúng đắn, giúp cho các bệnh viện có thể huy động vốn mua sắm trang thiết bị hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng KCB, xây dựng thương hiệu, tăng được thu nhập cho cán bộ, người lao động. Nhờ đó, người dân được KCB bằng những kỹ thuật cao ngay chính trên quê hương mình, tiết kiệm được phần lớn chi phí. Về y đức cũng phần nào khắc phục được thái độ ban ơn, cách hành xử nhiều khi hách dịch trong một bộ phận cán bộ y tế.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]